Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm

10/12/2023 10:08

Kinhte&Xahoi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, người dân cẩn trọng khi mua và sử dụng.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Quaythuoc.org)

Trong thời gian vừa qua, một số đường link trên facebook hay website đang quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Đầu tiên là thực phẩm bảo vệ sức khỏe LEHUTRA-CURCUMIN do Công ty TNHH Dược Phẩm LEHUTRA, địa chỉ trụ sở chính: tổ dân phố Trại, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tại buổi làm việc ngày 24/11/2023, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Dược Phẩm LEHUTRA là Ông Nguyễn Trọng Hòa khẳng định: Công ty không thực hiện và Công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe LEHUTRA-CURCUMIN tại đường link nêu trên.

Tiếp theo là một loạt các sản phẩm cũng vi phạm quy định của pháp luật trong việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó bao gồm: Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 với nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Những thực phẩm trên thuộc Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Linh Đạt, địa chỉ trụ sở chính: Khu đô thị Lạc Hồng Phúc, Phường Nhân Hòa, Thị xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên, Việt Nam công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Công ty đã có văn bản số 221123/CV-CPLĐ ngày 22/11/2023 khẳng định việc quảng cáo nêu trên không phải do Công ty thực hiện và Công ty không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe khỏe Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, XMPOW12 tại các đường link nêu trên. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.

Căn cứ Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm, việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:

- Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

- Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

- Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

+ Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

+ Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;

+ Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

 Thanh Xuân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vẫn “nóng” với nạn “cát tặc”

Cuối năm, khi nhu cầu xây dựng công trình tăng cao và thời tiết chuyển sang mùa hanh khô, lòng sông Hồng, sông Đà cạn nước, cũng là thời điểm thuận lợi để các đối tượng khai thác cát trái phép - "cát tặc” gia tăng hoạt động…

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/mot-so-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-vi-pham-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-quang-cao-thuc-pham-d201862.html