Nhìn đa chiều từ vụ học sinh lớp 10 tự tử: Giới trẻ cần bình tĩnh và trân trọng bản thân

02/04/2022 14:46

Kinhte&Xahoi Tối 1/4, thông tin một học sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử rộn lên trên khắp các diễn đàn, các trang mạng xã hội khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.

Cảm thông và chia sẻ mất mát với gia đình em học sinh, nhiều phụ huynh không giấu được tâm tư trăn trở, lo lắng về phương pháp dạy con...

Hãy lắng nghe tâm tư con trẻ

 Có nhiều ý kiến trái chiều được mọi người chia sẻ rộng rãi. Người trách bố cậu bé quá khắt khe với con, hơn 3 giờ sáng vẫn còn “ốp” con học trong không khí căng như dây đàn dễ khiến con nảy sinh tâm trạng u uất, mệt mỏi, chán nản và có hành động tiêu cực. Cũng có người cảm thán cậu bé nhỏ tuổi với hành động dại dột, bồng bột.

Trong sự mất mát này, đau xót nhất không ai khác chính là nỗi đau của bậc sinh thành. Bố mẹ nào có thể nguôi ngoai được nỗi đau khi nhìn thấy con ra đi ngay trước mắt mà bất lực không thể níu giữ? Bố mẹ nào quên được ám ảnh, xót xa khi đọc những dòng chữ con vội vàng để lại oán trách những thiếu sót của mẹ cha.

Hãy lắng nghe tâm tư con trẻ (Ảnh minh họa)

Từ sự vụ đau lòng trên, Dương Quỳnh Tâm, một blogger đã chia sẻ với cộng đồng mạng: "Xem clip cháu bé 15 tuổi nhảy lầu ám ảnh quá, cả bức thư cháu viết nữa, đau lòng thật. Cậu bé ấy chỉ trạc tuổi con trai mình! Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của chính tôi mà từ lâu tôi giấu kín...

Thời tuổi dậy thì của tôi là quãng thời gian dữ dội nhất, bởi đó là lúc tôi cần được lắng nghe và chia sẻ nhất từ người mẹ thì mọi chuyện lại trở nên ngày càng tồi tệ vì mẹ tôi quá soi xét và cay nghiệt. Tôi không trách mẹ tôi bởi lẽ lúc đó 2 thế hệ chưa có sự văn minh, kết nối như bây giờ. Cả quãng thời gian 12-16 tuổi tôi chịu đựng sự cay nghiệt của mẹ tôi đến mức có những lúc muốn tự tử.

Thời gian đó cảm xúc nhạy cảm, tâm sinh lý thay đổi từng ngày, bất kỳ 1 lời nói, hành động nào cũng có thể làm tổn thương tôi sâu sắc. Khi dậy thì, tôi bắt đầu trổ mã xinh xắn hơn 1 chút cũng là lúc những bức thư nhét ngăn bàn cho tôi ngày một nhiều, các anh bạn đến chờ đón tôi đi học ngày một đông.

Tôi vẫn ngu ngơ và không mấy để ý tới họ nhưng trong mắt mẹ tôi thì khác, mẹ lúc nào cũng cho rằng tôi sẽ hư đốn, đã nhiều lần mẹ nói những câu xỉa xói tới mức tôi tức nghẹn cả cổ, bát cơm chan nước mắt là thường xuyên, lòng tự trọng bị giày xéo, những cảm xúc hồn nhiên nhất của tuổi học sinh cũng bị bóp méo và áp đặt thành tội trạng.

Suốt 12 năm học tôi đều học trường chuyên, lớp chọn, cho nên học hành cũng lại là 1 áp lực khác lên đầu. Lần tôi ức chế và xấu hổ nhất là lúc tôi phát hiện ra ngày nào mẹ cũng bí mật đến cổng trường giờ tan lớp và đi theo tôi về nhà suốt 1 tuần để xem tôi có trốn học không, có đi chơi với ai không. Thực sự đó là một cú vả rất mạnh vào lòng tự tôn của tôi, tôi đâu có hư đốn như mẹ tôi tưởng tượng thế? Sau hôm đó, tôi đã gào lên: Nếu mẹ còn tiếp tục muốn kiểm tra con kiểu đó thì con không cần phải đi học nữa, con sẽ ở nhà 24/24 giờ cho mẹ khỏi phải kiểm tra!

Có hôm đi học về buổi chiều đã đói và mệt, lại được nghe thêm bài tổng sỉ vả của mẹ tôi, cảm giác lúc đó tuyệt vọng và mệt mỏi không thể nào chịu nổi, không 1 ai chia sẻ, chỉ biết bỏ cơm tối lên ngồi bàn học lau nước mắt rấm rứt khóc thầm! Có lần ức quá còn nghĩ đến cái chết, tự tưởng tượng không biết lúc đó mẹ có thương mình hơn không nhỉ?

Thật may tôi đã vượt qua thời kỳ đó, nhưng những ám ảnh thì còn mãi không phai. Chính điều đó làm cho tôi sau này dù rất thương yêu bố mẹ nhưng luôn có khoảng cách và ít khi nào nói chuyện tâm sự được với nhau.

Chính từ những tổn thương đó mà trong đầu tôi luôn tự nhủ sau này sẽ không bao giờ đối xử với các con mình như vậy, không bao giờ làm chúng stress và xa cách mình như mẹ mình đã từng làm".

Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ

 Trong nhiều ý kiến bình luận về sự việc, trên mạng xã hội, có một tài khoản viết: "Tại sao chúng ta cứ trách bố mẹ nhỉ? Rất nhiều câu chuyện học sinh tự tử và rồi phần lớn mọi người sẽ có thiên hướng trách bố mẹ quá nghiêm khắc dẫn đến việc này! Điều đó hoàn toàn không đúng!".

Bố mẹ dù có tạo áp lực gì thì cái đích cuối cùng vẫn là yêu thương chúng ta (Ảnh minh họa)

Chủ tài khoản mạng xã hội này cũng cho rằng: "Hiện nay mình thấy giới trẻ dễ mắc phải. Đó là không trải sự đời nhưng lại thích thể hiện cái tôi của bản thân.

Nếu các bạn ra đời và nhìn vào nhiều mảnh đời trong cuộc sống bạn sẽ thấy cuộc sống này nhiều người khổ nhục lắm, bế tắc lắm. Người nghèo có nỗi đau của người nghèo, người giàu có cái khổ của người giàu. Áp lực đến từ mọi phía, mọi mối quan hệ.

Mình không ủng hộ việc nhiều bố mẹ quá khắt khe và kỳ vọng quá cao với con cái nhưng dù thế nào nếu tự tử vì bố mẹ quá nghiêm khắc thì cũng vẫn là sai! Bố mẹ anh chị em có áp lực gì thì cái đích cuối cùng vẫn là yêu thương chúng ta!".

"Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ" - câu nói ấy truyền miệng từ bao đời nay vẫn còn nguyên giá trị. Có ai lớn khôn mà chưa từng trải qua lứa tuổi dậy thì với bao ẩm ương, trải qua những vấp ngã? Có ai lớn lên mà chưa từng bị cha mẹ rầy la, mắng mỏ, thậm chí là những trận đòn roi? Thế nhưng, ở thế hệ 7X, 8X có mấy ai dám tìm đến cái chết vì những lời mắng mỏ, những trận đòn roi của bố mẹ?

Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Phải chăng, xã hội càng hiện đại, tinh thần, bản lĩnh của con trẻ càng kém vững vàng? Điều gì đã khiến những cô bé, cậu bé còn quá nhỏ tuổi nghĩ đến cái chết để thoát khỏi áp lực của cuộc sống?”.

Trong khi đó, chị Hoàng Thúy (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) giãi bày: "Sau khi đọc quá nhiều sự việc học sinh tự tử, tôi thậm chí không dám nói nặng với con. Con có mắc lỗi cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Nuôi con mà tôi cảm thấy hoang mang vì lo lắng không kiểm soát được suy nghĩ, tình cảm của con. Nghiêm khắc quá thì sợ tạo thành áp lực mà buông lỏng thì lo con hư lúc nào mình cũng không hay".

Chuyên gia tâm lý học Phạm Hiền bày tỏ: "Sự chênh lệch tuổi tác, cộng thêm áp lực công việc, học hành nên phụ huynh và con cái ít có sự tương tác, qua đó khó tạo nên được đồng cảm. Hai thế hệ cần có những chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng, yêu thương nhau để tăng thêm tình cảm và sự gắn bó trong gia đình".

Xin hãy để em được an nghỉ

 Trước sự truyền tải không tưởng của cộng đồng mạng, gia đình nam sinh buộc lòng phải cầu xin khẩn thiết và đau lòng, cầu mong mọi người đừng post và share những hình ảnh và video nữa.

Chúng ta nên rút ra cho mình những bài học cần thiết, có cái nhìn bao dung hơn với cả người ra đi và người ở lại. Hãy để em an nghỉ và gia đình em đã phải chịu mất mát quá lớn rồi, hãy đồng cảm và bao dung hơn với những chuyện đã xảy ra.

 Khánh Vy - Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ những vụ trả thù tình, giới trẻ đang yêu bằng cảm xúc hay lý trí?

Trong vòng chưa đầy 24h, cộng đồng mạng chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ về vụ việc cô gái 9x đốt nhà người yêu vì chuyện tình cảm bị ngăn cấm tại phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì mới đây, tại TP HCM lại xảy ra một trường hợp tương tự mà lý do chỉ vì mâu thuẫn tình cảm. Câu chuyện phía sau một tình yêu không thành đã không còn mới nhưng hành động trả thù tình đến đáng sợ như vậy khiến ta đặt ra câu hỏi: Giới trẻ nên yêu bằng cảm xúc hay lý trí?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gioi-tre-can-binh-tinh-va-tran-trong-ban-than-193199.html