Hé lộ những sai phạm nghiêm trọng ở Vinasport xôn xao dư luận?

23/11/2018 10:10

Kinhte&Xahoi Hàng chục công nhân của Công ty cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) rất hoang mang kêu cứu các cơ quan chức năng xem xét lại việc di dời Nhà máy tại Thanh Oai dẫn tới họ bị mất việc bất ngờ?

Kỳ 1: Hoang mang TGĐ “tiếm quyền” - công nhân mất việc?

Lý do của việc di dời trên là để bàn giao trả lại mặt bằng cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cao Huân. Trước những chỉ đạo trái ngược giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty, người đại diện phần vốn Nhà nước, Công đoàn và Đảng ủy Công ty với Tổng Giám đốc (TGĐ) công ty, những người lao động đã gắn bó hàng chục năm với Công ty rất hoang mang, lo lắng!

Trụ sở Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport).

“Tối hậu thư” khiến hàng chục công nhân mất việc?

Theo tìm hiểu, Vinasport là công ty cổ phần có 51,32% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện tại đại diện phần vốn Nhà nước do 03 cá nhân đứng tên: Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Công ty nắm giữ 26,32% vốn Nhà nước; ông Lê Hồng Nam, Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn Công ty nắm giữ 10%; bà Dương Thị Thu Hường, Ủy viên HĐQT nắm giữ 15%; ông Phạm Quang Anh hiện giữ chức vụ TGĐ Công ty.

Ngày 29/10, trước 01 ngày “lệnh” di dời Nhà máy tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội) theo văn bản số 213/TB – CTCPTT ngày 27/10/2018 do TGĐ Phạm Quang Anh ký, nhóm PV đã trực tiếp xuống Nhà máy của Vinasport gặp gỡ công nhân tại phân xưởng da, cao su để nắm bắt thông tin.

Theo quan sát của PV, không khí làm việc của các bộ phận sản xuất bóng chuyền mang thương hiệu Thăng Long vẫn hối hả, người nào việc đấy. Tại đây, PV đã tiếp xúc gặp gỡ hàng chục công nhân, phần lớn là lao động nữ đã gắn bó với công ty và thương hiệu bóng chuyền Thăng Long gần 20 năm, có người đã gắn bó với công ty trên 30 năm như cô Nguyễn Thị Dung. 

Văn bản do TGĐ Phạm Quang Anh ký đề nghị di dời nhà máy để trả lại mặt bằng cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cao Huân và phủ nhận sự chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Thạch.


Khi được hỏi tâm trạng của công nhân ở đây như thế nào trước thông tin Công ty phải đóng cửa sản xuất tại Nhà máy Bắc Thanh Oai để bàn giao cho một đơn vị khác, công nhân ở đây cho biết, họ rất bất an và không biết phải bắt đầu từ đâu, đi đâu để có công việc mới khi họ đã dành tâm huyết cho nơi này nhiều năm. Con cái và gia đình họ sẽ ra sao nếu họ phải mất công ăn việc làm một cách rất “bất công”. Vì vậy, dù ngày mai có lệnh phải bàn giao nhà máy thì họ vẫn bám trụ lại nơi đây đến cùng. 

Họ tỏ ra mất niềm tin vào các cơ quan chức năng, khi họ đã nhiều lần phản ánh những tiêu cực ở một doanh nghiệp có vốn nhà nước, có tổ chức Đảng và các đoàn thể nhưng đã không bảo vệ được họ trước những “ngang trái” vẫn diễn ra bởi những người quản lý Công ty.

Chị Hoàng Thị Huyền, Phó quản đốc phân xưởng,  người đã gắn bó với Công ty được 19 năm đã giới thiệu với chúng tôi từng công đoạn để gia công bóng chuyền Thăng Long đã có thương hiệu 40 năm trên thị trường cả nước. Chị và một số công nhân hồ hởi cho biết, bóng chuyền Thăng Long sản xuất không đủ bán, thu nhập bình quân của công nhân đạt từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, cá biệt có người đạt 16 triệu đồng, tùy thuộc năng suất lao động.

Tuy nhiên, niềm vui trên những gương mặt lao động đã bất chợt vụt tắt khi họ nói về ngày mai, họ bị ám ảnh bởi câu nói mà TGĐ từng tuyên bố phải bàn giao mặt bằng nhà máy cho công ty khác, và chuyển máy móc trang thiết bị về “đắp chiếu” tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội). Còn công nhân nghỉ việc hưởng lương 3,5 triệu đồng/người/tháng, đến khi nào hết tiền thì đóng cửa thậm chí phá sản… 

Văn bản của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thạch ký nhưng không được bộ phận văn phòng Công ty đóng dấu khẳng định "HĐQT chưa có văn bản nào chỉ đạo TGĐ trong công tác di dời".


Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT, Bí thư Đảng ủy Công ty Nguyễn Ngọc Thạch lại thông báo với công nhân rằng: “Hiện nay, HĐQT chưa có văn bản nào yêu cầu dừng sản xuất, chưa có văn bản nào về việc di dời Nhà máy tại Khu Công nghiệp Bắc Thanh Oai. HĐQT chưa có văn bản nào chỉ đạo TGĐ trong công tác di dời. Vì vậy, các bộ phận sản xuất hoạt động sản xuất bình thường theo sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Để đảm bảo ổn định tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm, ổn định tư tưởng cho người Lao động. Khi nào HĐQT họp có ý kiến chỉ đạo Tổng Giám đốc về công tác di dời và được Đại hội cổ đông chấp nhận thì CBCNV mới được phép thực hiện…”.

Anh Đặng Quang Tuấn (ảnh dưới), công nhân đã gắn bó 22 năm với Công ty chia sẻ: “Một doanh nghiệp có vốn nhà nước trải qua 40 xây dựng và trưởng thành.. Máy móc thiết bị, nhà xưởng, đất đai là tài sản nhà nước. Công nhân bức xúc khi tài sản nhà nước bị xâm hại. Người lao động bức xúc  vì mất công ăn việc làm. Mất công ăn việc làm không phải do sản xuất kém, sản phẩm không bán được. Tâm lý chung của người lao động, muốn có công ăn việc làm, ổn định sản xuất, ổn định thu nhập và đảm bảo tài sản nhà nước. Công ty, dù sao vốn nhà nước vẫn đang chi phối 51% vốn, đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo thực tế hơn. Sau này, chủ trương phát triển doanh nghiệp như thế nào người lao động cũng chấp nhận. Nhưng với điều kiện phải đúng, chứ không thể dừng công việc giữa chừng thế này…”


Chủ tịch HĐQT có chức nhưng có đang bị “tiếm quyền”?

Ngày 20/10/2018, hai thành viên đại diện phần vốn Nhà nước là ông Nguyễn Ngọc Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty và ông Lê Hồng Nam, Ủy viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn Công ty đã ký tên văn bản số 10/BC – NĐDPVNN báo cáo một số sự việc có liên quan đến hoạt động của Vinasport gửi các cơ quan chức năng có liên quan.

Văn bản nêu rõ, sau khi phát hiện ra nhiều sai phạm, bất hợp lý có liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần và nhận thấy nhiều ảnh hưởng từ việc bàn giao mặt bằng sản xuất đối với cán bộ công nhân viên, HĐQT đã nhiều lần có Nghị quyết chỉ đạo nhưng TGĐ Phạm Quang Anh đã cố tình không thực hiện.

Cụ thể, HĐQT có nghị quyết ngày 23/8/2018 giao cho TGĐ làm việc với Công ty cổ phần Dược VIKO8 - Pháp để hoãn thời gian bàn giao mặt bằng; Báo cáo về quy trình, cơ sở pháp lý của việc chuyển nhượng cổ phần của 3 cá nhân (Bùi Duy Nghĩa, Trịnh Quốc Toàn, Nguyễn Văn Hiền) cho VIKO8, những bất hợp lý trong hợp đồng chuyển nhượng; Xây dựng phương án xử lý dứt điểm các hợp đồng đầu tư và cho thuê lại 181 Nguyễn Huy Tưởng.

Hàng chục cán bộ, công nhân đã gắn hàng chục năm với công việc sản xuất bóng chuyền mang thương hiệu Thăng Long có uy tín trên thị trường đang làm việc tại Nhà máy Bắc Thanh Oai có nguy cơ mất việc đột xuất.


Tuy nhiên, ông TGĐ không chỉ “làm ngơ” những chỉ đạo của HĐQT, mà còn có dấu hiệu “vượt quyền” khi nhiều lần ký các văn bản, quyết định không thông qua HĐQT theo đúng những quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. Cụ thể là các văn bản số 113/CV-CTTTVN ngày 1/6/2018 gửi C46 Bộ Công an; văn bản cam kết bàn giao Cty Cao Huân cho VIKO8 ngày 14/8/2018; Quyết định số 74 và 75/QĐ-CTCPTT thành lập các tổ công tác, giúp việc…mà không hề có sự chỉ đạo hay nghị quyết của HĐQT.

Ngày 6/8/2018, TGĐ Phạm Quang Anh tiếp tục tự ý lập ủy nhiệm chi để chuyển 15,4 tỷ đồng sang Công ty An Phú – Hoàng Gia khi chưa được sự đồng ý của HĐQT. Việc làm này là không đúng phân quyền trong Điều lệ công ty (Điều 19 qui định Tổng Giám đốc chỉ được quyết định đầu tư, vay, cho vay, mua tài sản, bán tài sản của công ty theo mức tối đa là 500 triệu đồng, với các hợp đồng giao dịch vì phát triển thị trường thì tối đa là 1 tỷ đồng).

Văn bản trên cũng chỉ ra những dấu hiệu vi phạm Hợp đồng lao động, Điều lệ công ty, Luật doanh nghiệp của TGĐ. Đặc biệt, HĐQT nhiều lần lâm vào bế tắc vì văn bản có chữ ký của Chủ tịch HĐQT nhưng không được TGĐ cho đóng dấu Công ty. Trong khi, Điều lệ Công ty quy định: HĐQT và Ban Điều hành Công ty sử dụng chung một con dấu. Dấu của Công ty chỉ được đóng lên các văn bản đã có chữ ký của người có thẩm quyền: Chủ tịch HĐQT, TGĐ…

Trong trường hợp trên, Chủ tịch HĐQT có đang bị TGĐ “tiếm quyền”? Và hậu quả của nó không đơn giản chỉ là mâu thuẫn giữa HĐQT và TGĐ, mà là cả vấn đề cơm ăn, áo mặc của tập thể công nhân, ảnh hưởng đến tương lai, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp…?!

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vĩnh Phúc: Hải Yến Spa qua mặt cơ quan chức năng?

Chưa được cấp giấy phép liên quan tới hoạt động làm đẹp xâm lấn nhưng Hải Yến Spa (Lô 32 dãy S4 KĐT Hà Tiên, TP. Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc) ngang nhiên quảng cáo, tiến hành dịch vụ vượt phép cho khách hàng.