Nhếch nhác cảnh lều lán, công trình không phép bủa vây di tích Gò Đống Thây

22/11/2022 16:08

Kinhte&Xahoi Di tích lịch sử Gò Đống Thây phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang bị những công trình không phép bủa vây, “bóp nghẹt”.

Gò Đống Thây (hay còn gọi là Thất tinh gò) nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789. Năm 1990, gò Đống Thây được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, cần được bảo vệ. 

Thế nhưng, 25 năm qua, khu di tích này không được tu tạo, người dân khu vực xây nhà, dựng lều lán làm nơi kinh doanh, buôn bán… khiến di tích đang bị “bóp nghẹt”.

Gò Đống Thây (hay còn gọi là Thất tinh gò) nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đang bị những công trình không phép "bóp nghẹt".
Theo tìm hiểu được biết, Gò Đống Thây trước kia có diện tích 26.722m2, nhưng giờ chỉ còn một khoảnh đất nhỏ. Người dân ở đây cho biết, do không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng nên một số người dân tự do lấn chiếm. Tình trạng trên diễn ra đã lâu, nhưng không hiểu sao các cấp có thẩm quyền vẫn không xử lý gì; quanh khu di tích hiện có nhiều lều lán được dựng tạm bợ, các hộ lấn chiếm, dựng nhà, dựng lều quán, quán nước, quán ăn, trông giữ xe, nhà xưởng…
Khuôn viên diện tích Gò Đống Thây hiện nay còn rất ít, xung quanh bị các công trình sai phép, cửa hàng... lấn chiếm không gian cảnh quan.
Những ngôi nhà không phép nhếch nhác, chỗ gửi xe bao quanh khuôn viên di tích.
“Một số hộ dân sinh sống ơ đây cho biết, toàn bộ khu đất đang có lều lán này là đất của di tích Gò Đống Thây, phần nhiều toàn người nơi khác về đây sinh sống ít nhất chục năm, có những gia đình ở mấy chục năm đến nay đã mấy thế hệ. Hầu hết những nhà, hàng quán tại khu vực di tích này đều xây chui chứ không được cấp phép xây dựng hay có giấy tờ gì, biết là đất di tích và nằm trong quy hoạch nhưng chúng tôi không còn nơi khác để ở, chúng tôi mong rằng khi Nhà nước thực hiện việc tu tạo sẽ có chính sách hỗ trợ, tái định cư cho chúng tôi”. - Trong ảnh: Những khu lều lán, công trình lấn chiếm di tích.
Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 993/QĐ-VHTT ngày 28/9/1990 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), gò Đống Thây được xếp hạng là di tích lịch sử cần được bảo tồn. Năm 1997, thành phố đã giao di tích này cho Ban Quản lý danh thắng - Sở VHTT Hà Nội quản lý, thế nhưng việc quản lý dường như vẫn chỉ… nằm trên giấy.
Trước tình trạng lấn chiếm xâm hại di tích khiến cho dư luận bức xúc trong suốt một thời gian dài, ngày 24/5/2016, trên trang cổng thông tin điện tử của UBND TP Hà Nội có viết: “Hiện nay, một phần đất của di tích đã được giao cho Quân khu 3, UBND phường Thanh Xuân Trung, dòng họ ông Nguyễn Phạm Quyền.... môi trường ô nhiễm do rác thải bừa bãi.
Để thuận tiện cho việc quản lý, tách phần đất không có yếu tố gốc cấu thành di tích ra ngoài khu vực bảo vệ để đảm bảo tính khả thi của dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây, UBND TP Hà Nội thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ và lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân”.
Trước cửa di tích là những hàng ăn, quán sửa xe.... ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng không phép.
Sau khi thực hiện điều chỉnh khoanh vùng di tích, Gò Đống Thây hiện tại chỉ còn khoảng hơn 15.000 m2. Mặc dù mục đích điều chỉnh khoanh vùng được thực hiện nhằm bảo vệ và lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích thế nhưng thực tế tình trạng xâm lấn vẫn tồn tại khiến cho cảnh quan khu di tích nhếch nhác không được tu tạo.
Không chỉ riêng di tích Gò Đống Thây, ngay cạnh đó một công trình tâm linh khác cũng bị xâm chiếm, xung quanh toàn nhà tạm quây tôn, nhếch nhác
Do việc xâm chiếm, xây dựng không phép quanh khu vực di tích. Mới đây, ngay sát di tích đã xảy ra vụ cháy thiêu rụi một căn nhà. Rất may vụ hoả hoạn không gây thiệt hại về người.
Không ai ngờ trước cửa khuôn viên của một di tích lịch sử lại nhếch nhác, bẩn thỉu như vậy.
Cạnh di tích Gò Đống Thây là UBND phường Thanh Xuân Trung. Tuy vậy việc xây dựng không phép, lấn chiếm di tích của người dân vẫn ngang nhiên diễn ra. Người dân đặt ra câu hỏi đây có phải là sự quản lý yêu kém của chính quyền địa phương hay đăng sau những sai phạm có những góc khuất nào khác?

Theo tìm hiểu của Phóng viên, tại Công văn số 1390/UBND-QLDA ngày 4/11/2015 của UBND quận Thanh Xuân gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc lập kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích Gò Đống Thây có nêu: “Di tích được phân cấp về quận theo quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 của UBND thành phố, đồng thời nguồn vốn đầu tư đã chuyển thành nguồn vốn ngân sách quận. Vì vậy kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích thuộc thẩm quyền của UBND quận. Tuy nhiên, Sở VHTTDL đã có văn bản số 42/SVHTT-QLĐT ngày 23/9/2015 đề nghị UBND quận thực hiện hướng dẫn của Sở tại văn bản số 2061/ SVHTT-QLDT ngày 13/7/2015”.

Tại công văn này, UBND quận Thanh Xuân đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn về việc lập kế hoạch di dời 186 hộ dân trong khu vực di tích, đảm bảo tính khả thi triển khai thực hiện.

Đến nay đã gần 7 năm trôi qua nhưng kế hoạch trùng tu tôn tạo mới chỉ nằm trên giấy. Tình trạng xâm hại nghiêm trọng, “bóp nghẹt” di tích vẫn diễn ra khiến cho khuôn viên nơi đây trở nên nhếch nhác và dư luận đặt ra câu hỏi không biết đây là di tích hay phế tích? và không thể để một danh thắng của Thủ đô bị xâm hại nghiêm trọng mãi như vậy.

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Đạt - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết, hiện nay các ban ngành bước đầu đang thực hiện việc kiểm đếm, đo đạc các công trình lấn chiếm trên đất. Để có thông tin rõ hơn thì báo chí liên hệ với UBND quận Thanh Xuân là chủ đầu tư dự án này.

Tiếp tục trao đổi với Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Lê Trung Cường, ông Cường cho biết, sự việc tu tạo di tích Gò Đống Thây hiện nay các đơn vị đang tiến hành kiểm đếm để giải phóng mặt bằng. Sự việc các hộ dân xây dựng các công trình lấn chiếm tồn tại đã từ rất lâu, tôi mới về nhận nhiệm vụ nên có những việc không rõ ràng, cụ thể. Để biết chi tiết cụ thể thì phóng viên làm việc với UBND phường Thanh Xuân Trung. Còn quan điểm của quận là các công trình cũ yêu cầu giữ nguyên để xử lý, không cho phát sinh thêm mới.

Như Trường - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/nhech-nhac-canh-leu-lan-cong-trinh-khong-phep-bua-vay-di-tich-go-dong-thay-d186701.html