Lá thư cảm động và tâm sự rơi nước mắt của con trai chị lao công bị xe điên đâm tử vong

23/07/2019 11:15

Kinhte&Xahoi Con mong muốn mọi người có ý thức hơn, đi đường thì không uống rượu bia, không vứt rác bừa bãi, nếu như thế thì mẹ sẽ không phải vất vả, con đã không mất mẹ…

“Con chưa từng nói nhưng con yêu mẹ rất nhiều”

Đây là ý của đoạn cuối bức thư cháu Trần Đức Anh gửi mẹ, chị Lê Thị Thu Hà, công nhân Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco), người không may bị xe điên tông thiệt mạng khi đang quét rác đêm ở đường Láng cách đây chưa lâu.


Lá thư này Đức Anh viết khi mẹ mất gần 100 ngày, cũng vừa khi Đức Anh hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của mẹ khi còn sống, thi đỗ vào trường cấp 3 công lập với số điểm khá cao. Hẳn mọi người vẫn chưa quên hình ảnh cậu bé ngồi phủ phục bên thi thể mẹ, sau lưng áo cậu bé có dòng chữ tiếng Anh tạm dịch “Con chưa từng nói nhưng con yêu mẹ rất nhiều”.

Cậu bé ấy chính là Đức Anh, thi thể nằm bên lề đường chính là mẹ cậu, chị lao công Lê Thị Thu Hà. Đêm 22/4 định mệnh ấy, đang ngủ Đức Anh được người thân dựng dậy, bảo phải ra chỗ mẹ ngay, mẹ đang gặp nạn. Ra tới nơi, thấy mẹ được phủ vải trắng, nằm bất động, Đức Anh đã quỵ xuống. “Khi ấy cháu biết là không còn được gặp mẹ nữa, mẹ cháu đã chết rồi. Nhưng khi ấy cháu chưa thể biết không còn mẹ sẽ khổ thế nào…”, Đức Anh kể với chúng tôi vài ngày sau đó.

Gặp lại Đức Anh đúng dịp gia đình đang chuẩn bị làm 100 ngày cho chị Hà, người lao công xấu số. Trời xâm xẩm, ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng của bà ngoại, nơi mẹ con Đức Anh tá túc thêm phần u tịch, thanh vắng. Đức Anh vừa đi học về.

“Từ ngày mẹ mất, cháu nó đi học suốt ngày. Nó bảo, đi học để hoàn thành tâm nguyện của mẹ. Thêm nữa, vùi đầu vào học cháu mới nguôi ngoai”, chị Lê Kim Loan, bác ruột của Đức Anh chia sẻ. Theo chị Loan, từ ngày em gái mất, biết Đức Anh và em trai thiếu thốn tình cảm của mẹ, các bác, các dì trong gia đình đã quan tâm đến hai cháu nhiều hơn.

“Chả gì bù đắp được tình cảm của người mẹ cả. Đấy, có lần tôi hỏi hai đứa nó, bây giờ hai cháu cần gì thì cứ nói với bác, bác sẽ lo cho hai cháu. Nhà báo biết chúng nó nói gì không, cả hai đều bảo, cháu chỉ cần có mẹ thôi, chỉ thiếu mẹ thôi!”, chị Loan nghẹn ngào.

Nghe hai cháu nói vậy, chị Loan cũng chỉ biết giấu lệ quay đi. “Bác là chị ruột của mẹ cháu đấy, trong người bác cũng có dòng máu của mẹ cháu đấy. Khi nào nhớ mẹ quá thì cứ ôm bác cũng được. Ôm bác sẽ vơi bớt nỗi nhớ đấy!”, chị Loan nói với hai đứa cháu thơ dại của mình. Đã lớn nên trước đề nghị ấy của bác thì Đức Anh không nói gì, nhưng Đức Hiếu, em trai Đức Anh thì sà ngay vào lòng rồi ghì chặt lấy bác. Đến bây giờ, thỉnh thoảng cháu vẫn chạy sang nhà rồi ngây thơ bảo: “Bác ơi, bác cho cháu ôm, cháu nhớ mẹ cháu quá rồi!”.

