Những giọt nước mắt rơi rơi trong phiên tòa xét xử gian lận điểm thi ở Hòa Bình

14/05/2020 11:22

Kinhte&Xahoi Những giọt nước mắt rơi rơi, muộn màng trong niềm ân hận, tủi hổ của một số bị cáo từng là giáo viên môn Ngữ văn khiến nhiều người không khỏi xót xa...

Vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình xảy ra từ tháng 7/2018 đã gây bất bình cho dư luận khi có hàng trăm thí sinh được nâng điểm trắng trợn.

Gần hai năm trời trôi qua, những nhà giáo đã tham gia vào các đường dây nâng khống điểm này có người đã được đem ra xét xử thành án, có người đang đứng trước vành móng ngựa…

Người hưởng lợi từ việc nâng điểm đứng trước vành móng ngựa đã đành, những người bị chỉ đạo bắt buộc nâng điểm cho thí sinh giờ đây cũng đang phải đứng trước tòa.

Những giọt nước mắt rơi rơi, muộn màng trong niềm ân hận, tủi hổ của một số bị cáo từng là giáo viên môn Ngữ văn khiến nhiều người không khỏi xót xa...

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan đã khóc tại phiên tòa (Ảnh: Báo VnExpress)

Giám khảo tố bị ép nâng điểm, ký khống bài

Vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 ở Hòa Bình đã có 64 thí sinh được sửa điểm. Người được xác định là vai trò chủ mưu là ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình.

Ngoài ông Vinh ra thì vụ án này còn có 14 bị cáo khác cũng đang được đem ra xét xử. Trong số này, chúng tôi cứ mãi ám ảnh về những bị cáo nguyên là giáo viên Ngữ văn của một số nhà trường.

Bởi, đây là môn thi tự luận duy nhất nên nó liên quan, ríc rắc đến nhiều người, trong đó trực tiếp là những giám khảo chấm bài được điều động từ các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trước tòa, một số bị cáo nguyên là giám khảo môn Ngữ Văn của kỳ thi năm 2018 ở Hòa Bình đã tố là mình bị cấp trên ép buộc phải nâng điểm, thậm chí là ký khống bài thi.

Nhiều người trong số họ không muốn nâng điểm khống cho những thí sinh đã được cấp trên của mình đưa nhưng rồi phải miễn cưỡng thực hiện, thậm chí có giám khảo còn bị giả chữ ký…

Bây giờ trước tòa, có người trong số họ đã khóc tức tưởi- những giọt nước mắt muộn màng, tủi hổ và không dễ thanh minh trong lúc này. Khi mọi thứ còn lưu lại là giấy trắng, mực đen.

Điều trớ trêu hơn cả là những người trực tiếp chỉ đạo nâng điểm thì họ lại phủ nhận việc mà các cựu giáo viên khai trước tòa là đã bị mình ép buộc.

Suy cho cùng, tất cả đều là chỉ đạo miệng nên các bị cáo đã từng dùng quyền uy của mình để chỉ đạo những cựu giáo viên nâng điểm thì giờ đây đứng trước tòa họ cũng sẵn sàng chối bay, chối biến chứ dại gì mà lại nhận tội cho mình.

Bởi, những lời chỉ đạo bằng miệng ấy bây giờ cũng rất khó để làm vật chứngtrước tòa nhưng những bài thi thì chữ ký vẫn còn lưu lại rõ ràng.

Những giọt nước mắt, lời xin lỗi trong phiên tòa…

Thực ra, khi đã mang thân phận bị cáo của vụ án gian lận điểm thi thì những người này dù là lãnh đạo Sở hay những giáo viên ở các trường Trung học phổ thông đều đáng trách.

Nhất là nhóm giáo viên có tác động để nâng điểm lại là những giáo viên Ngữ văn- những người đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục cho học trò về nhân cách, đạo đức.

Vậy nên, dù đồng tình, cả nể hay miễn cưỡng nâng điểm cho một số thí sinh cũng là điều phạm pháp và đáng trách vô cùng.

Bởi thí sinh này được nâng điểm sẽ mở ra một cơ hội mới để vào những trường đại học lớn, uy tín. Nhưng, những thí sinh không được nâng điểm sẽ mất đi những cơ hội cho mình.

Nhất là họ đã góp phần để làm cho kỳ thi tiêu cực, làm xói mòn lòng tin của xã hội vào người thầy. Công sức của ngành Giáo dục trong kỳ thi năm 2018 bị những nhà giáo này đổ sông đổ biển và vết nhơ này còn ám ảnh mãi về sau.

Vì thế, tại phiên xét xử thì  bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan đã khóc nức nở trước tòa nên chủ tọa đã cho về chỗ ngồi, xét hỏi sau;

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung thì liên tục xin lỗi và cho rằng động cơ của hành động của mình chỉ là nể nang vì Diệp Thị Hồng Liên là cấp trên…

Một bài học cảnh tỉnh cho nhiều người

Thực tế cho thấy khi giáo viên được điều động để làm giám khảo các kỳ thi tập trung là áp lực vô cùng.

Một ngày chấm thi không được bao nhiêu tiền nhưng nếu gặp phải trường hợp như những giám khảo đang đứng trước tòa ở Hòa Bình thì không dễ dàng để có những phương án xử lý phù hợp.

Đa số giáo viên cùng môn trong địa bàn thường có những quen biết nhau nhất định bởi có thể họ gần nhà nhau và cho dù khác địa bàn thì việc sinh hoạt hội đồng bộ môn hay tập huấn, chấm thi nhiều lần thì cơ bản vẫn biết nhau.

Nhất là những giám khảo được phân công làm tổ trưởng các nhóm chấm thi phần lớn phải là từ tổ trưởng chuyên môn của các nhà trường trở lên nên sự quan biết với lãnh đạo là rất lớn.

Trong tổ chấm thi thì các giám khảo trực tiếp chấm phải tuân lệnh tổ trưởng, tổ phó mà chấm thi thì diễn ra nhiều ngày nên sự cả nể nhau khi được nhờ vả là có thể xảy ra.

Sự nhờ vả nâng điểm cho em này, em kia kèm theo vài lời chấn an, vài lời đe nạt em đó là con người này, người kia và đã được chỉ đạo thì giám khảo chấm khó có thể chối từ lời đề nghị.

Vậy nên, mới có chuyện những giám khảo đang phải đứng trước tòa như một số giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở Hòa Bình năm 2018. Chúng tôi tin, trong số họ, có người chẳng được hưởng lợi ích gì từ việc nâng điểm này.

Nhưng, họ đã mất gần như tất cả. Họ đã và đang bị tạm giam và có thể còn tiếp tục bị thụ án tù. Công danh, sự nghiệp gần như đã trắng tay, con nhỏ dại thiếu bàn tay kèm cặp của người mẹ…

Và, khi mãn hạn tù trở về với cuộc sống đời thường thì vết đen này có thể còn theo đuổi họ cho hết quãng đời còn lại bởi uy tín, danh dự của những nhà giáo đã bị mai một dần qua thời gian.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Giáo dục/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/nhung-giot-nuoc-mat-roi-roi-trong-phien-toa-xet-xu-gian-lan-diem-thi-o-hoa-binh-d124410.html