Khi nào Việt Nam mới có thể đón khách quốc tế đầu tiên?

07/11/2021 17:41

Kinhte&Xahoi Dự kiến thời gian đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ 20/11/2021 đến 20/12/2021, Kiên Giang sẽ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm.

Trả lời câu hỏi của Báo Dân trí, về nội dung: Việc thí điểm đón khách quốc tế được nghiên cứu và tiến hành đến đâu? Khi nào Việt Nam mới có thể đón khách quốc tế đầu tiên?

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngày 5/11, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong hướng dẫn tạm thời này có 4 phần. Phần 1 là Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Thứ 2 là quy định về khách quốc tế. Thứ 3 là quy trình đón khách quốc tế. Phần 4 là tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cung cấp thông tin về lộ trình đón khách quốc tế trở lại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại 5 khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, có thể bổ sung một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.

Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn này sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải đạt 4 yêu cầu.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải là người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú tại nước ngoài.

Đối với khách quốc tế, chúng tôi cũng có 4 yêu cầu. Thứ nhất là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.

Thứ hai, có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).

Thứ ba, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Và thứ tư, phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Dự kiến thời gian đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ 20/11/2021 đến 20/12/2021, Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình dự kiến, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm. Đến giữa tháng 11/2021, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam dự kiến đón các chuyến bay thí điểm. Dự kiến đến tháng 12/2021, Quảng Ninh sẽ đón khách quốc tế đến sân bay quốc tế Vân Đồn.

 Chí Nhân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn

Sau nhiều tháng giãn cách phòng dịch Covid-19, nhiều người gặp nhau sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Trước chiều hướng gia tăng vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã thành lập nhiều tổ công tác chuyên đề xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/khi-nao-viet-nam-moi-co-the-don-khach-quoc-te-dau-tien-d170244.html