Giữa đêm giật mình vì vẫn ngỡ tan ca mẹ về

Từ ngày hạnh phúc lỡ dở, chị Hà cùng hai con dọn về nhà ngoại ở. Thương số phận con hẩm hiu, bà Liên để mấy mẹ con tá túc tại căn phòng bên trái nhà mình. Căn phòng xập xệ, rêu mốc phủ kín tứ bề. Căn phòng chẳng có vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc tủ tường ọp ẹp nơi Đức Anh dùng làm góc học tập cho mình. Căn phòng rộng chưa đầy chục mét vuông nhưng Đức Anh bảo, từ ngày mẹ không còn về nữa thì căn phòng như rộng thêm ra, trống trải lạ thường.

Nhà ngoại nghèo, anh chị em cũng chẳng khá giả gì nên gánh nặng nuôi con mình vai gầy chị Hà gánh vác. Để lo cho các con, chị Hà phải tăng ca, làm miết cả ngày cả đêm. Hết việc cơ quan thì lại vác xe máy ra đường tất bật với nghề xe ôm.

Cuối tuần thì lên phố cổ kiếm thêm bằng việc dọn nhà. “Mỗi ngày con chỉ được gần mẹ có vài giờ thôi, mẹ con đi làm suốt ấy! Con chỉ mong mẹ con còn sống để được ở bên mẹ nhiều hơn thôi”, Đức Anh nói giọng như muốn khóc. Đức Anh bảo, bây giờ, ngủ trong căn phòng của hai mẹ con trước đây, cứ tầm nửa đêm về sáng hễ có tiếng động nhẹ là em lại choàng tỉnh.

Em vẫn tưởng tan ca mẹ về. “Nó về thì đi nhẹ chân lắm, chẳng dám làm động mạnh đâu, không bật cả đèn nữa. Nó sợ làm động thì tôi và con nó tỉnh giấc. Nhưng nó về lúc nào là tôi biết lúc đó, bao nhiêu năm nên quen rồi”, bà Nguyễn Thị Liên, mẹ chị Hà, năm nay tuổi đã gần 80 góp chuyện. Nhớ mẹ nhưng tỏ ra là mình đã lớn, Đức Anh ít thổ lộ, tâm sự với người thân. Thế nhưng, trò chuyện em bảo, từ ngày mẹ mất em ngó đâu cũng thấy hình bóng thân thương của mẹ.

“Cháu hay mơ thấy mẹ. Có lần trong mơ, cháu thấy mẹ cháu về, trên tay là bộ quần áo mới. Mẹ cháu cười tươi lắm, mẹ hỏi cháu là con có thích bộ quần áo này không, khi cháu chưa kịp gật đầu mừng rỡ thì đã tỉnh giấc mất rồi, tiếc quá!”, Đức Anh bùi ngùi.

Đức Anh kể, khi còn sống, mỗi khi lĩnh lương, mẹ hay dắt hai anh em đi mua đồ. Khi thì đôi giày, khi thì tấm áo, khi thì là đồ dùng học tập... “Đây, đôi giày cháu đang đi đây này, mẹ cháu mua tặng hôm sinh nhật cháu đấy. Thế mà chỉ hơn chục ngày sau mẹ cháu đã mất rồi”, Đức Anh vừa nói vừa chạy xuống phòng lấy đôi giày lên khoe.

Đôi giày ấy Đức Anh rất thích thế nhưng cu cậu chỉ xỏ vào những ngày trọng đại thôi. “Đi nhiều cháu sợ nó nhanh hỏng, quà cuối cùng của mẹ cháu mà”, nhìn đôi giày bằng ánh mắt nâng niu Đức Anh nói. Tuy miết mải đi làm nhưng mỗi khi có chút thời gian thì chị Hà lại vào bếp nấu cho mẹ, cho các con mình một bữa ăn tươm. Hai anh em Đức Anh thích món canh thịt nấu sấu của mẹ.

Làm món ấy, hai anh em ăn đến phưỡn bụng luôn. “Hôm rồi mùa sấu, tôi cũng mua về nấu cho chúng nó ăn, thế nhưng ăn xong chúng nó bảo bác nấu không ngon bằng mẹ cháu. Cha bố nó, canh sấu thì chỉ nấu có vậy mà chúng nó lại bảo thế. Chúng nó thì chỉ có mẹ, mẹ là nhất thôi!”, bà Liên nhìn hai cháu mắng yêu.

