Ngôi trường 'chạy lũ' mong sớm có ký túc xá và phòng học mới

28/08/2019 11:06

Kinhte&Xahoi Đầu năm học mới đã đến, hơn 260 học sinh và gần 20 giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Yên Tĩnh (huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn xác định 'sống chung với lũ' khi mùa mưa bão đến. Gần 160 học sinh bán trú do ký túc và nhà ăn xuống cấp nên phải xin ở trọ các nhà dân cạnh trường để có chỗ ăn nghỉ đảm bảo việc học tập.

Khu nhà ăn và ký túc xá đã không còn được sử dụng vì lo ngại mưa lớn lũ quét gây nguy hiểm.

Sống chung với lũ

Cách đây gần một năm (ngày 17/9/2018) khi năm học mới vừa bắt đầu, mưa lớn gây lũ quét đột ngột vào ban đêm đã khiến thầy trò trường phải chạy lũ trong đêm. Thời điểm đó, trong trường có hơn 100 em học sinh và 15 thầy cô giáo đang ở trong nhà bán trú. Nhận thấy tình hình mưa lũ phức tạp nên các thầy quyết định không ngủ mà thay nhau túc trực.

Khi nước lớn, có hiện tượng xảy ra lũ quét, trường lập tức sơ tán toàn bộ học sinh tại nhà bán trú lên cao. Nhiều đồ đạc, vật dụng dạy học bị nhấn chìm trong nước. Đến sáng ngày hôm sau, huyện phải huy động lực lượng công an, bộ đội, biên phòng dọn dẹp để công tác dạy học sớm trở lại.

Theo các thầy giáo, từ năm 2011 (từ khi tách khỏi trường tiểu học) trường đã hứng chịu 3 trận lũ lớn như thế xảy ra, may mắn là đã tính toán chủ động ứng phó nên không có thiệt hại nào về người.

Thầy Nguyễn Sinh Thái, Phó hiệu trưởng trường cho biết, năm nào cũng như năm nào, mỗi năm vài trận lũ, trường phải dừng việc dạy học lại để dọn dẹp vì nước ngập, bùn đất ngập ngụa.

“Những ngày mưa lớn kéo dài là sân trường như ao cá, nước ngập đến hơn 15cm, thường ban đêm hay xảy ra lũ nên sáng hôm sau phải nghỉ học dọn dẹp. Trường có 8 phòng học ở hai dãy, có những lúc thầy trò đang dạy thì mưa lớn khiến nước ngập, trường cho các em nghỉ để sơ tán tránh lũ quét, đợi nước rút ra dọn dẹp đi học tiếp.

Mùa mưa thường là nghỉ học những hôm mưa lớn, lũ quét; thứ Bảy, Chủ nhật đi học bù để cho kịp chương trình nên hầu như thầy giáo ở đây không có ngày nghỉ”, thầy Thái nói.

Được biết, toàn trường có 15 giáo viên, 4 cán bộ khác là nam, chỉ có một cô giáo duy nhất phụ trách thiết bị thư viện.

Năm học 2018 – 2019 trường có 253 học sinh, trong đó có 153 em ở bán trú. Năm học 2019 – 2020 dự kiến có 260 học sinh, trong đó có 160 em ở bán trú lại trường để học. Toàn bộ học sinh trong trường đều là con em người dân tộc Thái ở địa phương.

Riêng năm học 2019 -2020, do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khu ký túc xá và nhà ăn đã xuống cấp nghiêm trọng nên nhà trường không cho các em ở lại bán trú mà phải cho ở xen trong các hộ dân gần trường.

Sân trường lầy lội

Để đảm bảo cho 160 em học sinh bán trú, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đi vận động, tuyên truyền những hộ dân gần trường tạo điều kiện để các em được ở trọ.

“Các em dù ở trọ bên ngoài những vẫn được nhận đầy đủ các chế độ theo quy định của nhà nước và hỗ trợ thêm 149 ngàn đồng/tháng/người để đóng thêm tiền ở trọ cho các hộ dân...”, thầy Thái cho hay.

