Hà Nội không để bị động, bất ngờ trong phòng, chống dịch Covid-19

02/11/2021 19:41

Kinhte&Xahoi Sáng 2/11, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng.
 
Đến 20/11/2021, hoàn thành tiêm trả vắc xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4, từ 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 4.749 ca mắc, trong đó, có 1.423 ca cộng đồng. Tính riêng từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ (từ ngày 11/10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc (trung bình 21 ca/ngày), trong đó, có 103 ca cộng đồng. Hiện tại, Thành phố có 6 chùm ca bệnh. Về công tác rà soát người về từ vùng dịch, Hà Nội đã rà soát được 9.272 người về từ các tỉnh phía Nam, phát hiện 50 trường hợp mắc, trong đó có 32 người tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
 
Về kết quả công tác tiêm vắc xin, trên địa bàn Hà Nội đã tiêm được 9.664.917 mũi, trong đó: Tiêm được 6.040.615 mũi 1/6.543.328 người (đạt 92,3% dân số trên 18 tuổi và 69,4 % tổng dân số); tiêm được 3.624.302 mũi 2 (đạt 55,4% dân số trên 18 tuổi và 41,6% tổng dân số). Thành phố cũng đã sẵn sàng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em để chủ động ưu tiên tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi theo chỉ định của Bộ Y tế nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
 
Thành phố cũng đã kích hoạt 2.640 giường điều trị F0 tại 8 bệnh viện và 2 cơ sở điều trị; có phương án điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 22.100 giường điều trị. Đã triển khai và thi công xong hệ thống Oxy tại 25 Bệnh viện/3.200 đầu ra khí Oxy đưa vào sử dụng ngay.
 
Đặc biệt, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phê duyệt kế hoạch, phương án triển khai Trạm Y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn; dự kiến mỗi thôn, xóm, cụm dân cư phải có 01 địa điểm, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó, đã thành lập 14 Trạm Y tế, Tổ Y tế lưu động tại các khu công nghiệp và các khu vực cách ly, phong tỏa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong các khu vực trên. Một số huyện đã diễn tập phương án vận hành trạm y tế lưu động.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà báo cáo tại buổi làm việc

Về tiêm trả mũi 2 cho người trên 50 tuổi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 15/11, khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến lịch tiêm trả mũi 2. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, khi đến ngày 15/11, Thành phố sẽ hoàn thành tiêm trả mũi 2 vắc xin Covid-19 cho khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi trong 5 ngày.
 
Đối với việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trên địa bàn Thành phố có khoảng 3,2 triệu sinh viên, học sinh các cấp. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đạt cao (98,5% tiêm mũi 1; trên 62% tiêm mũi 2, một số huyện đạt trên 80%). Qua khảo sát ý kiến, có 78,5% phụ huynh học sinh mong muốn con em được trở lại trường học.
 
Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố và thực tiễn, ngày 30/10/2021, Sở đã có tờ trình về việc cho học sinh quay trở lại trường học và ngày 31/10/2021, UBND Thành phố đã có văn bản đồng ý với Tờ trình của Sở: Từ 8/11/2021 học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10, 12 tại các xã, phường, thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính tới thời điểm ngày 8/11/2021 không có ca cộng đồng thì đi học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến; cấp mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà... UBND Thành phố cũng thống nhất 7 nguyên tắc thực hiện cụ thể, trong đó các trường phải đáp ứng các tiêu chí an toàn; không tổ chức ăn bán trú...
 
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ bố trí sớm, đủ vắc xin phòng Covid-19 cho Thành phố 4,4 triệu liều, trong đó: Số liều vắc xin để tiêm trả mũi 2 và số người dân trở về Hà Nội sau thời gian giãn cách dự kiến khoảng 2,7 triệu liều; số liều để tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi khoảng 1,7 triệu liều.
 
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện nay theo hướng dẫn mới chỉ có đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có các biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, hướng dẫn cụ thể về tần suất và tỷ lệ thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với các nhóm đối tượng...
 
Cảnh giác, chuẩn bị cao hơn diễn biến dịch
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội luôn xác định phải chủ động trong phòng, chống dịch; đây còn là trách nhiệm của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đầu mối giao thương, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; công tác phòng, chống dịch có ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến các tỉnh, thành phố xung quanh. 
 
Kinh nghiệm chống dịch vừa qua càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Hà Nội, vì nếu để bùng phát dịch nặng như thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia. Nên Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cầu thị, lắng nghe và chỉ đạo của Trung ương. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ dịch bệnh rất cao, đã có những khu vực dịch ngấm sâu trong cộng đồng như những ổ dịch phát hiện tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, gần nhất là huyện Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ tỉnh Hà Giang. 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc

Phân tích thêm về những kiến nghị của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị ngoài quy định hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch chung, Bộ Y tế nên có hướng dẫn phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vì một quận như Hoàng Mai có dân số gần gấp đôi một tỉnh miền núi phía Bắc, nếu áp tiêu chí theo tỷ lệ dân số hiện nay, thì mặc dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn mãi được coi là “vùng xanh”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, với đặc thù của một đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được như ngày hôm nay là rất tốt. Tuy vậy, Phó Thủ tướng đề nghị tinh thần tới đây, Hà Nội vẫn phải rất cảnh giác, bởi thực tế cả nước dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng.
 
Đồng chí đề nghị Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên bắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
 
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần “tập dượt” các phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận buổi làm việc

Về cung cấp vắc xin, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bố trí đủ vắc xin để Hà Nội tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến. Đối với học sinh, tập trung trước một bước cho những nơi có dịch rất nặng trong thời gian vừa qua, kể cả những nơi liền kề Hà Nội.
 
Về vấn đề cho học sinh đi học trở lại, Phó Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đã lên kế hoạch cho học sinh ở một số vùng, một số lớp đi học trở lại với một số điều kiện, cần tiếp tục đánh giá rất sát vấn đề này. Tinh thần là an toàn mới đi học, nhưng an toàn là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu, cho cộng đồng, chứ an toàn không phải là không có học sinh nào nhiễm bệnh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng phân tích, việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của các cháu. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn. Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 7 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy, không thể đợi tiêm hết vắc xin hoặc không có Covid mới cho đi học. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần, cần linh hoạt, không máy móc. 
 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, đã sẵn sàng chấp nhận không “Zero Covid” thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên 1 bước so với trước đây. Vẫn phải xét nghiệm, khoanh vùng, nhưng làm khác trước và cố gắng không để bị động, bất ngờ. 
 
Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá cấp độ dịch như đề nghị của Hà Nội. Ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho cả nước thì phải tính đến các yếu tố đặc thù như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, xem xét nghiên cứu phác đồ điều trị để các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vật tư, thuốc men.

Trọng Toàn - NHP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2849046/ha-noi-khong-e-bi-ong-bat-ngo-trong-phong-chong-dich-covid-19.html;jsessionid=hPE+O2f4inbsWp5Dtnb3MM78.app2?fbclid=IwAR2WYOpikwGMJWQHZqbLWMMmF_GRRQ6Q1J1V0ILEllYojxPama53JVx01EM