Mỹ phải "trả" 1 tỷ USD để "loại bỏ" Huawei

25/06/2019 15:43

Kinhte&Xahoi Để loại bỏ và thay thế hoàn toàn các linh kiện, thiết bị của Huawei ra khỏi các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông tại Mỹ, chính phủ nước này có thể phải tiêu tốn số tiền lên đến 1 tỷ USD.

Ủy viên hội đồng của Ủy ban thương mại Mỹ (FCC) Geoffrey Starks, trong một bài trả lời phỏng vấn với trang công nghệ Cnet, cho biết chính phủ Mỹ đang không chỉ nỗ lực ngăn chặn việc Huawei xây dựng mạng 5G tại quốc gia này, mà cũng đang nhanh chóng loại bỏ và thay thế các linh kiện, thiết bị của Huawei mà các nhà mạng tại Mỹ đang sử dụng cho hệ thống mạng 3G và 4G trước đây.

Starks cho biết chính phủ Mỹ xem việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei cho các hệ thống mạng 3G và 4G cũ cũng nguy hiểm tương tự như khi sử dụng thiết bị của Huawei để phát triển mạng 5G. Do vậy FCC cần phải đảm bảo rằng không có rủi ro bảo mật nào trong các nhà cung cấp mạng viễn thông hiện tại ở Mỹ.

Chính phủ Mỹ đang tích cực loại bỏ các thiết bị của Huawei ra khỏi các nhà mạng, dù phải tiêu tốn số tiền không hề nhỏ

Để đảm bảo điều này, đầu tiên FCC cần phải tìm hiểu xem có bao nhiêu nhà mạng tại Mỹ sử dụng các linh kiện, thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp. Theo một hiệp hội các nhà mạng nhỏ tại Mỹ thì ước tính 1/4 trong số 50 các nhà mạng nhỏ tại Mỹ vẫn đang sử dụng các thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp.

Sau khi xác định được nhà mạng nào đang sử dụng thiết bị do Huawei cung cấp, bước tiếp theo FCC cần phải tìm hiểu mức độ sử dụng và phụ thuộc của các nhà mạng này với thiết bị do Huawei cung cấp.

“Chúng tôi cần phải tìm hiểu xem các thiết bị của Huawei có sử dụng cho các lõi mạng hay không, như router hay các máy chủ, hay chỉ là các thiết bị mở rộng như ăn-ten hay máy phát sóng. Chúng tôi cần phải xác định xem những thiết bị nào đang có vấn đề trên các nhà mạng”, Geoffrey Starks cho biết.

Bước cuối cùng FCC sẽ yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ các thiết bị mà Ủy ban này cho rằng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin, mà theo Starks cách tốt nhất đó là “gỡ bỏ và thay thế”. Đối với các nhà mạng nhỏ mua các thiết bị của Huawei vì kinh phí thấp, FCC sẽ tài trợ cho các nhà mạng này để thay thế các thiết bị từ Huawei.

Hiện 4 nhà mạng lớn nhất tại Mỹ là Verizon, AT&T, T-Mobile và Sprint không sử dụng các thiết bị và linh kiện của Huawei trong hệ thống mạng của mình, nhưng Starks khẳng định rằng chỉ cần một nhà mạng tại Mỹ vẫn đang sử dụng thiết bị của Huawei nghĩa là vẫn có vấn đề về an toàn cho toàn quốc gia. Mục đích cuối cùng của FCC đó là sẽ loại bỏ toàn bộ các linh kiện, thiết bị viễn thông của Huawei mà các nhà mạng tại Mỹ sử dụng, tuy nhiên để thực hiện điều này chính phủ Mỹ có thể phải tiêu tốn số tiền lên đến 1 tỷ USD.

Dù tiêu tốn số tiền lớn, nhưng theo Starks thì điều này là cần thiết vì vấn đề an ninh quốc, khi mà chính phủ Mỹ cáo buộc các thiết bị viễn thông của Huawei âm thầm thu thập các thông tin người dùng và cả thông tin tình báo để gửi về Trung Quốc, dù nhiều lần Huawei đã lên tiếng khẳng định không hề sử dụng các thiết bị của mình cho mục đích gián điệp.

“Tôi biết rằng vẫn còn nhiều nhà mạng đang sử dụng các thiết bị của Huawei trong cơ sở hạ tầng của họ và tôi đã nhận được những sự quan ngại về an ninh quốc gia trước các mối đe dọa gây ra bởi các thiết bị của Huawei trong các nhà mạng như vậy. Đã có báo cáo rằng châu Âu đã phát hiện được mã phần mềm trong các thiết bị của Trung Quốc mà tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là bản chất chung cho những mối đe dọa mà với chúng ta”, Geoffrey Starks trả lời phỏng vấn trang công nghệ Cnet.

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng đang tranh cãi việc có tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei để triển khai mạng 5G tại quốc gia của mình hay không. Hiện tại một số quốc gia cũng đã cấm sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei bao gồm Nhật Bản, New Zealand và Úc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh Thuỷ - Phú Thọ: Dai dẳng “nạn” khai thác trái phép khoáng sản thách thức pháp luật?

Đầu năm 2019, sau thời gian “tạm lắng” thì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Thanh Thuỷ lại diễn ra trên địa bàn xã Đào Xá với chiêu bài “đơn xin hạ cốt nền” của các hộ dân trong khu vực. Khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận việc hạ cốt nền thì một số người dân đã cho các đối tượng đưa máy móc, phương tiện vận tải vào khai thác khoáng sản. Sau khi có phản ánh của dư luận và người dân, lãnh đạo huyện Thanh Thuỷ ban hành văn bản về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc san gạt, hạ cốt nền theo quy định, không để xảy ra tình trạng san gạt, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép…

Nguồn: Hoà Nhập