Khi sai phạm được coi là… “sáng tạo”

08/01/2020 10:57

Kinhte&Xahoi Suốt những ngày làm việc đầu tiên phiên xử 21 đối tượng sai phạm trong mua, bán nhà, đất công ở Đà Nẵng; những “lập luận” của cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh khiến dư luận đi hết từ ấm ức này đến ấm ức khác.

Bị cáo Trần Văn Minh tại tòa.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2006-2011, ông Minh ký các văn bản chỉ đạo chủ trương sắp xếp, xử lý nhà đất công không qua đấu giá; cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất trái luật... Việc này đã tạo điều kiện cho Vũ "Nhôm" thâu tóm nhiều bất động sản và nhà đất công gây thiệt hại 22.000 tỷ đồng

Bị cáo Minh biện bạch “đây là chủ trương của Đà Nẵng từ nhiệm kỳ Chủ tịch trước là Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Tuấn Anh”; nội dung giảm 10% dựa theo "căn cứ nguyên tắc" Nghị định 38/2000/NĐ-CP. Bị cáo Minh còn cho rằng Nghị định 38 cho phép giảm đến 20%, trong khi Đà Nẵng mới "áp dụng giảm 10%".

Không rõ Trần Văn Minh không biết vì thiếu trình độ pháp luật, hay cố tình không biết, nhưng “lớp học pháp luật” đã được mở tại phiên tòa, khi đại diện VKS giải thích cho vị cựu Chủ tịch Đà Nẵng hiểu rằng Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 1993. Thời điểm Minh ký các văn bản này (2004-2014), Luật Đất đai 1993 và Nghị định 38 đã hết hiệu lực; phải áp dụng Nghị định 198/2004 hướng dẫn Luật Đất đai 2003; người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.

Đến đây bị cáo Minh lại biện bạch: "Đúng là Nghị định 38 hết hiệu lực năm 2004, song Đà Nẵng có Quyết định 13 của Thủ tướng cho cơ chế riêng trên cơ sở Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị".

Một lần nữa, công tố viên lại thẳng thắn phản bác, giải thích kiến thức pháp luật sơ đẳng cho bị cáo Minh rằng cơ quan tố tụng làm rõ các hành vi vi phạm nên phải căn cứ vào Bộ luật Hình sự chứ không theo Nghị quyết nào khác; và bị cáo không nên tiếp tục “cãi chày cãi cối”. 

Xem lại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; và Quyết định số 13/2006/QĐ-TTG ngày 16/1/2006 của Thủ tướng “về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi với TP Đà Nẵng”; tìm mỏi mắt cũng không thấy một chữ nào cho phép Đà Nẵng làm những việc nêu trên như bị cáo Minh lập luận. Thì ra tới lúc bị đưa ra tòa, bị cáo này vẫn “cáo núp oai hùm”, mang cơ quan Trung ương ra “dọa”.

Tận đến khi giám định viên Tư pháp Bộ Xây dựng có mặt tại toà khẳng định việc giảm 10% tiền sử dụng đất là trái luật, vị cựu Chủ tịch TP vẫn cho rằng: “Các chính sách của Đà Nẵng giai đoạn đó là “sự sáng tạo””.

Theo dõi những màn hỏi đáp ấy, không ít người phải thốt lên: “Thật đáng buồn”. Buồn vì luật pháp rành mạch, lại bị các đối tượng áp dụng kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Buồn vì những người trình độ pháp luật “lỗ mỗ”, vẫn từng được giữ những trọng trách. Buồn vì câu hỏi cả một hệ thống cơ quan tham mưu luật pháp ở địa phương ở đâu, mà để những sai phạm trắng trợn, có hệ thống kéo dài nhiều năm? Buồn vì có thể những đối tượng này biết rất rõ luật, nhưng vẫn cố tình trắng trợn “đổi trắng thay đen”, coi sai phạm là “sáng tạo”, chỉ nhằm mục đích “vét đầy túi tham”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ông Văn Hữu Chiến: Biết thế không lên làm Phó Chủ tịch!

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng, ông ký các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm” là do phân công. Bản thân ông không muốn lên làm Phó Chủ tịch. “Lên mà phức tạp thế này tôi thấy không lên là đúng” - lời ông Chiến.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/khi-sai-pham-duoc-coi-la-sang-tao-d114730.html