Hà Nội quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

14/07/2022 20:39

Kinhte&Xahoi Chăm sóc sức khỏe cho người có công là nhiệm vụ được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), nhiều đơn vị, địa phương tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người có công.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, trong đó có gần 82.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng...

Tri ân người có công, Hà Nội luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, chú trọng chăm sóc sức khỏe người có công và thân nhân. Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công được Hà Nội rút ngắn từ 5 năm/người/lần theo quy định chung, xuống 2 năm.

Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Minh Hương cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 6 trung tâm chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng người có công, thân nhân người có công và nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trung bình mỗi năm, các đơn vị tổ chức các đợt điều dưỡng luân phiên phục hồi sức khỏe cho 30.000-40.000 lượt người. 

Trong quá trình điều dưỡng, người có công được chăm lo từ bữa ăn tới giấc ngủ, tham gia các sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể thao, vừa nâng cao sức khỏe, vừa sảng khoái tinh thần.

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, đóng tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa) Vũ Văn Trung cho hay, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên hơn 40 người có công, thuộc đối tượng thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ. Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng đều có điểm chung là phải gánh chịu đau thương, mất mát do chiến tranh để lại, sức khỏe của nhiều người không tốt. Vì thế, trung tâm luôn bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, kịp thời quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc.

Đặc biệt, từ năm 2015, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Đơn vị thường xuyên nuôi dưỡng, điều trị cho gần 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhận được sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe về nhiều mặt, sức khỏe của nhiều nạn nhân chuyển biến tích cực. Có thể kể đến trường hợp Hoàng Thị Thơm, đến từ xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), vốn bị tâm thần phân liệt do ảnh hưởng của chất độc hóa học, nay có thể tỉnh táo nhận biết những điều đơn giản; hay Sỹ Thị Dung, đến từ xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai), vốn bị thiểu năng trí tuệ, nay đã biết phản ứng vui, buồn với những gì diễn ra xung quanh... 

Tin vui hơn đến với nạn nhân chất độc da cam là Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tiếp tục được thành phố Hà Nội đầu tư cải tạo, nâng cấp, sẵn sàng thực hiện chức năng tẩy độc cho nạn nhân.

Bệnh viện Bỏng phát thuốc miễn phí cho nhiều người có công trên địa bàn Hà Nội dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chăm sóc từ cơ sở

Nhiều năm qua, 100% người có công trên địa bàn thành phố Hà Nội được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi; được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người có công tuổi đã cao, nên không phải ai cũng thường xuyên đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe. 

Thiết thực chăm lo đời sống cho người có công, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám tổng thể, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho hàng vạn lượt người có công từ cấp cơ sở.

Chẳng hạn, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội vừa khám, tư vấn sức khỏe cho 300 đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Sóc Sơn. Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác; Bệnh viện Quân y 103, 105, 108; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương... đã, đang tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn lượt người có công của thành phố tại địa bàn cư trú.

Đón nhận sự quan tâm, ông Hoàng Văn Dần, tổ dân phố Yên Phúc (phường Biên Giang) bày tỏ: “Trong đợt khám bệnh miễn phí gần đây, các bác sĩ phát hiện tôi mắc một số loại bệnh phổ biến của người già. Để bảo vệ sức khỏe, tôi được các bác sĩ tư vấn nên thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng”.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người có công ở xã Đông Hội (huyện Đông Anh).

Với kinh nghiệm tổ chức khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, Đại tá Trần Tấn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, hiện đa số người có công tuổi đã cao, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học mang trong người những vết thương chiến tranh, nên hầu hết đối tượng chính sách đều có bệnh, một số người mắc bệnh mạn tính, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Vì thế, việc đưa chương trình khám bệnh cho đối tượng chính sách về cơ sở giúp cho nhiều người có cơ hội khám bệnh, hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của bản thân, biết cách luyện tập, chăm sóc phù hợp.

Hướng tới 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe người có công. Chẳng hạn, tại huyện Phú Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Huy cho hay: “Cùng với chăm lo đời sống, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên luôn chú trọng chăm sóc sức khỏe người có công. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe được tổ chức nhiều dịp trong năm và tập trung vào dịp 27-7”.

 Vũ Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lại "nóng" tình trạng xe bất chấp biển báo cấm dừng, đỗ sai quy định

Theo pháp luật hiện hành, mức phạt tiền cao nhất từ 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi dừng xe, đỗ xe ô tô không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Song bất chấp biển báo cấm, thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện vẫn dừng, đỗ xe tràn lan, thậm chí đón, trả khách, biến lòng đường thành “bến đỗ”… gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1036839/ha-noi-quan-tam-cham-soc-suc-khoe-nguoi-co-cong