Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp Tết năm 2023

28/10/2022 09:58

Kinhte&Xahoi Trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch số 4515/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vừa được Sở Công thương Hà Nội ban hành.

Theo đó, những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023 nổi lên vấn đề nguồn cung ứng xăng dầu, Sở Công thương Hà Nội cho biết sẽ nắm bắt sát tình hình nguồn cung kịp thời báo cáo Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội để có phương án giải quyết khi có biến động về nguồn xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Sở Công thương Hà Nội cũng sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có kế hoạch về nguồn cung, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Thành phố nghiêm cấm hành vi đầu cơ xăng dầu, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm quy định trong kinh doanh xăng dầu.

Mới đây, Sở Công thương Hà Nội cũng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối hoạt động kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang có hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, Sở Công thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống xăng dầu trên địa bàn Hà Nội (gồm các cửa hàng bán lẻ trực thuộc và thương nhân đại lý, thương nhân nhượng quyền thương mại), đảm bảo cung cấp hàng đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng đã ký với các thương nhân phân phối.

Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu phải chịu trách nhiệm đối với các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống đóng cửa không bán hàng hoặc bán hàng hạn chế do thiếu hàng hoặc do chiết khấu quá thấp, không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp bán lẻ chịu lỗ trong thời gian dài.

Nếu có bất kỳ đề xuất kiến nghị, giải pháp, đề nghị các doanh nghiệp gửi văn bản về Sở Công thương để kịp thời tháo gỡ.

Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối có cửa hàng thuộc hệ thống phân phối ngừng bán hàng do thiếu hàng hoặc do chiết khấu quá thấp, không đủ bù đắp, để báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị thanh kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp giảm chiết khấu bất hợp lý hoặc không cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gây bất ổn thị trường.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Sở Công thương Hà Nội đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của cơ quan này.

Trong trường hợp doanh nghiệp bán lẻ có khó khăn về nguồn hàng, Sở Công thương Hà Nội đề nghị doanh nghiệp có văn bản yêu cầu thương nhân cung cấp xăng dầu cân đối, đáp ứng số lượng hàng, thời gian theo hợp đồng đã ký; Nếu không được giải quyết, đề nghị gửi văn bản về Bộ Công thương, Sở Công thương để giải quyết.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố thêm 2 bị can trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao

Ngày 27/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố thêm 2 bị can liên quan vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số địa phương khác.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-len-ke-hoach-dam-bao-nguon-cung-xang-dau-dip-tet-nam-2023-209133.html