Nâng cao chất lượng giám sát lĩnh vực đô thị

11/08/2020 17:53

Kinhte&Xahoi Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt các chương trình giám sát, khảo sát thường kỳ và đột xuất. Tuy nhiên, Ban Đô thị vẫn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giám sát, khảo sát lĩnh vực được phân công, góp phần đưa hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội ngày càng thực chất và hiệu quả.

Đại diện Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực địa hoạt động khai thác cát, sỏi tại Cảng Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Hoàn thành 14 cuộc giám sát chuyên đề

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Ban Đô thị đã đề xuất, chủ trì tổ chức thành công 2 cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố; việc chấp hành pháp luật về quy hoạch xây dựng nông thôn giai đoạn 2018-2019 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Ban cũng tổ chức 14 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề đạt chất lượng.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các lĩnh vực của Ban Đô thị giám sát, khảo sát như: Thực hiện các biện pháp bảo đảm quy hoạch; thực hiện quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới; tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố; kết quả triển khai thực hiện các dự án nước sạch; việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề…, qua đó giúp Thường trực HĐND thành phố có cơ sở xem xét, đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết tại các kỳ họp, thực hiện phiên chất vấn, giải trình các chủ đề được cử tri quan tâm.

Đơn cử Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. Để ban hành nghị quyết này, Ban Đô thị đã thực hiện giám sát, khảo sát chuyên đề, thẩm tra kỹ thông qua các hội nghị phản biện xã hội, ý kiến của người dân.

Ông Phạm Quang Hào (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) nhận xét, nghị quyết có phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đến nay, số "điểm đen" về ùn tắc giao thông giảm dần qua các năm, đặc biệt công tác quy hoạch và triển khai các điểm trông giữ phương tiện đã hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, năm 2016, thành phố có 41 “điểm đen” về giao thông. Sau khi Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND được triển khai, đến nay thành phố chỉ còn hơn 20 điểm (chưa tính số điểm phát sinh mới). Cùng với đó, mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã. "Nghị quyết đã xác định đúng và trúng các nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý giao thông đường bộ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đáp ứng các yêu cầu trước mắt và xác định vấn đề, chiến lược lâu dài”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Chọn đúng thời điểm, địa điểm và cách thức giám sát

Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng, dù đã đạt những hiệu quả nhất định nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát. Theo đó, muốn giám sát, khảo sát hiệu quả thì việc lựa chọn trúng, đúng vấn đề giám sát thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề dư luận quan tâm và căn cứ vào tình hình thực tiễn chung của thành phố là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn thời gian giám sát cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc giám sát. Nếu xây dựng kế hoạch giám sát gấp thì cơ sở không chuẩn bị hết các nội dung để báo cáo, trao đổi. “Ví dụ, trong thời điểm địa phương dốc toàn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 thì việc bố trí thời điểm giám sát cần linh hoạt”, bà Hoàng Thị Thúy Hằng chia sẻ.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Ban sẽ tăng cường giám sát, khảo sát chuyên đề theo kế hoạch cũng như đột xuất. Thời gian qua, Ban đã tổ chức 16 cuộc giám sát, khảo sát đột xuất với các sở, ngành, địa phương, đơn vị về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đô thị trong đó nhiều nội dung có độ phức tạp cao, chuyên môn sâu, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quản lý trật tự xây dựng đô thị.... Nhiều nội dung sau giám sát đã tạo hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa rộng. Một số quận, huyện, thị xã căn cứ vào kết quả giám sát để tổ chức giám sát, tái giám sát tại địa phương mình.

“Từ nay đến hết năm 2020, Ban Đô thị sẽ tái giám sát lĩnh vực nước sạch trên địa bàn thành phố, khảo sát một số nội dung thuộc lĩnh vực đô thị phục vụ kỳ họp HĐND thành phố cuối năm. Theo đó, Ban sẽ tiếp tục duy trì kinh nghiệm trong chọn thời điểm, địa điểm và cách thức giám sát như thời gian qua, chú trọng khảo sát tại thực địa làm cơ sở đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những bất cập, vướng mắc từ cơ sở”, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết thêm.

 Việt Tuấn - Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/975481/nang-cao-chat-luong-giam-sat-linh-vuc-do-thi