Sau một thời gian dài theo dõi, lực lượng QLTT đã thu được nhiều hàng hóa vi phạm tại một kho hàng ở ICD Mỹ Đình
Theo dõi cả hoạt động offline và online
Những thông tin được ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nên tại Cuộc họp sơ kết hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã cho thấy mức độ “đồ sộ” của “tổng kho” hàng hóa hơn 10.000 m2 ở Lào Cai. Theo đó, chỉ trong vòng chưa đến 2 năm hoạt động, số tiền giao dịch qua tài khoản của chủ kho hàng đã lên tới trên 649 tỷ đồng.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, sau 4 ngày đêm kiểm đếm, “tổng kho” này có 237 chủng loại hàng hóa với 158.014 đơn vị sản phẩm, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát.
Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục QLTT còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong.
Ông Minh cho biết, qua một nguồn tin, Tổng cục QLTT đã bắt đầu triển khai lực lượng nắm tình hình hoạt động của “tổng kho” này từ cuối năm 2019. Ngay từ ngày đầu phát hiện, 4 kiểm soát viên thị trường đã được phân công trinh sát, theo dõi hoạt động ở tổng kho, đồng thời theo dõi luôn các kênh bán hàng online liên quan.
Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng đề nghị sự hỗ trợ từ lực lượng công an để tiến hành các nghiệp vụ không thuộc thẩm quyền của QLTT. Sau khi theo dõi khoảng 3 tháng, lực lượng QLTT đã lên kế hoạch công phá “tổng kho” này nhưng do thời điểm đó vướng dịch Covid-19 nên phải dừng lại.
Sau khi các hoạt động sản xuất dần phục hồi khi Covid-19 bước đầu được kiểm soát, lực lượng này lại tiếp tục theo dõi hoạt động của “tổng kho” nói trên. Được biết, trước khi tiến hành tấn công vào kho hàng, lực lượng chức năng đã tiến hành đưa một số đội trinh sát từ Hà Nội đếnLào Cai trước để theo dõi và chuẩn bị “tấn công”, nhưng cũng phải mất 2 ngày thời cơ mới chín muồi.
Trinh sát hóa thân thành nhiều vai
Chỉ chưa đến 2 tuần phá kho hàng hơn 10.000m2 ở Lào Cai, lực lượng QLTT lại tiếp tục phá thêm một “tổng kho” lớn ở Thủ đô Hà Nội. Nói về nguyên nhân phát hiện ra kho hàng này (của Công ty Thuận Phong, chi nhánh Hà Nội), ông Nguyễn Đình Ngọ, kiểm soát viên Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT và Cục QLTT của Hà Nội, Đội QLTT số 1 tiến hành rà soát các mục tiêu, các địa điểm của các công ty hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, đặc biệt lưu ý các công ty vận chuyển hàng hóa.
Đội QLTT số 1 nhận thấy có dấu hiệu Công ty Thuận Phong chi nhánh Hà Nội (địa điểm ở Cảng ICD Mỹ Đình), dưới vỏ bọc vận chuyển thư, chính là một kênh để lưu thông số lượng lớn hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội 1 đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng và đưa ra quyết định cho 3 mũi trinh sát nắm tình hình trong khoảng hơn 1 tháng để nắm quy luật hoạt động của công ty này và lên kế hoạch kiểm tra kho hàng.
Theo đó, toàn đội (23 kiểm soát viên) chia nhau trực tại địa điểm để nắm rõ hàng ngày xe ra xe vào như thế nào. Trong quá trình theo dõi, lực lượng này phải hóa thành nhiều vai để có thể theo dõi một cách an toàn. Thậm chí, bảo vệ tại địa điểm này cũng nhận thấy “có sự bất thường” và ra chụp ảnh lại khi các kiểm soát viên đang hóa trang vào các vai đứng tại cổng cảng cạn.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát viên của đội cũng không có biểu hiện gì, vẫn thực hiện đúng nhịp điệu công việc hàng ngày của mình. Cũng có một số người trong cảng có biểu hiện nghi ngờ, ra tận vị trí các kiểm soát đang “chốt” để… do thám.
Đến thời điểm này, số lượng hàng hóa ban đầu mới chỉ tạm kiểm đếm được khoảng hơn 100.000 đơn vị sản phẩm và 20 kiện hàng chưa gửi. Theo đại diện Đội QLTT số 1, hiện vẫn chưa kiểm kê hết số lượng hàng hóa trong kho nằm tại Cảng ICD Mỹ Đình do hàng hóa có nhiều sản phẩm vụn, nhỏ.
Đồng thời, các chủ hàng theo danh sách Công ty Thuận Phong cung cấp cũng chưa có liên hệ gì với Đội QLTT số 1 để chứng thực hàng hóa, trong khi danh sách chủ hàng mà Công ty cung cấp cũng không có địa chỉ và số điện thoại nên lực lượng QLTT không thể chủ động liên hệ.
Nhật Thu - Pháp luật Plus