Nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ thanh tra xây dựng trong bối cảnh định kiến xã hội

04/04/2021 11:58

Kinhte&Xahoi Tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm xuống còn 2,13% trong năm 2020. Một trong những nhân tố đưa đến kết quả trên là sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo,cán bộ, thanh tra xây dựng từ cấp xã, phường…

Thời gian gần đây, mỗi khi các phương tiện truyền thông nêu ra một trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố (đó có thể là hiện tượng phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình hay xây nhà siêu mỏng, siêu méo…), thì ngay lập tức sẽ có luồng dư luận “quy kết” nguyên nhân của vi phạm là do “có yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý nhà nước về TTXD”. Điều này khá phổ biến trong đời sống xã hội, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đúng như suy luận của số đông.

Định kiến của dư luận cho rằng lực lượng thanh tra xây dựng và người đứng đầu chính quyền các xã, phường là “những đối tượng đầu tiên” được đề cập đến, khi họ truy cứu trách nhiệm của một vi phạm TTXD nào đó. 

Người dân mặc định rằng chính quyền “chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm”. Tiếp đó là đánh giá lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra xây dựng “chưa phát hiện, xử lý kịp thời, thiếu cương quyết”. Một số cán bộ, công chức còn bị quy “chưa nhận thức đầy đủ về các quy phạm pháp luật, chưa làm hết trách nhiệm của mình”...

 
 Lực lượng chức năng của phường Yên Hòa tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình trong Khu biệt thự 5,2ha.

Những định kiến nêu trên không hẳn sai, nhưng sẽ thật không công bằng nếu mặc nhiên coi đó là gốc rễ, nguồn cơn của mọi vi phạm TTXD. Nên nhớ, để làm rõ câu chuyện “trách nhiệm” này, rất cần có những đánh giá khách quan dựa trên chứng cứ, cơ sở luật định, từ đó xác định rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào, cá nhân nào. Chứ không nên hiểu một cách thuần túy đó là trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng hay chính quyền cơ sở.

Thật đáng buồn khi những định kiến trên đã và đang trở thành “hòn đá tảng” trong nhận thức của nhiều người, thể hiện việc chưa ghi nhận công sức của cán bộ quản lý về trật tự xây dựng, gây tâm tư cho cán bộ quản lý về TTXD, ảnh hưởng chất lượng công việc của toàn lực lượng thanh tra xây dựng. 

Đồng thời, đối với những người ở vị trí lãnh đạo cấp xã phường, khi bị quy rằng “không dám đương đầu với hành vi buông lỏng quản lý của mình, thiếu trách nhiệm và tầm nhìn trong quá trình phát triển đô thị”, họ dần nảy sinh tâm lý chán chường. Lâu ngày sẽ tạo nên bức xúc, bất mãn trong cán bộ, đảng viên và hiển nhiên tác động xấu đến đời sống tư tưởng, tinh thần của họ.

Như trường hợp gần đây, khi dư luận xôn xao thông tin một đơn vị truyền thông đăng tải vấn đề “Khu biệt thự 5,2ha thuộc phường Yên Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch chung của Thành phố”. Lực lượng thanh tra xây dựng phường Yên Hòa là đối tượng đầu tiên được dư luận “điểm mặt, chỉ tên”. 

Chưa rõ nội dung bài báo đã xác minh thông tin hai chiều hay chưa, dư luận mặc nhiên cho rằng “thanh tra xây dựng phường thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm”. Trong khi đó, với công trình này, thực tế lực lượng thanh tra xây dựng phường Yên Hòa đã giám sát chặt chẽ, lập biên bản xử lý vi phạm ngay từ khi phát hiện vi phạm. Các lực lượng chức năng của phường đã lập biên bản, thu giữ nhiều vật liệu xây dựng và yêu cầu chủ xây dựng công trình phải nghiêm chỉnh chấp hành việc xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng.

Khi dư luận xôn xao trước thông tin “công trình số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2ha, đã xây dựng thêm tầng hầm diện tích khoảng 150m2 ngoài hồ sơ được cấp phép; để vật liệu xây dựng ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường và cản trở người tham gia giao thông;...”. 

Người dân gần như ngay lập tức “quy kết” trách nhiệm cho lãnh đạo phường “chưa sát sao trong công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt”, dẫn đến việc chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm... Tuy nhiên, trên thực tế việc xây dựng thêm một tầng hầm lên tới tận 150m2 là không có. 

Điều này có thể kiểm chứng rất dễ dàng tại công trình. Việc để vật liệu xây dựng là có, tuy nhiên thời gian qua chủ đầu tư đã liên tục được các lực lượng chức năng của phường nhắc nhở, kiểm tra. Công tác kiểm tra, giám sát đối với loạt công trình trong Khu biệt thự 5,2ha đã được thực hiện thường xuyên và bảo đảm tính chế tài cao.

Dẫu sao thì sau những thông tin tạo dư luận nêu trên, cán bộ lãnh đạo của phường Yên Hòa nói riêng và nhiều phường khác nhau trên địa bàn Thành phố nói chung, đều trăn trở với câu chuyện mất - còn trong “thương hiệu niềm tin”.

Ai dám chắc rằng những hoài nghi của dư luận sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm người dân với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương? Ai dám chắc rằng những “đẩy đưa” của truyền thông không ảnh hưởng đến tâm tư và năng lực của cán bộ xã, phường? Vậy nên, trước mỗi phản ánh tiêu cực, xin hãy thận trọng trong việc đưa thông tin và tiếp nhận thông tin.

Xin hãy đặt niềm tin vào công tác quản lý, giám sát hoạt động xây dựng trên toàn địa bàn, để lực lượng thanh tra xây dựng ngày càng nâng cao phẩm chất, năng lực của mình; đồng thời có được động lực tối thiểu để hoàn thành chức trách của mình trong giai đoạn hiện nay.  

PV

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xăng giả gây hại như thế nào?

Đường dây làm xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM), Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu vừa bị Công an Đồng Nai phối hợp Bộ Công an triệt phá. Ước tính có đến hơn 200 triệu lít xăng bị nhóm đối tượng này làm giả, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: HATAP