Thầy Thái cho biết thêm, hiện đã có một dự án đầu tư xây dựng lại trường và khu nhà ở, nhà ăn cho học sinh và thầy cô giáo nhưng chưa được triển khai. Thầy cũng như gần 20 thầy cô khác và các em học sinh vẫn mong chờ dự án sớm được xây dựng để đưa vào dạy học đảm bảo an toàn cho thầy và trò tại đây.

Mong sớm có ký túc xá và phòng học mới

Từ nhà ra trường với khoảng cách gần 20km, em Vi Thị Thắm, học sinh lớp 7 đang dọn dẹp chỗ ở mượn được một gia đình trong bản Cặp Chạng cho biết, mấy năm trước ở trong ký túc xá cùng các bạn, thoải mái hơn vì không phải phiền đến người khác. Nếu tình trạng này kéo dài vài năm thì cũng vất vả.

“Em chỉ mong muốn khu ký túc sớm được xây dựng lại để chúng em ở lại bán trú, học tập đỡ vất vả hơn. Ở trong trường các thầy giáo cũng thường xuyên quan tâm, quản lý chặt chẽ giờ giấc nên mọi người đều rất có ý thức…”, em Thắm nói.

Bà Lô Thị Nhung năm nay có thêm một học sinh xin ở trọ cùng. Gia đình bà không được rộng rãi lắm nhưng với sự vận động của chính quyền địa phương cũng như việc hiểu được các em nhỏ học hành xa nhà, nên bà sẵn sàng chào đón, giúp đỡ em nào muốn được ở để đi học.

Bà luôn quan niệm, “Con cái họ đi học xa nhà cũng như con cái mình đi học xa nhà thôi, giúp được ai thì giúp. Ở trong nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, cũng vui cửa vui nhà chứ không có phiền hà gì, các cháu cứ yên tâm đi học cho tốt”, bà Nhung nói.

Hình ảnh ngôi trường năm 2018 trong đợt bị lũ quét.

Theo ông Vi Vũ Quang, Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh, Trường PTDTBT – THCS Yên Tĩnh, ở địa điểm thấp, ngay bên cạnh suối Chà Hạ nên hàng năm gánh chịu nhiều trận lũ lụt ảnh hưởng đến việc học tập cũng như dạy học của thầy trò. Trước những khó khăn đó, địa phương đã xin chủ trương xây dựng lại trường và được huyện đồng ý trình các cấp phê duyệt.

“Hiện không cho học sinh ở lại bán trú ở khu ký túc vì đã quá xuống cấp, chính quyền phối hợp với nhà trường tuyên truyền vận động cho ở trong nhà dân hai bản gần trường. Cũng không tổ chức ăn bán trú mà để các em ăn cùng với các gia đình, còn các thầy một số ở lại, một số cũng liên hệ với người dân để ở cùng.

Vẫn phải tiếp tục dạy và học ở hai dãy lớp học cũ, khi mưa gió thì phải nghỉ học và di dời đến nơi an toàn. Trước mắt, đã vận động tuyên truyền người dân, nhất là cán bộ, đảng viên tạo điều kiện chỗ ăn ở cho các em, không được lấy giá trọ cao, giao các gia đình quản lý nuôi dạy các em như con em mình. Các thầy vào cuối tuần sẽ phải đến kiểm tra việc ăn ở của các em, cũng như làm tư tưởng với các gia đình để các em yên tâm ăn học…” ông Quang cho biết.

Được biết, tháng 3/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 936 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, được điều chỉnh lại tại Quyết định 1444 ngày 03/05/2019 của UBND tỉnh Nghệ An tại dự án: Di dời khẩn cấp công trình Trường THCS Yên Tĩnh. Công trình với tổng mức đầu tư hơn 28,5 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như dãy phòng học, nhà hiệu bộ, ký túc học sinh và nhà ăn.

Thời gian thực hiện theo quyết định được phê duyệt là 2018 – 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được triển khai hạng mục nào. Được biết, hiện hồ sơ thiết kế và các thủ tục đang trình các sở ngành có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành đưa ra đấu thầu thi công dự án.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus