Nguy cơ ngộ độc từ thuốc Đông y không rõ nguồn gốc

13/03/2022 10:53

Kinhte&Xahoi Thời tiết chuyển mùa dễ gây bệnh về hô hấp, đau đầu, mệt mỏi, xương khớp... Để giảm bớt các cơn đau, mỏi mệt, nhiều người tìm đến những phương thuốc Đông y “nhà tôi ba đời” được bán tràn lan qua mạng xã hội.

Cơ quan chức năng bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc Đông y giả làm từ bột ngô và bã mía.

Thuốc Đông y “nhiều không”

Ngành Y học Việt Nam có nhiều bài thuốc quý, những kinh nghiệm chữa bệnh của đội ngũ thầy thuốc, lương y, ông lang, bà mế, bài thuốc gia truyền chữa bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Người dân tìm đến thuốc đông y vì cho rằng đây là thuốc lành tính, ít gây tác dụng phụ so với tân dược. Thậm chí, nhiều người cho rằng, nếu không có tác dụng chữa bệnh thì thuốc Đông y cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể, “không bổ dọc thì bổ ngang”. Bởi thế, người dân không ngần ngại đi bốc thuốc để chữa các bệnh về gan, mật, thận, cơ xương khớp, ung thư, những bệnh thông thường như viêm dạ dày, dị ứng và thậm chí cả để dưỡng thai...

Tuy nhiên, hiện nhiều người vì tin dùng các sản phẩm Đông y được quảng cáo trên mạng mà bỏ thuốc tân dược, không theo phác đồ của bác sĩ, ảnh hưởng tới sức khỏe và khiến bệnh càng thêm nặng.

Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, một số người bị nhiễm Covid-19 đã tự tìm thông tin về đơn thuốc Đông y để chữa ho, giải cảm, mua thuốc xông thảo dược “nhiều không” (không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không đăng ký lưu hành, không niêm yết rõ thành phần điều chế...). Họ mua thuốc sau khi nghe những người từng là F0 truyền tai nhau hoặc mua từ nhà thuốc online trên mạng, "bán sao dùng vậy".

Ngộ độc chì vì "thuốc nhà tôi ba đời”

Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng thuốc Đông y. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Đặc điểm chung của các trường hợp trên là đều sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Họ mua thuốc theo lời "rỉ tai" của ai đó, hoặc đi bốc thuốc của các “ông lang vườn” không được cấp phép hành nghề.

Mới đây, khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ, 32 tuổi, bị ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc Đông y, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý trước đó. Khoảng 5 tháng nay, bệnh nhân bị mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, thường bị nôn..., khi đi khám thì được chuẩn đoán viêm dạ dày. Bệnh nhân dùng thuốc tân dược nhưng bệnh không thuyên giảm, sau đó được “mách” dùng các loại thuốc đông y với lời "rao" sẽ khỏi bệnh và ít có tác dụng phụ. Hậu quả là sau khi dùng "thuốc Đông y gia truyền”, bệnh nhân càng đau bụng nhiều hơn, buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày... Sau khi xét nghiệm nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc chì trong thuốc đông y, dẫn đến tình trạng thiếu máu và đau bụng.

Bác sĩ Vũ Xuân Diệu, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam, thuốc sài không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp này, việc điều trị tùy theo mức độ bệnh. Mức độ nặng thì điều trị hồi sức, điều trị đặc hiệu (thuốc gắp chì), còn mức độ nhẹ thì sẽ điều trị triệu chứng, theo dõi nồng độ chì trong máu... Vì thế, người dân không nên dùng các loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thuốc gia truyền "nhiều không" chất lượng kém. Trong bối cảnh cơ quan chức năng chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ vấn đề quảng cáo, rao bán hàng hóa tràn lan trên mạng xã hội, nếu người tiêu dùng không cẩn thận thì rất dễ mua phải thuốc đông y kém chất lượng, có thể gây hại cho sức khỏe.

Để đảm bảo an toàn khi muốn khám bệnh và sử dụng thuốc Đông y, mọi người không nên tự ý mua thuốc. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã đăng tải danh sách cơ sở y tế, phòng khám y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động lên website, người dân có thể kiểm tra thông tin từ đó. Khi đi khám, nên tìm những cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, không nên tìm mua thuốc Đông y qua mạng xã hội.

 Phương Thu - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ bé gái 3 tuổi bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu tử vong: Lực lượng chức năng tìm thấy 10 chiếc đinh trong đầu cháu bé

Tối qua (12/3), sau 2 tháng điều trị, bé gái 3 tuổi bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu đã tử vong. Nhận định về diễn biến vụ việc, chuyên gia pháp lý cho biết, tính chất vụ án nghiêm trọng hơn nên hung thủ sẽ phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/1026611/nguy-co-ngo-doc-tu-thuoc-dong-y-khong-ro-nguon-goc