"Người dân sống quanh công ty Rạng Đông không cần phải di tản nữa"

14/09/2019 09:48

Kinhte&Xahoi Theo các chuyên gia, đến nay không khí quanh Công ty Rạng Đông đã về ngưỡng an toàn, việc người dân tiếp tục di tản là không cần thiết.

Phát biểu trước các đại biểu và chuyên gia quốc tế tại hội thảo về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng vụ cháy ở công ty Rạng Đông là "sự cố hóa chất dẫn tới sự cố môi trường. Sự cố này ở mức độ cơ sở, chủ nhà máy và địa phương trực tiếp ứng phó".

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

"Tại thời điểm xảy ra cháy có ô nhiễm ngoài phạm vi nhà máy, nhưng chủ yếu là ô nhiễm cục bộ trong khu nhà máy. Từ ngày 30/8 trở đi, chất lượng không khí tốt hơn. Hiện tại, các thông số quan trắc về chất lượng không khí, môi trường chỉ ra đã an toàn, hiện nay không còn ảnh hưởng rộng ra xung quanh.", ông Hà nói và cho biết bản thân mình cũng sinh sống gần bán kính 500m và hoàn toàn yên tâm.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc cần thông tin kết quả trên để người dân hoàn toàn yên tâm. Số lượng vật liệu tàn dư của vụ cháy phải được xử lý theo quy định về chất thải nguy hại, hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành cô lập, tẩy độc những khu vực đã được cảnh báo trong đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng được mời cùng xem xét, đánh giá và đưa ra những phương án xử lý.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết các thông tin về vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã được lãnh đạo Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm đầu mối cung cấp thông tin.

Lực lượng quân đội tiến hành thu gom và tẩy độc bên trong nhà máy Rạng Đông.

Sáng 12/9, Binh chủng Hóa học, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Tài nguyên Môi trường, Công ty Urenco 10 bắt đầu công tác tẩy độc nhà kho Rạng Đông. Trả lời phóng viên câu hỏi vì sao nhiều cán bộ chiến sĩ khi vào bên trong nhà máy (nơi xảy ra vụ cháy) mà không đeo khẩu trang để phòng tránh, Thượng tá Nguyễn Văn Bổng Trưởng ban Cứu hộ Cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: "Trước đó chúng tôi đã lấy 23 mẫu quan trắc và kết quả cho thấy khu vực đã an toàn nên chúng tôi không đeo nữa". 

Ông Bổng cho biết thêm, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Binh chủng Hóa học, công binh, cùng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10) tiến hành thu gom, vận chuyển, quan trắc môi trường quanh khu vực cháy. Khi có mặt bằng sẽ phun chất khử độc để tẩy rửa sạch môi trường tại đây.

Thượng tá Nguyễn Văn Bổng Trưởng ban Cứu hộ Cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô.

“Các vật liệu từ hiện trường vụ cháy sẽ được đem đến một khu vực xử lý đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến môi trường và có sự giám sát của Binh chủng Hóa học. Về thời gian xử lý sự cố môi trường tại Công ty Rạng Đông và khu vực xung quanh, hiện chúng tôi chưa xác định thời gian hoàn thành, nhưng sẽ tiến hành xử lý rất khẩn trương”, ông Bổng nói.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, từ ngày 9/9 đến 11/9/2019, đơn vị đã tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh trong vòng 24 giờ đối với 05 vị trí: 02 vị trí tại trường Tiểu học Hạ Đình; đối diện cổng chung cư Eco Green City (cách khu vực cháy khoảng 500m); trong khuôn viên công ty (trong bán kính 200m từ khu vực cháy); phía sau xưởng cháy cạnh mặt đường.

Xe quan trắc không khí của Sở TN&MT Hà Nội.

Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05: 2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06: 2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện thấy thủy ngân – HG (trung bình 24 giờ) trong không khí.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, khi xảy ra các sự cố môi trường như vụ hoả hoạn vừa qua tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thì các chất độc hại được phát tán vào không khí. Đặc biệt trong sự cố này liên quan đến thủy ngân, một kim loại nặng rất độc hại với sức khỏe con người và hệ sinh thái. 

Công tác tẩy độc đang được tiến hành khẩn trương bên trong nhà máy Rạng Đông.

“Theo đánh giá của cá nhân tôi thì trong 3-5 ngày đầu sau sự cố, nồng độ thủy ngân trong không khí ở khu vực bên trong và xung quanh nhà kho bị cháy ở mức cao. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo thì nồng độ thủy ngân trong không khí xung quanh giảm dần, đặc biệt sau sự cố thì Hà Nội liên tiếp có mưa lớn nên thủy ngân trong không khí sẽ theo nước mưa rơi xuống. Theo quan sát của tôi, xung quanh nhà máy đã bê tông hóa gần như 100% nên nước mưa nhiễm thủy ngân khó có thể ngấm xuống đất mà chủ yếu chảy vào cống rồi chảy vào hồ Hạ Đình, sông Tô Lịch…”, TS Hạnh cho biết.

Theo TS Hạnh, nếu quan trắc đánh giá nồng độ thủy ngân trong không khí ở khu vực bán kính 1km với các khu vực khác trong quận Thanh Xuân hay thậm chí các quận nội thành khác của Hà Nội hiện nay cũng không có sự khác biệt đáng kể vì trong 2 tuần qua mưa rất nhiều và gió to nên nồng độ thủy ngân bị pha loãng cũng như theo nước mưa rơi xuống, chảy vào cống và vào các hồ, sông.

Những thứ còn lại bên trong nhà kho Rạng Đông sau vụ cháy.

“Với một vụ hỏa hoạn có kèm theo thủy ngân phát tán vào không khí thì tôi nghĩ việc người dân sống ở dãy nhà cạnh bức tường nhà kho bị cháy và khu vực ngay xung quanh hiện trường đã tạm thời sơ tán đi mấy ngày sau vụ cháy là cần thiết cho tới khi hiện trường vụ cháy được dọn dẹp và xử lý an toàn. Còn với người dân sống xa hiện trường vụ cháy hơn và nhất là ở thời điểm này đã 15 ngày sau vụ cháy thì tôi nghĩ có lẽ không cần”, TS Hạnh nhấn mạnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kho báu trong lòng đại dương

Truyền thuyết về một thành đô biến mất vẫn thôi thúc loài người đi tìm câu trả lời đến tận ngày nay, dù nó ra đời cách đây đã hơn 2.000 năm.

Theo VOV/ Pháp luật Plus