Mở cửa kinh doanh mặt hàng không thiết yếu sau 9 giờ: Cần sự tự giác của người dân

14/05/2020 16:20

Kinhte&Xahoi Nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19, giảm ùn tắc giao thông, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07 về thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19. Một trong những nội dung đáng chú ý của chỉ thị này đó là yêu cầu hàng quán kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9 giờ sáng.

Đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm vi phạm

 Sau khi có quy định các cửa hàng không thiết yếu phải mở cửa sau 9 giờ sáng, UBND TP Hà Nội yêu cầu các lực lượng kiểm tra, xử phạt nghiêm với các cửa hàng không chấp hành và các hàng quán lấn chiếm vỉa hè.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quy định này chỉ là giải pháp tạm thời của TP Hà Nội trong việc thực hiện ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thay vì thực hiện giãn cách xã hội. Có thể nói, giải pháp này cho phép từng bước đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, đồng thời kích thích người kinh doanh đẩy mạnh bán hàng online qua đó hỗ trợ thương mại điện tử phát triển. “Tuy nhiên để người dân thực hiện Chỉ thị 07 đòi hỏi cơ quan quản lý, lực lượng chức năng phải quyết liệt vào cuộc” - ông Phong nói.

 Các cửa hàng không thiết yếu trên phố Tạ Hiện chấp hành đúng quy định không mở cửa trước 9h. Ảnh: Hải Linh

Theo Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nếu làm tốt việc mở cửa hàng từ 9 giờ sáng, lượng người sẽ giãn cách, giảm 600.000 - 800.000 người gồm nhân viên, chủ cửa hàng, người phục vụ ở các cửa hàng không thiết yếu.

Để bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị 07, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP, UBND các phường, xã, lực lượng thanh tra giao thông và Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kiểm tra đôn đốc và xử lý nghiêm tất cả các vi phạm. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã phải tuyên truyền, vận động mọi người dân và cơ sở kinh doanh thực hiện Chỉ thị 07 và không được lấn chiếm lòng đường vỉa hè dưới bất cứ hình thức nào.

Nhiều cửa hàng chấp hành nghiêm túc

Thực hiện Chỉ thị 07 của UBND TP Hà Nội, những ngày qua, Cục QLTT Hà Nội và các lực lượng chức năng UBND các cấp đã quyết liệt vào cuộc. Thực tế cho thấy, lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn mở cửa sau 9 giờ sáng theo đúng thời gian quy định.

Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: UBND phường đã gửi thông báo và đề nghị 250 hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 07 của UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý các trường hợp kinh doanh, vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn phường Văn Miếu. Hiện, hầu hết các hộ kinh doanh trên địa bàn đã chấp hành nghiêm túc quy định của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, để Chỉ thị 07 triển khai có hiệu quả, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng QLTT, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra kinh doanh dịch vụ không thiết yếu mở cửa trước 9 giờ. “Ngay sau khi UBND TP ra chỉ thị 07, Cục QLTT Hà Nội đã có công văn số 413/QLTTHN-NVTH yêu cầu các đội QLTT đẩy mạnh phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó chú trọng phối hợp với UBND các cấp, công an, Thanh tra giao thông kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Chỉ thị 07. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng hoặc tái vi phạm nhiều lần sẽ kiến nghị UBND quận, huyện thu hồi giấy phép kinh doanh” - ông Kiên nói.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các cửa hàng tuân thủ quy định, vẫn có một số cửa hàng kinh doanh sắt thép, thiết bị điện, đồ gỗ trên đường đê La Thành, Hoàng Hoa Thám... mở cửa kinh doanh trước 9 giờ sáng, chủ những cửa hàng này lý giải “cửa hàng cũng là nhà riêng nên phải mở cửa từ sáng sớm”. Chỉ sau khi được lực lượng chức năng giải thích, vận động, các hộ kinh doanh này mới chấp hành đúng thời gian quy định.

Có thể thấy, để đưa Chỉ thị 07 vào cuộc sống cần cái “ bắt tay” chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chỉ thị này.

"Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Chỉ thị 07 về thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19, trong đó nêu rõ các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ chỉ được mở cửa sau 9 giờ. Cụ thể, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới trên địa bàn chỉ được mở cửa sau 9 giờ sáng hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị.

TP Hà Nội cho biết, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ... không thuộc danh mục yêu cầu mở cửa sau 9 giờ.

Đây là giải pháp tạm thời của TP Hà Nội nhưng là cần thiết trong việc thực hiện ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, thay vì thực hiện giãn cách xã hội, từng bước đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường." - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

"Đến nay, quận Đống Đa đã dán và phát cho các cửa hàng kinh doanh được 6.247 tờ thông báo, vận động, tuyên truyền các cửa hàng thực hiện nghiêm việc mở cửa kinh doanh từ 9 giờ sáng hàng ngày để bảo đảm phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của quận cũng đã kiểm tra, xử phạt hành chính 950 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 (theo Chỉ thị 07 của UBND TP) với tổng số tiền hơn 470 triệu đồng (tính từ 28/4 - 5/5/2020)." - Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong

"Nhằm thực hiện Chỉ thị 07 của UBND TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Công văn số 558/UBND-VP yêu cầu 18 phường quận Hoàn Kiếm và các phòng ban phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, quản lý, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện." - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kiên quyết xử lý chợ "cóc", chợ tạm

Tình trạng chợ "cóc", chợ tạm họp vô tư ở lòng đường, vỉa hè... đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng liên tục ra quân đã dẹp bỏ được nhiều chợ "cóc", chợ tạm, góp phần tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội thì chợ "cóc", chợ tạm lại xuất hiện trở lại, đòi hỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt trong xử lý nhằm duy trì kết quả đã đạt được.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/mo-cua-kinh-doanh-mat-hang-khong-thiet-yeu-sau-9-gio-can-su-tu-giac-cua-nguoi-dan-384199.html