Nhức nhối hàng Trung Quốc đang "đội lốt" hàng Việt Nam: Từ Asanzo đến Sunhouse

26/06/2019 10:59

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, câu chuyện sản phẩm gia dụng của Asanzo bị "tố" hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã khiến dư luận “dậy sóng” và nhiều người tiêu dùng có lý do để lo ngại về thương hiệu hàng Việt khi bị các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng. Câu chuyện của Asanzo không phải là duy nhất bởi trên thị trường vẫn còn nhiều thương hiệu bán ra thị trường đang "mập mờ" về nguồn gốc, xuất xứ.

Sự việc của Asanzo đang khiến cộng đồng bức xúc, Thủ tường chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo, không phải là hãn hữu, bởi tình trạng hàng hóa Trung Quốc được “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam đã bị cơ quan chức năng phát hiện khá nhiều.

Điển hình như năm 2017, vụ việc của thương hiệu Khaisilk - doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50.

Shark Tam thừa nhận Asanzo không phải hàng Việt


Theo Cổng thông tin Quốc gia đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Asanzo được thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Đây là đơn vị kinh doanh chính của thương hiệu Asanzo. Hiện nay, Asanzo đã nằm ở top 3 thị trường điện tử Việt Nam.

Asanzo Việt Nam được cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" năm 2017, ngành hàng điện tử gia dụng. Trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Chính vì vậy, nhiều năm qua người tiêu dùng Việt Nam đều tin Asanzo là hàng Việt thật. 

Chủ đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Văn Tam, góp vốn 90 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ sở hữu 90%). 10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác.

Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc. Năm 2018, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra. Riêng dòng sản phẩm chủ lực là tivi, Asanzo chiếm tới 15% thị phần tivi Việt.

Trên website chính thức có thể thấy, Asanzo tập trung vào các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như tivi, điện thoại, tủ đông lạnh máy điều hòa, quạt làm mát không khí...

Quả thực, đối với một doanh nghiệp, kinh doanh đa dạng các mặt hàng mà theo như công bố có "xuất xứ Việt Nam" như Asanzo là một điều khá hiếm.

Một số sản phẩm Asanzo đang bán tại Việt Nam

Ngoài ra, giá cả của các mặt hàng này cũng vô cùng đa dạng, từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của Asanzo trong thời gian gần đây.

Mới đây, khi sự việc được phanh phui dần, Shark Tam mới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc. Thậm chí ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp.

Shark Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Giả dụ nếu như không có truyền thông đưa tin mấy ngày qua thì liệu đến bao giờ Asanzo mới thông báo cho người tiêu dùng biết rằng sản phẩm của mình có tới 70% đến 80% nhập khẩu từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc?

Tình trạng nhập nhèm xuất xứ hàng hóa đã gây tâm lý không tốt cho khách hàng. Có lẽ điều người tiêu dùng mong mỏi hiện nay nhất chính là các doanh nghiệp hãy giữ chữ tín, trung thực để quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.

Phản ứng của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, trong ngày 23/6, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã cho biết, Asanzo được người tiêu dùng bình chọn ở ngành Điện tử gia dụng, và chỉ có 2 sản phẩm được chứng nhận HVNCLC là: Tivi và Thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất). Các sản phẩm khác của Asanzo thuộc ngành máy móc gia dụng không được người tiêu dùng bình chọn.

Sunhouse của Shark Phú cũng trong tầm ngắm?

Website của Sunhouse.

Sunhouse là doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng tự nhận mình là cánh chim đầu đàn của Việt Nam, tuy nhiên nhiều sản phẩm của Công ty Cổ phần tập đoàn Sunhouse có xuất xứ đến từ Trung Quốc.

Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE tiền thân là Công ty TNHH Phú Thắng được thành lập ngày 22/5/2000. Năm 2010, Sunhouse chính thực được lấy tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng (hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng…).

Trên website chính thức của công ty, Sunhouse khẳng định tất cả các bộ sản phẩm của mình đều được chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng dây chuyền công nghệ tân tiến hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia…

Sunhouse của Shark Phú từng nhận vô vàn danh hiệu mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng ao ước như "Thương hiệu quốc gia 2018", "Thương hiệu mạnh Việt Nam", Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018", “Tin & Dùng Việt Nam năm 2018”....

Xuất xứ Trung Quốc nhưng sản phẩm được kiểm soát chất lượng bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc.

Phải chăng bí quyết thành công của Sunhouse là vẫn ghi rõ “Sản xuất tại Trung Quốc” nhưng dán nhãn "Thương hiệu hàng đầu đến từ Hàn Quốc" là coi như phù phép cho sản phẩm lên một tầm cỡ khác?

Sang trọng hơn, Sunhouse ghi thêm cho khách hàng yên tâm: "Sản phẩm được kiểm soát chất lượng bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc".

Câu hỏi được đặt ra chính là sản phẩm thương hiệu Sunhouse sản xuất tại Trung Quốc hiện nay được giám sát ra sao? Những chuyên gia nào của Sunhouse Hàn Quốc đang làm công việc kiểm soát chất lượng này? Đặc biệt, bên trong nhà máy của Shark Phú hiện đang sản xuất những sản phẩm gì?...

Theo tìm hiểu, sau khi sản phẩm Asanzo được vạch trần "hàng Việt, ruột Trung Quốc", cộng đồng người tiêu dùng cũng đang hướng đến cảnh giác với các sản phẩm tương tự, trong đó, có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những tội nào là tội phạm nguồn của tội rửa tiền?

Theo Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền vừa được HĐTP TANDTC ban hành mới đây, có hiệu lực từ ngày 07/7/2019, thì tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền.

Nguồn: Vnfinance/Hoà Nhập