Những giấy tờ cần cập nhật khi chuyển sang dùng căn cước công dân gắn chíp

08/04/2021 11:07

Kinhte&Xahoi Có một số băn khoăn của người dân về việc đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp sẽ gặp một số bất tiện khi phải đi thay đổi - cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan như thông tin tại ngân hàng, hộ chiếu, thuế thu nhập cá nhân, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm xã hội…

Người dân làm căn cước công dân gắn chíp.

Giải đáp vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, người dân không nên quá lo lắng, bởi việc thay đổi trên đều đã có hướng dẫn cụ thể.

Cụ thể như việc cập nhật các thông tin tài khoản ngân hàng khi thực hiện các giao dịch, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn... Để tránh gặp phiền phức khi đến ngân hàng làm việc đều phải mang giấy xác nhận chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân đã cắt góc, người dân nên tiến hành cập nhật ngay thông tin về căn cước công dân mới của mình.

“Các ngân hàng đều có hướng dẫn thủ tục cập nhật thông tin khá đơn giản, công dân mang theo giấy xác nhận số chứng minh nhân dân 9 số hoặc chứng minh nhân dân đã cắt góc, thẻ căn cước công dân mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản, điền tờ khai là sẽ được giải quyết”, luật sư Hoàng Tùng nói.

Bộ Công an cũng đã hướng dẫn, người đang sử dụng chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch khi đổi qua căn cước công dân gắn chíp thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật do việc đổi sang căn cước công dân gắn chíp không làm thay đổi số định danh của cá nhân (trừ trường hợp trước đó có đổi từ chứng minh nhân dân 9 số qua chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).

Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, việc sửa đổi thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số chứng minh nhân dân được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA. Ngay sau khi được cấp căn cước công dân và giấy xác nhận chứng minh nhân dân cũ, người dân cần đi sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu để tránh bị hải quan các nước làm khó đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh nếu thấy thông tin trên căn cước công dân và hộ chiếu không khớp nhau.

Nếu muốn sửa thông tin sổ bảo hiểm xã hội, theo Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ bảo hiểm xã hội và chứng minh nhân dân, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Số chứng minh nhân dân hay số căn cước công dân là một trong những giải pháp quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Còn với những thông tin cần thay đổi trong mã số thuế hoặc sổ đỏ, luật sư Hoàng Tùng hướng dẫn, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (chứng minh nhân dân, căn cước công dân...) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Với cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân không thuộc trường hợp bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Vì thế, người dân có thể thông báo hoặc không thông báo với cơ quan thuế khi đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chíp.

“Còn theo khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định, thay đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không bắt buộc. Người dân cũng nên cập nhật số căn cước công dân mới trên sổ đỏ, sẽ tránh những phiền phức phải khởi kiện việc chậm giải quyết thủ tục liên quan đến cho nhận, thừa kế tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Công an thành phố Hà Nội cho biết, người dân được tạo mọi điều kiện khi đi làm căn cước công dân đều được cấp giấy chứng nhận số định danh trên căn cước công dân mới của mình với chứng minh nhân dân hoặc chứng minh nhân dân đã cắt góc là một, để thuận tiện cho các giao dịch với ngân hàng, bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế…

 Chu Dũng - Theo Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Người tâm thần” liên tiếp gây trọng án: Cần “siết” hơn nữa công tác giám định pháp y tâm thần

Tội phạm thường dùng hồ sơ tâm thần để làm “kim bài” thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Do đó, việc giám định pháp y tâm thần cực kỳ quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/995775/nhung-giay-to-can-cap-nhat-khi-chuyen-sang-dung-can-cuoc-cong-dan-gan-chip