Hành vi bạo lực gia đình của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị xử lý thế nào?

08/11/2023 09:57

Kinhte&Xahoi Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Theo Nghị định số 76/2023/NĐ-CP, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị bạo lực gia đình được bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; chăm sóc, điều trị; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (a).

Hình minh họa.

Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình bị áp dụng các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chi trả chi phí: Thuê phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, thuê luật sư, thuê người bảo vệ và các chi phí quy định tại điểm (a) nêu trên cho người bị bạo lực gia đình. Việc chi trả theo quy định của pháp luật về tài chính; trường hợp pháp luật về tài chính chưa quy định thì thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế. Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình hoặc bị bạo lực gia đình có quyền mời đại diện cơ quan, tổ chức mình đang làm việc hoặc người đại diện theo pháp luật cho mình tham gia quá trình thực hiện biện pháp nêu trên.

Người có thẩm quyền quyết định biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện biện pháp đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo quy định nêu trên.

 Diệu Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảnh báo lừa đảo khi “ship” hàng

Nghề shipper (vận chuyển) đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày. Nhưng gần đây một số cá nhân lợi dụng công việc này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn tinh vi.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-cua-nguoi-nuoc-ngoai-cu-tru-tai-viet-nam-bi-xu-ly-the-nao-d200595.html