Người Anh thắp nến, đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số.

Con đường sinh - tử

Chưa có thống kê chính xác số người Việt bị đẩy vào các đường dây buôn người trên con đường di trú bất hợp pháp nhưng ghi nhận mới của tổ chức Salvation Army, nơi tiếp xúc trực tiếp các nạn nhân, cho thấy rằng, tỷ lệ người Việt được nhắc đến đối với Salvation Army từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019 tăng cao.

Ít nhất 3.187 nạn nhân Việt Nam đã được ghi nhận tại Anh kể từ năm 2009 đến nay. Khoảng 362 nạn nhân trẻ em Việt Nam (được đưa đến bằng đường dây buôn lậu người) đã được phát hiện tại Anh năm 2017, tăng hơn 1/3 so với năm 2016 (Reuters 6/3/2019).

Mặc dù hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều thập niên trước, tuy nhiên, tỷ lệ tăng đột ngột số nạn nhân có nguyên quán Hà Tĩnh, theo ghi nhận của Mimi Vu, chuyên gia hàng đầu về tình trạng buôn người Việt (khi cô quan sát các trại tỵ nạn tại Bắc nước Pháp vào giữa tháng 10/2019.

Câu hỏi dư luận muốn đặt ra là điều gì đã khiến những con người xấu số đó liều lĩnh tới mức phải lụy vào những kẻ buôn người và cố tình tham gia một hành trình nhập cư lậu nguy hiểm đến thế?

Trên hành trình nhập cư lậu, các di dân đối mặt với cơ chế kiểm soát biên giới khá phức tạp của cả Anh lẫn EU. Đã từng có những di dân như Carlito Vale, Jose Matada và Mohammed Ayaz được cho là đã ngã và tử nạn từ phần khung gầm của máy bay sau khi trốn ở đó với hi vọng nhập lậu thành công vào Anh.

Cũng như thế, 58 người xuất phát từ Trung Quốc đã được tìm thấy khi chỉ còn là những thi thể trong phần sau chiếc xe tải đi vào lãnh thổ Anh hồi tháng 6/2000. Hoặc ước tính khoảng 1.080 người đã chết cho tới nay trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Đó là những cái chết không phải do tai nạn, cũng không phải chuyện chỉ xảy ra một lần.

Rồi ngay cả khi đã tới được Anh an toàn, những người này cũng sẽ vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ những chính sách quản trị tại xứ người. Theo luật sở tại, những người không có giấy tờ hợp lệ sẽ không thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản trong đời sống, từ chăm sóc sức khỏe cho tới nhà ở.

Chính quyền Anh cho rằng việc siết chặt quản lý biên giới, buộc các di dân phải lựa chọn lộ trình an toàn nếu muốn nhập cảnh, ngăn cản người nhập cư lậu tiếp cận các dịch vụ sống cơ bản sẽ làm giảm bớt ý chí muốn vượt biên lậu bất chấp rủi ro, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Song, có vẻ như tất cả những chính sách đó vẫn chưa thể ngăn cản di dân bất chấp vượt biên. Một phiên dịch tại Đức kể: Gia đình tôi có bốn anh em sang Đức học và nghiên cứu các bậc sau đại học. Mỗi năm tôi cũng tư vấn để cho vài trường hợp sang học thạc sĩ, hoặc học phổ thông.

Còn những trường hợp “theo đường dây” thì tôi khuyên họ đừng chọn, vì tôi không biết. Tất nhiên, đa số lại thích con đường của những đường dây đưa người. Bởi vì nó dễ dàng, không mệt óc, và được thổi phồng là “mau giàu có”.

Thực sự thì những lao động đi theo đường dây này sang các nước châu Âu (Đức, Anh...) làm nghề gì? Đa số ở Đức thì chọn làm nghề móng (nails) hoặc làm trong các nhà hàng Việt. Đa số chủ người Việt cũng bóc lột đến nơi đến chốn (tất nhiên, có thế họ mới dám rủi ro tuyển những người không giấy tờ; và bản chất hai bên đều có lợi). Sang Anh thì khác hơn chút, “trồng cỏ” là nghề được cho là mau giàu.

Để có thể vào đến Anh an toàn bằng đường rừng từ Nga, Ba Lan sang các nước khác trước khi đến Pháp là một chuyến đi sinh tử. Phần lớn những người đi vì gia đình quá khó khăn, phải vay nợ mà đi. May mắn sang được thì còn làm để trả lại. Còn bỏ xác ở giữa rừng hay ở xứ người thì coi như gia đình ở Việt Nam lại oằn lưng gánh thêm một món nợ hoặc để lại những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai cho người ở lại…

Ảo vọng… miền đất hứa
 
Lý giải về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: "Có một thực tế là, nhiều năm nay có rất đông người Việt đã tìm cách “đổi đời” bằng việc đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức, bất chấp những rủi ro.

Ở đây là câu chuyện thiếu thông tin, hoặc bị lừa đảo hoặc bị lôi kéo vào những con đường hoặc chưa suy nghĩ một cách sáng suốt mà đưa ra những quyết định vội vàng…Họ không đi theo đường chính thống (qua các công ty, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động). Họ là nạn nhân của bọn buôn người, có những đường dây để lôi kéo, đưa người đi nước ngoài, không chỉ đi Anh mà còn cả Thái Lan, Mỹ, Canada, Nhật, Đài Loan…

Thậm chí đi Đài Loan người ta cũng có thể bằng còn đường visa du lịch sau đó trốn lại, hay ở Nga cũng tương tự… Tôi từng chứng kiến những người sống cuộc sống kinh khủng như nô lệ ở bên Nga cũng theo cách đi du lịch rồi bỏ trốn ở lại.

Rõ ràng ở đây họ không biết thực sự những rủi ro, nên ai cũng đi với tâm thế người khác bị chứ không phải là mình và tin tưởng rằng “mình sẽ may mắn”. Vì họ nhìn thấy những người may mắn ở bên cạnh. Trong khi bản thân những người may mắn sống sót trở về kiếm được ít tiền họ cũng không bao giờ kể những câu chuyện cay đắng, những trải nghiệm mà họ đã từng trải qua ở xứ người … để cảnh báo người khác.

Họ coi những điều đó là những thứ cần phải giấu đi, những điều xấu hổ cần giấu và họ chỉ cho mọi người thấy mảng nổi (sự thành công như thế nào), của tảng băng chìm trong con đường mưu sinh nơi xứ người mà thôi. Cho nên những bài học không bao giờ được đưa ra và không bao giờ nói về rủi ro, chỉ nói về những thuận lợi…  

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương có nhiều năm sống tại Nhật cho biết một thực tế: Có một chi tiết khá nhạy cảm khi làm việc trong các vụ án đó là nhiều bố mẹ có xu hướng muốn con đi để “kiếm tiền gửi về cho gia đình”.

Ngay cả nhiều bạn “vừa học vừa làm” cũng gánh lấy trách nhiệm đó. Luật sư Nhật rất ngạc nhiên về chuyện tại sao thanh niên phải kiếm tiền nuôi cả gia đình? Tôi cũng lắc đầu không giải thích thế nào cho ông hiểu được.

Thi thoảng tôi cũng tư vấn, cung cấp thông tin cho một vài người ở góc độ tôi biết được từ kinh nghiệm của một người sống cũng khá lâu, đi phiên dịch ở nhiều nhà máy, tiếp xúc với nhiều nghiệp đoàn, công ty và phiên dịch cho cả luật sư trong 2 năm. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là đại đa số họ đều muốn nghe các thông tin đem lại cho họ cảm giác an tâm hay hài lòng.

Họ không có nhu cầu tiếp cận sự thật. Muốn sống tốt ở đâu đó thì trước hết phải hiểu về nơi đó và phải có thông tin. Tại sao một điều giản đơn như vậy mà không thông. Đáng buồn hơn nhiều người Việt lúc đầu là nạn nhân về sau lại quay ra lừa gạt hoặc rủ rê nhiều người Việt khác để bù lại chỗ mình đã mất”…

Một nhà báo chia sẻ: “Trong những ngày đau xót với không chỉ một vùng quê, tôi ngồi nói chuyện với một chị tốt nghiệp ĐH Sư phạm ở Yên Thành (Nghệ An), chính là huyện có đến nhiều nạn nhân vừa mất trong container ở Anh... Quá bất ngờ, con trai chị này cũng rất muốn đi Anh theo con đường nói trên. Mà cần phải có hơn 1 tỷ mới đi được.

Do số tiền qua lớn nên đang tìm cách để sang một  nước khác rồi tính sang Anh sau, cho rẻ hơn. Đang chờ họ báo, là đi... Người ta đi nhiều lắm, bao nhiêu năm rồi. Chị kể rất thản nhiên. Có những người đi 2, 3 lần không thành. Về lại tìm cách đi tiếp, bày cho nhau cách trả lời khôn ngoan hơn khi gặp cảnh sát, để đi bằng được.

“Cho con đi thế, chị không sợ à?”, “Có, sợ chứ, nhưng mọi người vẫn đi. Và các nhà có con đi trót lọt thì tốt hơn ở nhà. Họ vẫn đi thế, lần này là không may thôi. Ở quê tôi, người ta đi đông lắm. Càng ngày càng đông”…

Có một thực tế, nhiều chuyên gia xã hội cho rằng, người Việt, đặc biệt ở các làng quê, luôn “nhìn nhau” đế “phấn đấu” bằng mọi giá: người ta có ô tô thì mình cũng phải có ô tô và sinh con để “cậy nhờ”…  Những nhu cầu không thực sự của chính mình ấy nhiều khi là máu, nước mắt và cả sinh mạng, đè nặng lên tâm lý những người trẻ bất chấp “đổi đời” vì gia đình.

Những người may mắn đến được một nơi nào đó, nhưng họ sẽ khó có ngày trở về bởi không có giấy tờ tùy thân.  Những người không may chấm dứt tuổi xuân trong một chiếc container đông lạnh đau thương, như những gì mới xảy ra… Không ai muốn xa gia đình, quê hương. Càng không ai muốn ra đi dù đầy hiểm nguy rình rập, xin đừng ảo tưởng... Và xin hãy đừng bất chấp để đổi đời, sẽ không có thiên đường cho việc đánh đổi bằng mọi giá!...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus