Không thể lấy hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết hành vi vi phạm pháp luật

04/12/2021 13:44

Kinhte&Xahoi Pháp luật không cho phép sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật bảo vệ tài sản của công dân nhưng cũng bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người.

Sự việc một cô gái quỳ rạp người, liên tục khóc lóc van xin sau khi bị chủ shop đánh đập, cắt tóc vì ăn trộm váy trong cửa hàng thời trang được chia sẻ trên mạng đã khiến nhiều người phẫn nộ.

Theo đó, thiếu nữ trong clip bị bắt quả tang ăn trộm chiếc váy có giá 160.000 đồng tại shop thời trang ở Thanh Hoá, người được cho là chủ shop sau đó đã thẳng tay kéo áo, thậm chí có hành động dùng kéo cắt áo ngực và tóc của thiếu nữ. Nhiều người nhận định, hành vi trộm cắp là không đúng, thế nhưng việc đánh đập, nhục mạ người khác như vậy là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Shop quần áo Mai Hường, nơi xảy ra vụ việc.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Pháp luật Plus -   báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với diễn biến sự việc qua clip như vậy thì cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc và có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 bộ luật hình sự năm 2015 để xử lý đối với những người đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cô gái trong clip.

Diễn biến sự việc qua clip cho thấy, cô gái đã lấy một món đồ trong cửa hàng này trị giá khoảng 160.000 đồng. Phát hiện sự việc nên hai người phụ nữ và một người đàn ông đã chửi bới, xúc phạm cô gái, cắt tóc, cắt áo ngực, định lột áo cô gái này và ghi hình đăng tải lên mạng xã hội với những lời lẽ miệt thị, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cô gái này.

Đây là hành vi làm nhục người khác khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ. Không thể lấy một cái sai để giải quyết một cái sai khác. Pháp luật không cho phép sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật bảo vệ tài sản của công dân nhưng cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm của con người. Bởi vậy, nếu hành vi của cô gái là trộm cắp tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng thì cô gái này sẽ bị xử phạt hành chính chứ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người vi phạm hành chính. Người nào phát hiện ra người khác trộm cắp tài sản của mình thì chỉ được phép bắt giữ, trình báo sự việc cho cơ quan chức năng để xử lý, không được phép tự xử như vậy" - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Chủ shop quần áo Mai Hường đã có hành vi làm nhục cô gái. Ảnh cắt từ clip

Hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác với bất cứ lý do gì thì đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại danh dự nhân phẩm, uy tín đối với nạn nhân. Hành vi của những người đã đánh đập, hành hạ cô gái trong clip này cho thấy thái độ coi thường pháp luật, chỉ vì mất số tài sản không đáng kể mà đã hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cô gái. Trường hợp vụ việc khiến bản thân cô gái tự tử thì người làm nhục người khác có thể bị phạt tù đến 5 năm tù theo Điều 155 Bộ luật hình sự.

Toàn bộ hàng hóa được lực lượng công an kiểm đếm, niêm phong.

Sau khi trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip nữ sinh trộm đồ bị chủ shop quần áo cắt tóc, làm nhục gây xôn xao dư luận, Công an TP Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa để làm rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vụ việc này cũng là bài học về đạo đức kinh doanh và đạo đức làm người, là bài học cho những ai coi nặng giá trị vật chất, xem nhẹ danh dự nhân phẩm của người khác.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

 Nguyễn Xinh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/khong-the-lay-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-de-giai-quyet-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-d172093.html