Mua đồ qua mạng, người tiêu dùng dễ ăn "trái đắng"

03/08/2021 14:22

Kinhte&Xahoi Việc kinh doanh thực phẩm online phát triển nhanh chóng theo kiểu “nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh” đã mang lại không ít “trái đắng” cho khách hàng. Những lỗ hổng về mặt pháp lý cũng như ý thức kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng khiến cho việc kiểm soát kinh doanh thực phẩm bằng hình thức online không hề dễ dàng.

Những kẻ hở trong quản lý

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ việc hàng nghìn khách hàng mua phải các hộp pate Minh Chay, do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới sản xuất bằng hình thức online có chứa độc tố Botulinum gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng vẫn được bán ra thị trường mà không bị kiểm soát vào khoảng tháng 8/2020.

Sau khi nhiều người phải nhập viện vì sử dụng sản phẩm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty này.

Nhiều kẽ hở trong quản lý chợ thực phẩm online khiến cho việc quản lý chất lượng trở nên khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp bị xử phạt, hàng hóa bị thu hồi nhưng hàng chục trường hợp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đã phải nhập viện, sức khỏe bị tổn thương lâu dài. Một số trường hợp không thể qua khỏi đã cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong quản lý hoạt động kinh doanh hàng hóa là thực phẩm online và những người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng.

Nếu để ý, ta sẽ thấy, rất nhiều các cơ sở chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép.

Việc tìm ra đầu mối, pháp nhân kinh doanh cụ thể nếu vi phạm để xử lý mất rất nhiều thời gian, công sức vì các website, tài khoản này sẵn sàng đóng, xóa tài khoản bất cứ lúc nào khi có nhiều phản hồi tiêu cực từ người tiêu dùng.

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Đặng Hoàng Hải, việc kiểm soát kinh doanh thực phẩm bằng hình thức online không hề dễ dàng khi có rất nhiều tài khoản rao bán thực phẩm nhưng chỉ là trung gian, không có sản phẩm, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể.

Ngoài ra, việc một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng khi mua các sản phẩm online quan tâm nhiều đến vấn đề giá cả hơn là chất lượng sản phẩm cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên môi trường internet gia tăng, gây khó khăn hơn cho công tác quản lý.

Trên thực tế hiện nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế tiếp xúc đã tạo điều kiện cho kinh doanh thực phẩm online phát triển nhanh chóng theo kiểu “nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh”.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho rằng, rất khó kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến vì người bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, hàng giả còn gian nan hơn vì các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh.

Theo Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018 của Bộ Công thương về sửa đổi một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động quy định, người bán hàng trên mạng xã hội cá nhân không phải đăng ký với ngành Công thương nhưng phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán; Thông tin về hàng hóa và đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa... song người bán hàng có thực hiện quy định này hay không lại không hề có biện pháp chế tài.

Người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng

 Trong bối cảnh bán hàng online đang lên ngôi, không phủ nhận sự tiện lợi của loại hình này mang lại. Tuy nhiên, rõ ràng việc quản lý của các cơ quan chuyên môn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, quan sát kỹ sẽ thấy, hầu hết việc kinh doanh thực phẩm online trên mạng xã hội hay các chợ cư dân tại các khu chung cư đều là tự phát. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mà chủ yếu quan tâm tới giá cả. Như vậy, chính người tiêu dùng khi thực hiện mua bán trực tuyến cũng đã góp phần tạo ra “đất sống” cho các gian hàng kinh doanh thực phẩm online.

Chị Triệu Tuyên (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi làm trong ngành Y tế, phải trực luân phiên để bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Công việc bận rộn nên thường phải mua bán thực phẩm online. Với hình thức mua bán này thì rất khó kiểm định chất lượng sản phẩm.

Nhiều lúc cũng mua theo cảm tính. Thấy người ta chụp lên trông ngon, rẻ và đang phù hợp nhu cầu là tôi đặt. Tất nhiên, để tránh rủi ro phần lớn là tôi lựa chọn mua thực phẩm online của những người thân quen, những cửa hàng hoặc những trang bán thực phẩm nhiều năm rồi".

Bên cạnh đó, thực tế người tiêu dùng cũng không để ý hoặc không nắm được những điều kiện thông tin về an toàn thực phẩm. Do đó, nếu có phát hiện ai kinh doanh online gian dối hoặc mua phải thực phẩm ôi, thiu không sử dụng được thì cũng chỉ "tặc lưỡi" bỏ qua vì thực tế họ cũng không biết phản ánh với ai.

Chỉ bằng những lời mời chào về sản phẩm giá rẻ, nhiều người tiêu dùng dễ dãi đặt mua mà không chú ý nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ

Chị Vũ Thị Thu Hà (ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, có lần chị mua pate ở một trang hàng thực phẩm online trên mạng. Vì chủ quan nên khi nhận hàng chị cũng không mở ra xem. Đến lúc trưa mang ra ăn thì đã thấy bị bốc mùi, thậm chí có mốc không thể nào ăn nổi. Gọi lại cho chủ hàng thì 5 lần 7 lượt mới được. Khi phản ánh thì người bán cũng chỉ ậm ừ với thái độ rất thờ ơ. Đến khi làm căng thì họ phản hồi là sẽ đổi cho chị hộp khác ở đơn hàng tiếp theo. Tuy nhiên, chị quyết định không bao giờ đặt hàng nữa, tránh tiền mất tật mang.

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Phạm Thanh Hương, qua việc lấy mẫu thịt, thủy sản, rau, trái cây từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 12/224 mẫu (chiếm 4,92%) không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã lấy 800 mẫu rau tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn TP, phát hiện 21 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và đã xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trạm chăn nuôi và thú y của 30 quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra xử lý 1.236 trường hợp vi phạm. Các đoàn thành tra đã buộc phải tiêu hủy 2 con lợn, 26 con gia cầm, 450kg thịt trâu bò kém chất lượng.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy, các loại thực phẩm đang bày bán trên thị trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, giao nhận, dự trữ, chế biến… thiếu thuận lợi và các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Vì vậy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chợ thực phẩm online để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

 (còn nữa)

 Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-mua-do-qua-mang-nguoi-tieu-dung-de-an-trai-dang-171405.html