Học cách cho đi để nhận lại được nhiều hơn thế

17/07/2019 10:30

Kinhte&Xahoi Từ thời đức phật còn hiện hữu, ngài đã khuyến cáo từng cá nhân hãy nỗ lực thực thi làm các việc công đức bằng cả sự nhiệt tâm, tinh cần để đem lại lợi ích lớn. Một việc làm thiện tâm dù rất nhỏ, nhưng hiệu quả tốt đẹp của hành động đó có tác động rất lớn đối với nhiều người. Và tin rằng làm việc thiện sẽ được báo đáp giống như câu chuyện của một cô phục vụ bàn tốt bụng dưới đây.

Cho đi bữa sáng

Nhận lại 70 ngàn USD Làm việc thiện, cho dù đó chỉ là một cử chỉ lương thiện hay hành động tương hỗ nhỏ nhoi, nhưng bằng cả tấm lòng thì nhất định sẽ được báo đáp. Sau ca trực suốt đêm, Tim Young và Paul Hullings là hai lính cứu hỏa tại New Jersey đã quyết định ăn sáng trước khi về nhà.

Ảnh minh họa.

Cô phục vụ bàn tại quán ăn khi mang đồ tới bàn họ nghe thấy hai anh lính cứu hỏa nói về một cơn hỏa hoạn dữ dội tối hôm trước mà họ đã vật lộn để dập lửa cũng như cứu sống nạn nhân trong nhà. Khi nghe xong điều này, Liz cảm thấy mình nên làm một điều gì đó thật ý nghĩa. Vì thế cô đã bảo chủ tiệm ăn trừ tiền bữa sáng của hai anh lính cứu hỏa vào tiền lương của mình.

Kèm theo đó là một lời nhắn gửi tới hai anh lính: “Hãy để tôi trả tiền bữa sáng đãi hai anh hôm nay. Xin cám ơn vì tất cả những gì mà các anh đã làm. Hai anh đã nỗ lực phục vụ người dân, không ngại ngần lao vào nơi mà người ta bỏ chạy. Cho dù các anh có giữ vị trí nào trong đơn vị của mình, các anh vẫn là những người quả cảm, anh hùng và vững chãi.

Xin cám ơn tấm lòng quả cảm và nỗ lực của các anh mỗi ngày. Ngọn lửa đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh và lòng dũng cảm là động lực để các anh ngày ngày làm việc. Thật là những tấm gương đáng trân trọng, các anh hãy giữ gìn sức khỏe và nghỉ ngơi đi nhé”.

Hai người lính cứu hỏa đã rất xúc động trước tấm chân tình của người viết lại tờ nhắn và Tim đã lên Facebook để chia sẻ việc này. “Liz thật tốt bụng và hào phóng. Tôi chắc chắn sẽ kêu gọi bạn bè tìm kiếm và ủng hộ người này. Nếu Liz tình cờ là người phục vụ cho bàn bạn, hãy tip cho cô ấy thật nhiều”.

Cuối cùng Tim và Paul đã tìm ra được tông tích của Liz và phát hiện cha của cô bị liệt toàn thân nhiều năm qua. Hai người lính đã tìm được một trang web kêu gọi đóng góp để hỗ trợ cha Liz chữa bệnh. Tim kêu gọi mọi người giúp đỡ gia đình đang cần trợ giúp của Liz. “Hóa ra cô gái mời chúng tôi bữa ăn đó lại là người đang rất cần trợ giúp”, anh viết trên Facebook.

Chỉ trong vài ngày họ đã quyên góp được 70.000 USD, quá đủ so với yêu cầu ban đầu chỉ có 17.000 USD. Liz và cha cô vô cùng xúc động, biết ơn hai anh lính cứu hỏa. “Tôi chỉ mời họ một bữa sáng thôi mà, không ngờ lại nhận được nhiều hơn thế”, Liz nói, “nếu bạn rộng mở tấm lòng và hào phóng với người khác, chắc chắn chỉ một cử chỉ lương thiện nhỏ nhoi cũng có thể mang lại cho bạn món quà lớn hơn gấp bội”, cô chia sẻ.

Giúp người, người giúp lại

Sau những ngày treo cơm lên cành cây cho một người lang thang, ông Zhu thấy trước cửa hàng của mình được ai đó quét sạch bóng. "Đại hiệp" là tên mà ông Zhu đặt cho một người đàn ông lang thang. Trong ấn tượng của mọi người, một người lang thang thường rách rưới, nhếch nhác, moi đồ ăn trong thùng rác...

Khi Zhu nhìn thấy "Đại hiệp" lần đầu tiên, anh này đang bới thức ăn trong thùng rác. Bởi vì anh cao, gầy, mái tóc dài rối bù, nên Zhu đã buột miệng gọi là "Đại hiệp", nhưng không ngờ đã gọi suốt 13 năm. Zhu Xin, 51 tuổi, người Giang Tô đến Hồ Bắc bán máy móc vào năm 2000. Mối liên hệ với người đàn ông lang thang xuất hiện vào đầu năm 2006.

"Lúc thấy anh ấy đang bới rác, tôi nghĩ một gói thức ăn sẽ giúp được anh ấy". Sau đó, mỗi lúc ra ngoài Zhu lại treo một túi thức ăn lên cành cây gần đó. Người lang thang háo hức lấy nó xuống ăn ngon lành. Ngày qua ngày, 7 tháng trôi qua, một điều bất ngờ xảy ra.

"Một buổi sáng tôi mở cửa hàng thì thấy trước nhà vô cùng sạch sẽ", Zhu nói. Anh chắc chắn mình không quét. Ngày hôm sau và những ngày tiếp theo cửa hàng của Zhu cứ sạch như vậy. Một hôm Zhu quyết định dậy sớm thì phát hiện chính "Đại hiệp" đã âm thầm giúp anh dọn đường trước cửa hàng. "Tôi cho anh ấy thức ăn chỉ vì thấy thương.

Tôi không hi vọng anh ấy biết ơn. Lúc anh ấy đáp lại, tôi biết anh là một người tốt". Tháng 7/2006, Zhu đứng trước "Đại hiệp" hỏi: "Anh có muốn làm việc cùng tôi không?". Người lang thang gật đầu. Ngày hôm sau, anh sắp xếp cho Đại hiệp một chỗ làm trong kho.

"Đại hiệp" trở thành nhân viên trong cửa hàng từ đó. Có thể vì não bị tổn thương "Đại hiệp" không biết tên của mình, cũng như bằng cách nào đến được đây. Mọi người áng chừng "Đại hiệp" khoảng 40 tuổi. "Đại hiệp" không giỏi giao tiếp nhưng rất cẩn thận trong công việc.

"Có bao nhiêu hàng trong kho, đặt ở vị trí nào, tôi không nhớ rõ nhưng anh ấy nhớ rõ. Khi tôi trở về quê ngày lễ, tôi giao chìa khoá nhà cho anh ấy rất yên tâm", Zhu nói. 13 năm trôi qua, một ngày nào đó Zhu sẽ về quê nhà Giang Tô nghỉ tuổi già, nếu vậy "Đại hiệp" sẽ ra sao.

Zhu nhận ra sẽ không thể chăm sóc "Đại hiệp" cả đời. Vào cuối năm 2018, Zhu quyết định mua bảo hiểm cho Đại Hiệp. Anh đã đưa "Đại hiệp" đến sở cảnh sát yêu cầu giúp đỡ làm chứng minh, mở tài khoản... Cảnh sát đã đến nhiều địa phương xác minh nhân thân của "Đại hiệp" nhưng không tìm ra. Cuối cùng cảnh sát quyết định lấy họ của Zhu đặt cho "Đại hiệp", tên mới sẽ là Zhu Seshan.

Câu chuyện những túi cơm treo lên cành cây của Zhu và "Đại hiệp" đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc cảm thấy vô cùng ấm áp. Hai người dưng đã gắn kết với nhau theo một cách không ngờ, mà ai cũng biết thứ keo kết dính ấy chính là lòng tốt. Giúp người không cầu báo đáp quý giá nhất ở chỗ vô tư, không cầu lợi.

Nếu mỗi người khi làm ơn đều có thể suy nghĩ được rằng khẳng khái giúp tiền khi thấy người gặp nạn, gặp người đang bị khốn cùng thì sẵn sàng ra tay cứu giúp và sau đó không quan tâm rằng liệu người mà họ giúp có thể hoàn trả lại cho họ hay không, trong lòng hoàn toàn giữ được tâm thái thanh thản, không oán giận, không hối tiếc.

Nếu có thể làm được như vậy, thì người ấy đã tích được đại đức và trong tương lai, chắc chắn sẽ nhận được phúc báo vô cùng to lớn. Sự tích lũy các giá trị về công đức về việc làm, lời nói, ý nghĩ của thân khẩu ý sẽ tạo cho bạn một gia tài “Phước đức” để thọ hưởng, nếu hữu dư thì con cháu và những người khác kế thừa.

Đây chính là ngân hàng “Phước đức” mà không ai khác hơn, mỗi cá thể đều có khả năng đầu tư, dù bạn là ai, đang sống ở đâu, đang làm gì, thu nhập ra sao, tùy theo khả năng đầu tư các công hạnh hữu ích mà có lãi suất thu nhập “phước đức” cho chính mình.

Rõ ràng, “phước đức” không phải tự nhiên mà có. Nó giống như một khu vườn, nếu không đầu tư chăm sóc từ việc gieo hạt và thực hiện các công đoạn khác, thì chẳng bao giờ tận hưởng được quả ngọt tốt lành.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus