“Mất bò” vẫn không lo “làm chuồng”

16/08/2019 14:52

Kinhte&Xahoi Ở nước Mỹ trong những ngày vừa qua liên tiếp xảy ra 2 vụ xả súng thảm sát khiến cho cả đất nước rúng động.

Thủ phạm đều là người da trắng, đều là người Mỹ chính hiệu và đều còn rất trẻ. Động cơ của họ với những hành động tội ác này là phân biệt chủng tộc và kỳ thị mầu da, thù ghét người nước ngoài và đề cao người da trắng ở nước Mỹ.

Hung thủ gây ra vụ xả súng thảm sát tại cửa hàng Walmart ngày 3/8.

Cho tới nay, những vụ xả súng thảm sát như vậy vẫn thường xuyên xảy ra ở nước Mỹ. Mỗi lần có chuyện như vậy xảy ra, chính trường và xã hội nước Mỹ bị chấn động; dư luận lại dậy sóng phẫn nộ, lên án, cuộc tranh luận lại sôi động về nguyên nhân và lý do, về chính quyền và xã hội phải làm gì để ngăm chặn những vụ thảm sát tương tự...

Nhưng rồi đâu lại vẫn đấy, tất cả vẫn như cũ và ai cũng biết rằng vụ xả súng thảm sát mới rồi sớm hay muộn cũng lại sẽ xảy ra. Không kỳ lạ và khó hiểu sao được khi “bò bị mất nhiều lần mà chuồng trại vẫn không được xây dựng”.

Câu hỏi về tại sao nước Mỹ đã trải qua những vụ việc hãi hùng đến như vậy mà vẫn không thấy có thay đổi gì, hay không có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa được đặt ra. Câu trả lời nằm trước hết và dễ dàng nhận diện ra nhất ở luật pháp về sản xuất, mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí ở nước Mỹ.

Thủ phạm phải có vũ khí trong tay thì mới có thể xả súng thảm sát người dân vô tội. Không có quốc gia nào khác trên thế giới mà luật pháp liên quan đến những khía cạnh nói trên lại lỏng lẻo và dễ lách như ở nước Mỹ.

Ở nước Mỹ, lực lượng vận động hành lang cho sản xuất, mua bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí rất mạnh và Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ Donald Trump chủ ý tranh thủ lực lượng này nên không có ý định siết chặt luật lệ liên quan.

Chừng nào những luật pháp này chưa thay đổi theo hướng bị siết chặt lại thì chừng đó chưa thể ngăn cản được hữu hiệu các vụ xả súng thảm sát thường dân ở Mỹ. Nhưng bản chất sâu xa hơn thế là những chuyện ở trong lòng xã hội nước Mỹ.

Giới chính trị, nhà nước quyền lực và cả dư luận xã hội nữa ở Mỹ trong suốt thời gian rất dài đã rất xao nhãng chiều hướng cực đoan hoá của tư tưởng, thậm chí còn là cả một dạng ý thức hệ, về đẳng cấp siêu việt của người da trắng ở Mỹ, về phân biệt sắc tộc và tôn giáo, cho rằng người da trắng ở Mỹ bị người da màu và người nước ngoài dần lấn át.

Đa số thủ phạm là người da trắng, sinh ra và trưởng thành ở Mỹ chứ không phải là người nước ngoài. Đa số vụ việc xả súng thảm sát đều có tính chất cực hữu và dân tộc chủ nghĩa cực đoan chứ không phải tôn giáo. Nước Mỹ không nhanh chóng khắc phục thực trạng này thì làm sao có thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề nhức nhối này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus