Những dự án BT nào của Him Lam tại TP Hà Nội dừng triển khai

10/06/2021 16:40

Kinhte&Xahoi Trong dach sách 82 dự án BT bị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông báo dừng triển khai, Công ty CP Him Lam góp mặt ở hai dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Lý do dừng triển khai các Dự án nêu trên do theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Một trong những cái tên đáng chú ý có tên trong danh sách trên đó là Công ty CP Him Lam với hai dự án BT  bị dừng triển khai.

Công ty CP Him Lam là nhà đầu tư của Dự án Vành đai 3,5: Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức BT (Quy mô: Cầu vượt và đảo xoay 3 tầng). Đây là dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.

Một dự án khác của Công ty CP Him Lam cũng bị dừng triển khai thực hiện và chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là Dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng theo hình thức BT (Quy mô: 3km x 20m).

Công ty CP Him Lam được biết đến với các Dự án Bất động sản có quy mô lớn trên cả nước

Công ty CP Him Lam được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương mại Him Lam.

Công ty CP Him Lam được biết đến nhiều ở lĩnh vực bất động sản, kinh doanh địa ốc khi đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới… trên cả nước.

Hiện tại, Công ty CP Him Lam đã mở rộng với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giáo trí, sân golf…

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, năm 2020, Tập thể lãnh đạo UBND TP đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP của thành phố, theo đó UBND TP chỉ đạo: Đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.

Năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn Thành phố, theo đó Ban Cán sự Đảng UBND TP có ý kiến: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, thông báo cho các nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát từng dự án cụ thể, tham mưu đề xuất UBND TP xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định…

Hà Nội từng dự kiến dùng 320ha đất đối ứng cho dự án BT

Đối với Dự án Vành đai 3,5: Xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long theo hình thức BT (Quy mô: Cầu vượt và đảo xoay 3 tầng).

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đây là dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.

Nút giao đường vành đai 3.5 ra đại lộ Thăng Long. Ảnh Báo Giao thông

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 – đại lộ Thăng Long theo hình thức BT.

Dự án nút giao gồm các hạng mục: Hầm chui trực thông với chiều dài hầm là 1.000m, 4 làn xe theo hướng đường Lê Trọng Tấn đi Quốc lộ 32, tim tuyến trùng với tim đường Lê Trọng Tấn.

Phía Quốc lộ 32 bố trí hầm hở dài 260m và tường chắn dài 165m. Phía đường Lê Trọng Tấn bố trí hầm hở dài 263m và tường chắn dài 165m, đoạn đi dưới Đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín với chiều dài 147m.

Cầu nhánh tua bin sử dụng dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực, 2 làn xe, bề rộng cầu 8,8m. Bốn nhánh có chiều dài tổng cộng là 2.288m.

Nhà đâu tư được thanh toán bằng quỹ đất khoảng 320 ha nằm trong quy hoạch phân khu đô thị N10, thuộc địa bàn các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Thượng Thanh, Đức Giang, Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Phúc Đồng, Cự Khối, Sài Đồng, Thạch Bàn, Phúc Lợi thuộc quận Long Biên và xã Cổ Bi, Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Phân khu đô thị N10 có phía Tây Nam giáp tuyến đường đê sông Hồng và hành lang thoát lũ; phía Bắc và Đông Bắc giáp tuyến đường đê sông Đuống; phía Đông Nam giáp đường vành đai 3; phía Tây giáp tuyên đê sông Hồng.

Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư

Đối với Dự án Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng theo hình thức BT (Quy mô: 3km x 20m). Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đây là dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) từng đề xuất dự án có tổng chiều dài khoảng 5,5km. Ảnh: Vietnamnet.vn

Năm 2017, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội từng thông tin về dự án cầu/hầm Trần Hưng Đạo.

Theo quy hoạch, dự án này có quy mô dài 3km, rộng 20m và có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP, BT.

Tại thời điểm đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết thành phố đang xem xét 2 phương án xây dựng cầu hoặc hầm Trần Hưng Đạo qua sông Hồng.

Còn về nguồn ngân sách xây dựng, thời gian khởi công, dự kiến hoàn thành và phương án thi công thiết kế không có cơ quan nào của Hà Nội thông tin cụ thể.

Cầu Trần Hưng Đạo từng được kỳ vọng sau khi xây dựng xong sẽ góp phần giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông giữa 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên, vốn trước đây chỉ có 2 cây cầu chính đảm nhiệm là cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy.

Theo thông tin từ Báo Giao Thông, Đơn vị nghiên cứu dự án - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) từng đề xuất dự án có tổng chiều dài khoảng 5,5km, gồm: Cầu, đường dẫn và nút giao 2 đầu công trình, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tịch thu 630m3 cát bồi nền

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận siết chặt công tác quản lý về mua bán, khai thác khoáng sản trái phép.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/nhung-du-an-bt-nao-cua-him-lam-tai-tp-ha-noi-dung-trien-khai-d157902.html