Hàng loạt dự án giao thông lớn phía Nam chậm vì đói vốn

10/12/2019 10:13

Kinhte&Xahoi Nỗi lo lớn nhất hiện nay tại một số dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam vẫn là nguồn vốn thi công.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa mới được tiếp sức khi nguồn vốn ngân sách được đưa vào dự án

Một số dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian dài chậm tiến độ. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn thi công.

Tín hiệu vui cuối năm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày gần đây, không khí trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như được hồi sinh. Các nhà thầu đã tăng cường thiết bị, nhân lực để thi công các hạng mục công trình. Tín hiệu này bắt nguồn từ ngày 3/12 khi chủ đầu tư nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chia sẻ, nguồn vốn về rất kịp thời. “Đây là một cú hích để chúng tôi tiếp tục nỗ lực thực hiện dự án”, ông Thủy nói và cho biết, trên cơ sở một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, chủ đầu tư đã tổ chức lập lại tiến độ thi công, giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II/2021, điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Chủ đầu tư cùng các nhà thầu sẽ huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị thi công 3 ca, không nghỉ ngày lễ, Tết. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, mặc dù vậy ông Thủy cũng cho rằng để dự án hoàn thành cần phải nỗ lực rất lớn.

Hai dự án trọng điểm phía Nam khác là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vốn đang chậm cũng vừa được UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, điều chỉnh tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ hơn 47.000 tỷ đồng còn khoảng 43.600 tỷ đồng, giảm 3.400 tỷ đồng sau khi rà soát lại các hạng mục. Hiện, tiến độ dự án đã trên 75% kế hoạch tổng thể.

Tại các gói thầu như thi công ga Nhà hát thành phố, đường trên cao và depot... các nhà thầu đang tập trung nhân lực thi công các hạng mục cơ điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, và công tác hoàn thiện. Gói thầu thi công nhà ga Bến Thành, hàng trăm công nhân của Cienco 4 miệt mài thi công ngày đêm phần kết cấu sàn đáy, sàn mái các tầng.
 
Còn tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng vừa được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 48.000 tỷ đồng. Hiện, tuyến này chỉ mới xây dựng tòa nhà điều hành và tiến độ cũng phải xin lùi thời gian hoàn thành từ năm 2024 lên đến năm 2026.

Vẫn phải tiếp tục xoay xở lo vốn

Cầu Phước Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công phần cầu dẫn ra đến giữa sông, thế nhưng 2 trụ chính dây văng suốt cả năm qua chưa thi công được.

Nguyên nhân chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên được các chủ đầu tư chỉ ra là do nguồn vốn bố trí quá chậm. Đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo ông Lưu Xuân Thủy, hiện vẫn còn 6.686 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đến nay các ngân hàng vẫn chưa quyết định ký hợp đồng cho vay vốn. “Các ngân hàng đã có báo cáo thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng. Nếu ngân hàng không cho vay, cũng cần thông báo cho nhà đầu tư biết để tìm nguồn vốn khác, như phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư dự án”, ông Thủy nói.

Tuyến metro số 1 dù đã được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, tuy vậy nguồn vốn thực tế vào dự án vẫn chưa có. Các thủ tục để Trung ương chuyển tiền cho dự án vẫn phức tạp, phải đến tháng 4/2020 mới có tiền. Vì vậy TP HCM phải ứng thêm 1.700 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu trong năm nay.

Khó khăn nhất là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, bởi hiện nay nhiều gói thầu trên tuyến đã tạm dừng thi công. Một lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, có 5 gói thầu thuộc đoạn tuyến phía Tây đã được các đơn vị thi công chủ động dừng thi công từ cách đây 5 tháng, khi Hiệp định vay vốn hết hiệu lực từ ngày 30/6. Hiện, đoạn tuyến này mới chỉ có gói thầu A2-1 và A3 đã cơ bản hoàn thành, 3 gói thầu còn lại là A1, A2-2 và A4 vẫn đang trong giai đoạn thi công với sản lượng đạt khoảng 3.554 tỷ đồng, tương đương 86,63% giá trị hợp đồng.

Đoạn tuyến phía Đông gồm 3 gói thầu (A5, A6, A7), tính đến tháng 9/2019 mới đạt 516/2.002 tỷ đồng, tương đương 26%. Tại các gói thầu J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh), J2 đoạn nối hai cầu do không được bố trí nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 nên cũng lâm vào tình trạng “đứng hình”. Ngày 4/12, VEC đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc liên quan đến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn về thẩm quyền cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư, vốn tại các dự án.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Buôn lậu mùa áp Tết: Thủ đoạn tinh vi, chiêu thức linh hoạt

Tuyến biên giới các tỉnh miền Tây giáp ranh Campuchia luôn là những điểm nóng về hoạt động buôn lậu. Dịp cuối năm, khi nhu cầu hàng hoá tiêu dùng trong nước tăng cao, cuộc chiến chống hàng lậu dọc biên giới trở nên cam go hơn bao giờ hết.

Theo Báo Giao thông/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/hang-loat-du-an-giao-thong-lon-phia-nam-cham-vi-doi-von-d112786.html