Lời khẩn cầu “không có rác thải, không có xe điên”

Đêm hôm xảy ra tai nạn kinh hoàng đó cũng là một ngày đáng nhớ của Đức Anh. Trưa đó, mẹ ký giấy xác nhận để em làm chứng minh thư phục vụ cho kỳ thi vào cấp 3 sắp tới. Ký xong giấy tờ cho con, mẹ đi làm và đi mãi không về nữa. Bây giờ, cứ nhìn tấm chứng minh, Đức Anh lại nhớ mẹ nhiều hơn. Và, cứ thấy tấm chứng minh thư ấy thì em lại nhớ lời mẹ nhắc: “Nhà mình nghèo, mẹ vất vả chăm lo cho hai anh em ăn học, các con phải cố gắng học thật tốt nhé! Đức Anh phải thi đỗ vào cấp 3 đấy nhé!...”.

Nhớ lời mẹ dặn, Đức Anh học nhiều hơn. Như mẹ ngày trước, ngày Đức Anh học mấy ca, đi từ sáng đến tối mới về. Về nhà, cơm nước xong lại ngồi vào bàn học. Hà Nội hè này nóng như rang. Nhiều bận phơi nắng ngoài đường, Đức Anh thấy mệt, muốn nghỉ không đi học nữa.

“Có hôm cháu thấy mệt quá rồi, định quay về nhà nghỉ nhưng lại vô tình thấy một bác lao công đang dọn rác trước mặt, thế là cháu lại hết mệt luôn ấy”, Đức Anh nhoẻn miệng cười. Khổ luyện miệt mài, kỳ thi vào cấp 3 vừa rồi, Đức Anh đã thi đỗ vào trường Lê Quý Đôn với số điểm khá cao. Hân hoan, em đã viết thư báo tin mừng cho mẹ.

“Gửi mẹ! Vậy là đã gần 100 ngày mẹ xa chúng con rồi… Mẹ à, những ngày qua nhờ có bà, các bác, các cậu mợ và các bạn cùng mọi người an ủi, động viên con đã thấy khá hơn, chú tâm vào học tập để thi cử. Con đã được 47,5 điểm đủ để vào trường cấp 3 công lập theo ước nguyện của mẹ khi còn sống”…, đầu thư Đức Anh viết.

Đức Anh bảo nếu nhận được thư của em, chắc chắn mẹ Hà sẽ ngậm cười nơi chín suối. Và, hoàn thành tâm nguyện của mẹ, nỗi đau mất mẹ trong em cũng nguôi bớt phần nào. Cuối thư, Đức Anh còn gửi đi một mong muốn xót xa. Em mong mọi người có ý thức hơn trong tham gia giao thông, đặc biệt giữ gìn vệ sinh công cộng.

“Con mong mọi người khi tham gia giao thông thì không uống rượu bia, không vứt rác bừa bãi. Nếu không có rác thì mẹ không phải ra giữa đường để quét, không có xe điên thì mẹ cũng chẳng phải bỏ chúng con”, ý Đức Anh viết trong thư.

Bức thư ấy, Anh Đức cũng viết rằng: “Dù không còn mẹ nhưng chúng con đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, tình thương, sự chia sẻ của xã hội, các nhà báo, nhà hảo tâm và đặc biệt là tập thể lãnh đạo Công ty URENCO để cuộc sống chúng con tốt hơn. Con muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến mọi người...”. “Sau cùng con chỉ muốn nói: Con yêu mẹ!”.

Đây là câu kết lá thư Đức Anh viết gửi mẹ mình, như nhiều lần cu cậu và em trai mình vẫn nói “con chỉ cần mẹ thôi”. Đức Anh bảo, mơ ước lớn nhất của hai anh em bây giờ là được thấy mẹ về sau ca làm việc để được cuộn tròn ngủ trong lòng dù người mẹ vẫn ngai ngái, nồng nồng mùi rác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus