Tại cơ quan điều tra, Việt khai thuê căn nhà ở cách nhà ông V vài trăm mét để kinh doanh. Mỗi sáng, Việt chạy thể dục và thường gặp ông V. Trong một lần chạy thể dục, ông V quét rác trúng Việt nhưng không xin lỗi. Sau đó, mỗi lần Việt chạy thể dục thì ông V lại nhìn. Nghĩ ông khinh mình nghèo nên Việt nung nấu ý định trả thù.
Thực hiện ý định, Việt chuẩn bị balo, quần áo, hung khí chờ cơ hội ra tay. Rạng sáng 24/6, Việt mặc áo tài xế công nghệ đến nhà đâm ông V tử vong.
Đối tượng Phạm Ngọc Việt (SN 1987, quê Hải Phòng)
Bằng các nghiệp vụ, các trinh sát xác định người đâm ông V là Phạm Ngọc Việt. Khi được đưa về trụ sở, Việt khẳng định công an bắt nhầm người. Tuy nhiên, sau gần 6 giờ đấu tranh, Việt mới chịu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, quyền sống là quyền cao quý nhất của con người. Hành vi tước đoạt quyền được sống của người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh nhất.
Xét hành vi phạm tội của nghi phạm rất côn đồ, hung hãn, thực hiện tội phạm đến cùng, sử dụng hung khí nguy hiểm đang tâm tước đoạt đi tính mạng ông V rất dã man, tàn ác đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS.
Hành vi phạm tội của nghi phạm đã gây tang thương mất mát không gì bù đắp cho gia đình bị hại và gây phẫn nộ trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải đối diện hình phạt Tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Diệu Linh - Thành Long - TTTĐ