Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba: Lan tỏa tri thức sâu - rộng - nhanh

21/04/2024 15:47

Kinhte&Xahoi Hôm nay (21-4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022).

Sự khởi sắc rõ rệt thể hiện ở Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba khi được sự hưởng ứng sôi nổi từ giới xuất bản, phát hành, các địa phương và bạn đọc trên cả nước, với nhiều hoạt động mang tinh thần mới như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó, bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó”.

Độc giả nhỏ tuổi lựa chọn các ấn phẩm tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Tỏa rộng trên khắp cả nước

Sau lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức ngày 17-4, tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với công nghệ trình diễn 3D mapping về lịch sử, sách và văn hóa đọc ấn tượng, những ngày qua đã diễn ra sôi nổi các hoạt động tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc ở các địa phương trên cả nước. Tham gia Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ ngày 17 đến 21-4 tại khu vực Hồ Văn (Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) có 60 đơn vị xuất bản, phát hành, công nghệ, cung cấp trên 40.000 tựa sách có giá trị và hàng chục nghìn lượt người tới tìm hiểu, đặc biệt trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương và những ngày cuối tuần.

Cũng từ ngày 17 đến 21-4, Hội sách “Ươm mầm tri thức - Thắp sáng tương lai” diễn ra tại Phố sách Hà Nội với các hoạt động phong phú như: Trưng bày sách, giao lưu, tọa đàm về sách, biểu diễn nghệ thuật, vẽ tranh theo nội dung cuốn sách em yêu, xếp sách nghệ thuật…; trở thành ngày hội của độc giả và du khách Thủ đô. Thư viện Hà Nội từ ngày 19-4 đến 7-5 liên tục diễn ra các hoạt động khuyến đọc ý nghĩa, gồm trưng bày sách thành tựu đổi mới và chuyển đổi số, nói chuyện chuyên đề về sách và văn hóa đọc, tổ chức câu lạc bộ bạn đọc, thi vẽ tranh theo sách, trò chơi đố vui theo sách, giao lưu thủ thư điển hình… Thư viện Quốc gia Việt Nam từ ngày 20 đến 29-4 cũng trở thành điểm đến lý tưởng cho các bạn nhỏ và độc giả yêu mến sách với hàng loạt các hoạt động như triển lãm sách, hướng dẫn đọc sách sáng tạo, khám phá thư viện số, thi vẽ tranh theo sách, giao lưu tác giả và tác phẩm…

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã và trường học trên địa bàn Thủ đô cũng tổ chức nhiều sự kiện về sách và văn hóa đọc hấp dẫn. Chị Trần Minh Hương (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) chia sẻ: “Những ngày qua, tôi và gia đình đã có những trải nghiệm đọc thú vị, được tiếp cận nhiều cuốn sách mới và có điều kiện chuẩn bị cho các con trong dịp nghỉ hè tới “một thế giới” phong phú, bổ ích thông qua những cuốn sách hay”.

Từ ngày 15 đến 30-4, trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn có triển lãm, hội chợ sách trực tuyến (online) với chủ đề “Sách hay tìm bạn đọc” phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Từ đây, các ấn phẩm của nước ta được quảng bá, lan tỏa xa hơn, đến với độc giả khắp mọi nơi nhờ sự kết nối trực tiếp với sàn sách trực tuyến books365.vn…

Hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Hồ Văn (Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) thu hút đông đảo độc giả tham gia.

Khơi luồng sinh khí mới

Đúng như kỳ vọng đưa văn hóa đọc phát triển lên tầm cao mới của Chính phủ khi quyết định đổi tên Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, xuất bản và văn hóa đọc Việt Nam đã có bước chuyển mạnh mẽ. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba mang 4 thông điệp rất thiết thực, hướng đến giá trị cốt lõi của văn hóa đọc: “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.

“Mỗi năm, ngành Xuất bản tiêu thụ 500-600 triệu bản sách các hình thức, đứng trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã đưa sách lan tỏa, nâng cao tri thức cộng đồng, tạo thói quen đọc sách, nhất là ở người trẻ”, ông Nguyễn Nguyên đánh giá.

Tự hào ở vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, những năm gần đây, văn hóa đọc Thủ đô đã có bước phát triển rõ rệt, chuyển biến thực chất. Đọc sách trở thành thói quen và nét đẹp trong đời sống xã hội. Ngành Xuất bản đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng và đóng góp thiết thực trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa đọc nhiều năm qua trên địa bàn cả nước, đặc biệt trong các hoạt động tại Hà Nội dịp này, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng nhận định, các hoạt động về sách đã phát triển theo chiều rộng và đang phát triển theo chiều sâu. Việc đưa sách đến bạn đọc không chỉ qua các hội chợ giảm giá mà còn có nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm, trò chuyện, hướng dẫn đọc sách… để sách phát huy đầy đủ tác dụng.

Khẳng định việc thực hiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam góp phần thiết thực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn, sách và văn hóa đọc có sự lan tỏa sâu, rộng, nhanh hơn, trở thành nguồn lực và động lực phát triển đất nước, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc; thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc; tăng cường sáng tác sách hay; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; mở rộng hợp tác quốc tế... là những vấn đề cần thực hiện ngay.

An Nhi -Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-lan-thu-ba-lan-toa-tri-thuc-sau-rong-nhanh-664194.html