Luật và thực tiễn

05/06/2020 11:47

Kinhte&Xahoi Theo chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 (dự kiến kết thúc vào ngày 18/6), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.

Ảnh minh họa.

Theo nội dung dự kiến thì Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)  không có trong chương trình. Tuy nhiên, lâu nay trên báo chí và mạng xã hội đã sôi nổi với đề xuất “bật đèn xe” trong Dự thảo. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cơ quan chủ trì sửa đổi Luật) chỉ mới đưa đề xuất các phương tiện: mô tô, xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng thiếu thực tế với điều kiện giao thông ở Việt Nam.

Điểm 3 Điều 27 (Luật sửa đổi) nêu, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Đây chính là điểm gây ra các ý kiến trái chiều.

Bộ GTVT viện dẫn rằng, các quy định (trong Dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi) về bật đèn xe được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna 1968), trong đó quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, xe tải, xe container thường có điểm mù mà tài xế khó phát hiện ra nếu xe máy đi vào điểm mù đó, việc bật đèn sẽ giảm thiểu được các hạn chế này, giảm tai nạn.

Bao nhiêu năm nay rồi, trong thành phố, rất nhiều xe đều bật pha gây chói mắt hướng ngược lại mà không bị chấn chỉnh. Thậm chí gia tăng “hiệu ứng đô thị”. Luật lệ cho nhiều nhưng không theo sát thực tế, tạo thêm lãng phí, sinh thêm tiêu cực.

Dẫn ví dụ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ  (sửa đổi) để nói rằng: chất lượng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đang hết sức có vấn đề. Đặc biệt tính thực tiễn (khả năng thực thi), tính đồng bộ của hệ thống vẫn đang là “điểm yếu”; mặc dù, bộ, ngành nào cũng chú ý củng cố tổ chức Vụ Pháp chế và đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên được đào tạo cơ bản.

Nói thêm như thế để thấy rằng, chất lượng xây dựng VBQPPL đang chưa tương xứng với “đầu tư” của tiền thuế, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hy vọng 10 dự án luật được thông qua có tuổi thọ tốt hơn, ít phải sửa hơn.

Nếu chất lượng ban hành VBQPPL được đảm bảo thì sẽ nâng cao được chất lượng công việc của các cơ quan và hoạt động quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để nâng cao hiệu quả. Ngược lại, khi chất lượng văn bản thấp thì không chỉ hoạt động của các cơ quan gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác nhau của đời sống xã hội, thậm chí để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.

Vấn đề là bao giờ được khắc phục đến mức thấp nhất? 

 Ngô Đức Hành

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cách chức Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đặng Anh Tuấn

Ngày 4/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 942/QĐ-BTTTT về việc thi hành kỷ luật ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ bằng hình thức cách chức do có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ kết án tại bản án số 07/2020/HS-ST ngày 13/2/2020. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/luat-va-thuc-tien-d126282.html