Học Bác để “lòng ta trong sáng hơn”

19/05/2020 09:38

Kinhte&Xahoi Cứ mỗi độ tháng 5 về, Nhân dân cả nước thường bâng khuâng tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt năm nay, chúng ta càng có dịp để bày tỏ niềm tôn kính và lòng biết ơn vô hạn gửi đến vị Lãnh tụ thiên tài của Tổ quốc, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Tấm gương về đạo đức, lối sống giản dị của Bác. (Ảnh tư liệu)

Tấm gương trọn đời vì dân, vì nước

Sinh ra trong một gia đình Nho giáo giàu truyền thống yêu nước của quê hương xứ Nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhỏ đã được hun đúc một nhân cách lớn, một lý tưởng sống kiên trung, luôn đau đáu trước nỗi nhục mất nước, trước cảnh đồng bào lầm than, đói khổ.

Chính vì thế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lặn lội vào miền Nam, quyết định rời bến cảng Nhà Rồng, để bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước thoát khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân.

Chuyến đi lịch sử ấy đã ngót 30 năm, có 28 quốc gia của 3 đại dương, 4 châu lục đã ghi dấu chân Người. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại như thế lại đặt trên đôi vai của cậu thanh niên tuổi đôi mươi, với hành trang chỉ là hai bàn tay trắng, cùng biết bao bão táp, phong ba nơi đất khách.

Để đảm bảo bí mật, Người đã thay đổi tên rất nhiều lần và trải qua hàng chục nghề khác nhau để sinh sống: khuân vác, khâu vá, quét tuyết, xúc than, bồi bàn, rửa ảnh, vẽ đồ cổ,… Bao khó khăn cùng cực của cuộc sống, Bác đều nếm trải qua. Hai lần bị đế quốc bắt giam, xiềng xích, đày ải vô cùng khắc nghiệt qua 18 nhà tù. Thậm chí chúng còn kết án tử hình vắng mặt đối với Bác.

Một con người bình thường, nếu không có một ý chí kiên trung, tinh thần sắt đá, lòng quyết tâm đấu tranh không ngừng nghỉ vì dân, vì nước như Bác Hồ của chúng ta thì chắc rằng khó vượt qua nổi. Bởi lẽ, tôn chỉ, mục đích mà cả cuộc đời Bác luôn đeo đuổi không gì khác hơn, mà chính là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đời tư trong sáng, giản dị

Là lãnh đạo tối cao của Đảng, có sức ảnh hưởng lớn trong phong trào cách mạng thế giới, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có cuộc sống chân phương, giản dị, đời tư trong sáng, khiêm tốn vô ngần.

Đức tính giản dị của Bác được mọi người cảm nhận từ những bữa cơm thanh đạm, đến chiếc áo sờn vai, đôi dép cao su, hay căn phòng làm việc đơn sơ tại Phủ Chủ tịch. Sự giản dị của Bác không lố bịch mà đi liền với vĩ đại. Đó là đức tính sẵn có từ bản chất tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày của Bác chứ không hề gượng gạo, khoa trương hay hình thức.

Sự tử tế trong cách đối nhân, xử thế của Người không phải chỉ có trong các nghi thức ngoại giao cấp quốc gia, mà còn thường xuyên bắt gặp đối với các anh em phục vụ, lao công, bảo vệ,… khi được tiếp xúc với Bác.

Trong lịch sử thế giới, khó tìm thấy lãnh tụ của một quốc gia, đã có công lao to lớn cho dân tộc lại giữ được đức tính khiêm tốn, giản dị, đời tư trong sáng, luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân, không mảy may một suy nghĩ mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Đến tận khi Bác phải “đi gặp cụ Các-Mác, cụ Lê-nin”, thì trên ngực áo của Người vẫn không một tấm huy chương.

Phấn đấu học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Học Bác để xây dựng xã hội tốt đẹp

Tuy đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho dân tộc ta một tấm gương bất diệt về sự mẫu mực, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Và điều “trước hết”trong những“lời căn dặn” của Bác chính là “nói về Đảng”. Bởi lẽ, trong thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhờ đoàn kết mà Đảng đã lãnh đạo dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thách thức để giành được những thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì thế, việc “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng” được Bác dặn dò phải luôn được xem trọng như“giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Vừa qua, điều minh chứng rõ nét nhất là nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng ta trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, đã nhận được sự đồng thuận cao, tạo nên sức mạnh kiên cườngtrong toàn xã hội cùng quyết chiến và quyết thắng đại dịch Covid-19, được cả thế giới vô cùng ngưỡng mộ.

Chúng ta cũng không khỏi tự hào về những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam sau hơn 34 năm đổi mới. Tuy nhiên, đâu đó trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng vẫn còn xuất hiện tệ nạn tham nhũng, quan liêu, bè cánh, lợi ích nhóm, sống xa rời Nhân dân. Đạo đức xã hội có lúc, có nơi cũng bị xuống cấp. Sự thờ ơ, vô cảm trong nhận thức, trong sự quan tâm, yêu thương những người cùng chung dòng máu Lạc Hồng, những người đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội, hay trước những nguy cơ lớn của cả dân tộc vẫn còn tồn tại.

Đứng trước thực trạng đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng ta đã nêu rõ: “Phải quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”, phòng chống “sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống”. Điều này cũng không nằm ngoài những “lời căn dặn” trong Di chúc của Người về công tác xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” giờ đây “đã thành phong trào” và “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Thật vậy, công tác chống tiêu cực, tham nhũng của Bộ Chính trị trong thời gian qua đã cho thấy được quyết tâm của Đảng, nói được và làm được. Nhờ đó, niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng ta đang được củng cố và phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta cần nhận thức rằng, bất cứ ai, đang làm gì, ở đâu, cũng đều cần và đều có thể học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đó vừa là cơ hội để mỗi người tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mình và cũng là một yêu cầu, trách nhiệm đối với mỗi chúng ta, để cùng nhau “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần cảm hóa mọi người xung quanh cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả lòng kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào những lời căn dặn của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hãy siết chặt tay, cùng phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước ta ngày một phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, để tiếp tục xứng đáng trước anh linh của Người. Mỗi chúng ta hãy học theo Bác từ những việc nhỏ nhất để trở thành người tốt, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, như lời nhắn nhủ của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoc-bac-de-long-ta-trong-sang-hon-d124848.html