Liên quan đến những lùm xùm tại Công ty Dược Thanh Hoá, cổ đông gửi kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, phóng viên Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT công ty Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa.
Trụ sở Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa.
Theo các cổ đông phản ánh, trong báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu từ kinh doanh bất động sản của công ty là hơn 4,7 tỷ đồng, giá vốn kinh doanh bất động sản là 1,2 tỷ đồng. Nhưng doanh thu từ việc kinh doanh bất động sản lại được gộp với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại buổi làm việc với PV, ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT công ty Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa cho biết: "Tôi là chủ tịch HĐQT, mới tham gia cho nên về nghiệp vụ thì những cái đó chưa đủ và cũng không thể giải thích được... Vì giải thích sẽ không đúng, trùng với ý về chuyên môn nghiệp vụ."
Khi PV đặt câu hỏi về việc khiếu nại của các cổ đông đúng hay sai thì đại diện truyền thông công ty cho biết: Việc đúng hay sai cái này thì đại diện bên kế toán kiểm toán thì họ đã kiểm toán rồi”.
Các cổ đông cũng nghi vấn trong năm 2018, công ty đã chi thưởng tiền tết cho người lao động gần 5,1 tỷ đồng nhưng lại tính gối vào hoạt động năm 2019. Đây là chiêu trò của Ban lãnh đạo công ty nhằm tránh thể hiện việc thua lỗ.
Vấn đề này, ông Trần Văn Công cho rằng do tết âm lịch diễn ra vào tháng 2 năm 2019, nên hạch toán kinh phí vào năm nay (2019) là đương nhiên.
Ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT công ty Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa cùng đại diện truyền thông của công ty tại buổi làm việc với PV.
Về vấn đề các cổ đông gửi đơn khiếu nại, ông Công cho biết: “Chúng tôi có biết bao cán bộ nhân viên, cổ đông đang nuôi sống bao gia đình. Công ty đang làm ăn phát triển thì có một nhóm cổ đông chống đối. Đấy là nội bộ bên công ty, nếu bình thường các công ty khác thua lỗ mấy cũng chưa có vấn đề gì, đây chưa đến mức phải thua lỗ.”
Như Pháp luật Plus đã thông tin, Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được đơn của các cổ đông phản ánh nghi vấn tiêu cực tại Công ty Cổ phần Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa.
Theo đơn phản ánh, trong năm 2018, các chỉ số kinh doanh đều đi xuống như: Doanh thu đạt: 515 tỷ đồng/ 700 tỷ đồng kế hoạch đưa ra; Lợi nhuận đạt: 2,77 tỷ đồng; Trả nợ lãi vay ngân hàng đạt: 15,892 tỷ đồng; Thưởng tết nhân viên đạt bình quân: 6,3 triệu đồng.
Đặc biệt, năm 2019 định hướng phát triển của công ty chỉ là 601 tỷ đồng thấp hơn năm 2017 là 100 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ của các cổ đông, trong năm 2018, Công ty Dược Thanh Hóa kinh doanh thua lỗ ít nhất hơn 10 tỷ đồng, tại sao lãnh đạo công ty lại báo cáo lợi nhuận 2,77 tỷ đồng?
Liên quan đến vấn đề này, cổ đông Lường Văn Sơn nêu nghi vấn: “Chi phí lãi ngân hàng là 15,9 tỉ đồng so với năm 2017 (14,761 tỉ), tăng 7,6%. Đáng lẽ doanh thu giảm, sản xuất giảm gần 30% thì chi phí ngân hàng phải giảm còn khoảng 11 tỉ, đã không giảm mà còn tăng thêm 1,2 tỉ. Như vậy, chi phí ngân hàng chênh lệch khoảng 6 tỉ đã đi đâu, do “mất uy tín” với ngân hàng hay hàng hóa tồn kho vô tội vạ…?”.
“Theo báo cáo năm 2018, tiền thưởng bình quân trên mỗi lao động là 6,3 triệu đồng, Cty có 835 người, như vậy tổng tiền thưởng là 5 tỉ 112 triệu đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính số tiền được kiểm toán về số tiền tiền trả cho người lao động và quỹ khen thưởng phúc lợi khoảng 376 triệu đồng, còn lại thiếu hơn 4 tỉ đồng. Các cổ đông đề nghị HĐQT và Tổng giám đốc giải trình số tiền hơn 4 tỉ này lấy từ nguồn nào, hay ăn vào vốn?”
Các Cổ đông công ty Cổ phần Dược – Vật tư Y tế Thanh Hóa tiếp tục gửi đơn đến Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Hội Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan để làm rõ những kiến nghị liên quan.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Châu Anh