Học sinh cuối cấp, ưu tiên chọn ngành hay chọn trường?

16/12/2024 16:47

Kinhte&Xahoi Học sinh lớp 12 – lứa đầu tiên sẽ học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang trong giai đoạn nước rút để ôn tập, xác định mục tiêu tương lai. Trước nhiều thắc mắc của học sinh và phụ huynh, các chuyên gia đã có những chia sẻ, lời khuyên hữu ích.

Giải pháp nào vượt qua áp lực?

Theo nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú (nguyên Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến với bút danh "anh Chánh Văn"), học sinh cuối cấp đang đứng trước nhiều áp lực đến từ cha mẹ, bạn bè, mạng xã hội và chính bản thân các em.

Học sinh cuối cấp chia sẻ, các em phải đối mặt với nhiều áp lực, lo lắng.

“Có những học sinh chia sẻ rằng: với em, mỗi bữa ăn cùng cha mẹ thực sự là “cực hình”; không phải vì cha mẹ mắng mỏ mà vì cha mẹ thể hiện nỗi lo lắng và kỳ vọng có phần thái quá về các em. Những câu nói vốn thể hiện sự quan tâm như: “Con ăn nhiều vào lấy sức để học, để thi” khiến các em cảm thấy vô cùng áp lực. Cùng với đó là những câu chuyện đan cài việc khen ngợi, ca tụng “con nhà người ta” và “nhồi” vào đầu các em sự mong đợi, kỳ vọng. Những điều đó trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh”, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.

PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, chuyên gia giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, học sinh còn đứng trước áp lực rất lớn từ mạng xã hội. Mỗi ngày, các em được tiếp xúc, tiếp cận vô số thông tin trên mạng xã hội, ví như về con đường thành công của ai đó; về cách thức học tập để thi đạt điểm cao; về việc cần học nhiều hay không cần học để thành công; về các bộ phim chỉ thấy toàn thuận lợi…. Những thông tin đó ít nhiều làm học sinh bị rối, không biết mình phải bắt đầu từ đâu, phải đi theo hướng nào.

Trước những thắc mắc, lo lắng, áp lực của học sinh, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: nỗi lo lắng thì thời nào cũng giống nhau và học sinh ở các nước khác nhau cũng đều mang nỗi lo lắng như nhau. Đó là nỗi lo của những người biết nghĩ. Các em cần bình tĩnh để đối mặt, tháo gỡ và nên nhớ rằng, nỗi lo chỉ có thể giải quyết khi dám bày tỏ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, chuyên gia...

“Mỗi khi gặp áp lực, học sinh có thể đặt cho mình câu  hỏi: “Cần làm gì để mình tự tin hơn”, và làm theo cách mình nghĩ; ví như trang bị cho mình một cuốn sổ nhỏ; vừa để ghi chép những điều bổ ích cần thiết, vừa là nơi thể hiện những mong muốn hay ý tưởng ấp ủ cần thực hiện...”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo gợi ý.

Xác định thế mạnh của bản thân

Theo Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Vinamont Nguyễn Phương Chi, khi bạn bè xung quanh đạt nhiều thành tựu hay có kết quả tốt, thay vì ghen tị, tự ti, học sinh nên mở rộng lòng mình, gửi lời chúc mừng bạn để có sự kết nối tốt hơn. Khi đó, cơ hội học tập của các em sẽ tăng lên. Sự tích cực trong ứng xử và cảm xúc có thể là cách thức đưa các em đến gần với thành công hơn.

Các chuyên gia giải đáp, chia sẻ với những băn khoăn của học sinh.

Nếu thực hiện một lộ trình bất kỳ nào đó, các em hãy chia làm giai đoạn ngắn và đo lường, đánh giá xem mình đã làm đúng, làm tốt chưa; có tiến được nữa không. Quá trình đó, có thể chia sẻ, nhờ cậy người mà các em tin tưởng để được hỗ trợ, tiếp sức.

Em Nguyễn Hải Bình, Trường THPT Việt Hoàng (Hoài Đức) bộc bạch: “Em tự nhận thấy em học ở mức trung bình khá nên rất băn khoăn không biết nên chọn trường ở tốp cao hay chọn trường ở tốp trung bình để hạn chế rủi ro?”.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Vinamont Nguyễn Phương Chi nhấn mạnh: “Mỗi chúng ta đều giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Em hãy khoanh lại các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của mình, từ đó chọn ra được một ngành học phù hợp. Em làm theo những gì em giỏi sẽ tốt hơn chạy theo những điều viển vông. Sau khi xác định được lĩnh vực của mình thì em sẽ chọn trường theo những yếu tố mình đặt ra như: gần nhà, chất lượng đào tạo, đúng với định hướng… Vào đại học mới là khởi đầu, còn rất nhiều kỹ năng các em cần học để bổ trợ, vì thế cần chọn lựa ngành nào phù hợp nhất để có thể phát huy sở trường của mình".

Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo đưa ra lời khuyên với học sinh rằng, nên chọn ngành học phù hợp trước khi chọn trường, vì đôi khi trường chỉ mang tính thời điểm nhưng ngành học theo các em cả cuộc đời. Để chọn được ngành học phù hợp, học sinh nên trao đổi với thầy cô, bè bạn, cha mẹ để tìm lời khuyên. Ngoài ra, có thể tham gia các bài test tư duy, hướng nghiệp để được định hướng rõ ràng hơn. Mỗi học sinh cũng nên tìm hiểu các thông tin về ngành nghề trên website và các kênh thông tin chính thống của cơ sở đào tạo hoặc qua báo chí để tiếp cận và có thêm nguồn tin hữu ích.

Chiều 15/12, Trường Đại học Thành Đô phối hợp Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức talkshow “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp: Vững tâm lý, đón tương lai”. Talkshow là sự kiện mở màn của dự án Đồng hành cùng học sinh cuối cấp do Trường Đại học Thành Đô sáng lập. Dự án có sự tham gia của gần 20 chuyên gia cố vấn, trực tiếp giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về chọn ngành nghề, các phương pháp học tập hiệu quả, phương pháp giảm áp lực trước kỳ thi, các phương thức xét tuyển đại học… 

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dấu hiệu “bất thường” tại một dự án với giá dự thầu giảm hơn 20% giá dự toán

Gói thầu số 41: Xây lắp cầu dẫn từ trụ T62 đến mố M75 và đường dẫn thuộc Dự án Cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang dần “hé lộ” kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, liên danh nhà thầu Gói thầu số 41 đã gây bất ngờ bởi tham dự với giá dự thầu giảm hơn 20% so với giá dự toán.

https://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-cuoi-cap-uu-tien-chon-nganh-hay-chon-truong.html