Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: 'Nặng nghĩa tri ân'

14/07/2018 09:42

Kinhte&Xahoi Sáng 8/7, chương trình nghệ thuật "Nặng nghĩa tri ân" nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) đã diễn ra tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội).

Trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, rất nhiều thế hệ thanh niên đã lên đường, chung sức, đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong cuộc đấu tranh gian nan và vĩ đại đó, đã có rất nhiều sự mất mát, hi sinh mà không có gì có thể bù đắp được.

Việc đền ơn đáp nghĩa và chăm lo cho các Anh hùng liệt sĩ, các gia đình chính sách luôn là mối quan tâm không chỉ của Đảng và Nhà nước mà còn của cả dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn thấu hiểu những mất mát lớn lao này và Người luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ và những gia đình có công với Tổ quốc, Người từng nói: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ Cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hi sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Tổ quốc và nhân dân Việt Nam với truyền thống nhân văn “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” không những chỉ ghi công các anh hùng, liệt sĩ mà còn có nhiều chính sách cụ thể, các hoạt động hết sức thiết thực phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn nhằm chăm lo cuộc sống của họ và các gia đình để thân nhân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Các vị lãnh đạo và Ban tổ chức chương trình đến tại chỗ ngồi của các Mẹ Việt Nam Anh hùng để tỏ lòng tri ân.

Năm nay, hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ trì phối hợp với Tập đoàn Truyền thông quốc gia Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức Chương trình nghệ thuật mang tên “Nặng nghĩa tri ân” vào sáng ngày 8/7/2018, tại Hội trường Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội). Đây là dịp để đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn, tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, người có công với nước.

Các Mẹ Việt Nam Anh hùng về tham dự Chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ vào ngày 872018.

Chương trình nghệ thuật “Nặng nghĩa tri ân" nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) cùng với những hoạt động thiết thực khác như: chuyến đi về nguồn “Tri ân đồng đội” tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại biểu các gia đình liệt sĩ ở một số địa phương miền Trung; thăm lại chiến trường xưa ở Lào; thăm nơi ở và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan; Lễ báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu lưu niệm của Người và buổi gặp mặt với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Nhà khách Chính phủ.

Ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao Chứng nhận giám định ADN cho các thân nhân liệt sĩ.

Chương trình nghệ thuật “Nặng nghĩa tri ân” được tổ chức nhằm ngợi ca sự hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; tôn vinh, tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công với nước, các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng để giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tôn vinh những tập thể, cá nhân đang có những đóng góp to lớn trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đến với chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ có ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trung tướng Lê Văn Hân - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam - Trưởng ban Tổ chức chương trình; nhà báo Ngô Ngọc Tuân - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông quốc gia Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức; cùng đại biểu Mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH); đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân đội và Hà Nội, đại biểu các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh tiêu biểu trên cả nước.

Những tiết mục văn nghệ mang chủ đề "tri ân liệt sĩ" và "uống nước nhớ nguồn" được các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam mang tới chương trình.

Ngay sau khai mạc chương trình, các ông Đào Ngọc Dung, Hầu A Lềnh, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Hân, nhà báo Ngô Ngọc Tuân, đã tỏ lòng tri ân khi đến tận chỗ ngồi của các Mẹ VNAH để tặng hoa, tặng quà cho từng mẹ.

Ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc về chủ đề "tri ân liệt sĩ" và "uống nước nhớ nguồn" do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn, các đại biểu và khán giả đến với chương trình nghệ thuật tri ân còn được xem những phóng sự, tư liệu về công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

Trải qua gần 8 năm nỗ lực, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng với các tổ chức đồng đội, các Ban liên lạc CCB đã ra sức nỗ lực tìm kiếm, xác minh và tổ chức hỗ trợ giám định AND trong công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay, hơn 750 liệt sĩ đã được trả lại tên, góp phần làm vơi đi nỗi khắc khoải của những người mẹ, người vợ và thân nhân các liệt sĩ. Tại chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ lần này, Ban Tổ chức đã trao kết quả giám định ADN xác định danh tính 4 liệt sĩ cho các gia đình thân nhân.

Cũng trong không khí xúc động của chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ, 3 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 60 triệu đồng); 10 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) và 10 suất quà (mỗi suất 2 triệu đồng) đã được Ban tổ chức gửi tới các Mẹ VNAH và các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Các vị đại biểu và khán giả tới tham dự chương trình cũng đã dành thời gian soạn tin nhắn TALS gửi 1405 để hưởng ứng chương trình nhắn tin Tri ân liệt sĩ (Chương trình phát động từ 12/6 đến 10/8, với mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng).

Chiến tranh đã đi qua nhưng để lại những hậu quả rất nặng nề, trong đó phần đau thương nhất là những gia đình liệt sĩ, những người thân của liệt sĩ. Hiện, thành quả của cách mạng, của phát triển kinh tế - xã hội đã đến với từng người dân nhưng những gia đình thân nhân liệt sĩ, người có công vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ lần này và chuỗi những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với mọi mặt cuộc sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống ân nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM