Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt nhất ASEAN

02/04/2023 13:39

Kinhte&Xahoi Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN, đạt mức 6,2%.

AMRO dự báo, năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN (Ảnh: AMRO)

Tăng trưởng khu vực ASEAN+3 đạt 4,4%. Trong đó, các nước ASEAN dự báo đạt tăng trưởng 4,6%, các nước +3 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dự báo tăng trưởng 4,4%.

Năm nay ASEAN+3 tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gây đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù vậy, sự phục hồi của Trung Quốc có thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn khu vực.

AMRO khuyến nghị các nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ đảm bảo kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

“Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn.

Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết.

Báo cáo của WB cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.

Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.

Tăng trưởng của Việt Nam cũng được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo ở mức 6,6% năm 2023 và 6,6% năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng trên, Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

OECD cũng đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á (Ảnh: Reuters)

Theo OECD, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng như vậy là nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép.

Đánh giá về du lịch, OECD nhận xét Việt Nam có thế mạnh nhờ phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng. Thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các tác nhân cung cấp dịch vụ du lịch, mở rộng sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên.

Cũng theo OECD, Việt Nam cần phải nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước ASEAN và Ấn Độ, đồng thời khai thác tốt hơn du lịch nội địa.

Trong các khảo sát gần đây của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) về chỉ số môi trường kinh doanh, Việt Nam cũng luôn được lựa chọn là top điểm đến hàng đầu cho đầu tư của các doanh nghiệp Châu Âu cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó có được vì Việt Nam nhiều tiềm năng, từ vị trí địa lý, độ mở hiệp định thương mại tự do hay sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, về nguồn nhân lực và đặc biệt là chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

 Tuệ Uyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảnh sát vạch trần thủ đoạn sử dụng công nghệ Deepfake lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm mạng đang ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để lừa đảo tiền, tài sản của người dân. Trong số đó, Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất, với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kinh-te-viet-nam-duoc-du-bao-tang-truong-tot-nhat-asean-220902.html