Toàn cảnh phiên tòa.
Theo cáo trạng, trưa 13-1-2022, Công an phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận được trình báo về việc Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ có hành vi bán các sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp cho Công ty TNHH một thành viên Bikin. Cơ quan công an sau đó đã thu giữ hàng trăm thùng kẹo lạc (còn gọi là kẹo Sìu Châu) Toàn Mỹ và trưng cầu giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Kết luận giám định thể hiện, sản phẩm kẹo lạc gắn nhãn hiệu “Toàn Mỹ" do cơ quan công an thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu kẹo lạc "Toàn Mỹ", do hộ gia đình ông Triệu Văn Mỹ (ở tỉnh Nam Định) sản xuất, đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại cơ quan chức năng.
Cơ quan điều tra sau đó làm rõ, tháng 6-2009, Trần Thị Hiệp thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Triệu Văn Mỹ (họ hàng của Hiệp) làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo Sìu Châu. Tháng 3-2013, ông Mỹ tách ra làm riêng và làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu Toàn Mỹ với Cục Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, hình ảnh kẹo Sìu Châu “Toàn Mỹ”.
Năm 2015, hộ gia đình ông Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với kẹo Sìu Châu "Toàn Mỹ".
Năm 2020, Hiệp thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ, đồng thời, để nhân viên công ty đứng tên Giám đốc doanh nghiệp và sản xuất kẹo Sìu Châu lấy thương hiệu “Toàn Mỹ”. Đến năm 2021, Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ thay đổi đăng ký kinh doanh, đổi tên Giám đốc sang tên Hiệp.
Quá trình sản xuất, kinh doanh, ông Mỹ nhận thấy nhãn hiệu kẹo lạc "Toàn Mỹ" do công ty của Hiệp sản xuất có dấu hiệu giả mạo, đã báo cho Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ biết. Khi đó, Hiệp hỏi tư vấn một công ty luật về việc thay đổi chữ trên nhãn sản phẩm và thêm dòng chữ “SX tại công ty Toàn Mỹ”. Tuy nhiên, chữ “Toàn Mỹ” vẫn để trong khung hình dải lụa, còn chữ “SX tại công ty” đưa lên trên có màu gần trùng với màu phông nền nhãn”.
Nhân viên tư vấn luật đã giải thích là “không đăng ký bảo hộ được logo trên vì tương tự với nhãn hiệu đã nộp rồi”. Tuy nhiên, nữ doanh nhân vẫn cho sản xuất và mang sản phẩm đi chào bán. Quá trình điều tra, Hiệp khai nhận lấy tên công ty là “Toàn Mỹ” vì thấy nó đẹp, phong thủy. Hiệp in tên công ty trên bao bì là “SX tại công ty Toàn Mỹ” với mục đích in rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cơ quan tố tụng xác định, 400 thùng kẹo Sìu Châu nhãn mác “SX tại Công ty Toàn Mỹ” là hàng hóa giả mạo với nhãn hiệu “Toàn Mỹ” đã được bảo hộ cho sản phẩm kẹo lạc thuộc nhóm 30 của ông Triệu Văn Mỹ. Tổng giá trị hàng hóa Hiệp vi phạm tương đương hơn 310 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo ban đầu cho rằng, không hề có chủ ý, chủ đích xâm phạm nhãn mác "Toàn Mỹ" của hộ ông Mỹ. Tuy nhiên, về sau bị cáo đã thừa nhận hành vi của bản thân.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến chủ thể sở hữu nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung, nên cần có mức hình phạt tương xứng và đã tuyên phạt bị cáo 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".
Về dân sự, Tòa tuyên buộc bị cáo bồi thường hơn 300 triệu đồng.
Chu Dũng - Hà Nội mới