Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Lào Cai
Trước thực tế các cửa khẩu với biên giới Trung Quốc đóng cửa phòng dịch bệnh, nông sản nguy cơ ùn ứ chưa tìm được thị trường tiêu thụ, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chợ cũ nguy cơ rủi ro cháy thì không ngồi đó mà khóc, mà phải nghĩ để bàn giải pháp xây chợ mới”. Đất nước đã ngàn năm nay vượt lên bao lần gian khó. Thiên tai địch họa nào cũng khó khăn mất mát, nhưng quan điểm sống “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” ấy vẫn bất biến từ ngàn đời nay, giúp dân tộc trường tồn.
18h ngày 3/2/2020. Hà Nội giờ tan tầm vẫn chen cứng người với xe. Chỉ khác là mọi gương mặt đều ẩn sau những lớp khẩu trang. Chỉ lấp lánh những ánh mắt. Vẫn hối hả chợ búa, mua sắm như những ngày bình thường. Cuộc sống không chậm nhịp vì nỗi ám ảnh con virus Corona.
18h24 ngày 3/2/2020. Có lẽ nhiều triệu người cảm thấy thêm ấm lòng khi nhận được tin nhắn từ Bộ Y tế: “Cả nước cùng chống dịch nCoV. Hãy thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của ngành y tế. Không phát tán thông tin thất thiệt. Không trục lợi từ bệnh. Cổ vũ những việc làm tốt, lên án hành vi tiêu cực. Việt Nam quyết thắng đại dịch”.
20h5 ngày 3/2/2020. Chương trình truyền hình trực tiếp “Cầu truyền hình: Ánh sáng niềm tin” kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn vang những lời ca tiếng hát với gương mặt những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khán giả tham dự khắp các đầu cầu rạng ngời niềm vui.
Lịch sử loài người đã cho thấy “đại dịch” nguy hiểm nhất với con người là sự hỗn loạn, nguy hiểm hơn bất cứ loại virus hay mầm bệnh nào. Trước dịch bệnh, không thể chủ quan, nhưng cũng không thể quá cường điệu vấn đề mà làm xã hội ngưng trệ. Bình tĩnh là “bài thuốc” quan trọng bậc nhất hóa giải mọi dịch bệnh.
Cùng với thông tin những tiệm thuốc táng tận lương tâm bị phạt nặng, niêm phong, rút giấy phép kinh doanh; tình trạng “loạn” giá vật tư y tế đã bị cơ bản dẹp bỏ; thông tin nữ bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm Corona đã được chữa khỏi và xuất viện… tin rằng dịch bệnh rồi sẽ rất sớm đi qua. Những khó khăn này rồi sẽ sớm trở thành kỷ niệm, sẽ chỉ là hồi ức về một lần dịch bệnh “thử sức” và nhanh chóng bị “đo ván” trước tinh thần, văn hóa Việt Nam nói riêng; trước sức mạnh và trí tuệ loài người nói chung.