Những kỹ năng cần biết, tránh rủi ro bỏ quên trẻ em trên ô tô

31/05/2024 13:12

Kinhte&Xahoi Vụ việc một học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón tại Thái Bình tiếp tục dấy lên lo ngại về sự an toàn của trẻ em trên ô tô. Phụ huynh nên trang bị những kỹ năng cần thiết để hạn chế tối đa mọi rủi ro.

Nhiều phụ huynh tại Việt Nam chưa có thói quen hướng dẫn con cái sử dụng ô tô một cách an toàn. Ảnh: Pexel

Đối với người lớn

Theo các chuyên gia của tổ chức phi lợi nhuận Nemours, để tránh quên trẻ em trong xe, có thể chia làm ba giai đoạn.

Trước khi vào xe, người lớn có thể đặt thứ gì đó ở ghế trước, ví dụ như gấu bông, để nhắc nhở mình nếu trẻ em thường ngồi sau xe. Cách thứ hai, tốt hơn nữa, là để một thứ luôn bên mình ở cùng đứa trẻ, như chìa khóa nhà, điện thoại hay ví tiền. Những phương pháp có vẻ thô sơ này thực tế lại là biện pháp nhắc nhở khá hiệu quả.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng có thể đặt hẹn trước với nơi đến, ví dụ như báo với giáo viên về việc chuẩn bị đưa con tới trường, để họ chủ động nhắc nhở nếu không thấy trẻ xuất hiện đúng giờ.

Người lớn có thể cân nhắc để các vật dụng quan trọng cạnh trẻ em mỗi khi lên xe để tự nhắc nhở bản thân. Ảnh: Shutterstock

Khi đã vào trong xe, hãy tăng cường trò chuyện với trẻ và không nên sử dụng điện thoại, tránh bị phân tâm có thể dẫn tới quên lãng. Cần tập thói quen kiểm tra hàng ghế sau mỗi lần chuẩn bị rời xe, không chỉ để đảm bảo mình không quên trẻ em, mà còn tránh quên những đồ đạc quan trọng.

Một số dòng ô tô hiện đại có hệ thống cảnh báo trẻ em còn ngồi trên ghế sau, rất hữu dụng. Nếu tài chính cho phép, hãy chọn các phiên bản xe có công nghệ này. Ngoài ra, người lớn có thể xem xét sử dụng thêm các phụ kiện thông minh khác với chức năng tương tự.

Với lái xe trường học, cần có sự tương tác và quy trình giám sát nghiêm ngặt, hợp lý nhằm đảm bảo số lượng học sinh lên và xuống xe. Việc kiểm tra xe cần trở thành một thói quen thường xuyên, thậm chí có thể đưa vào quy trình vận hành thường nhật.

Một chi tiết đáng lưu ý nữa là người lớn nên cố gắng đảm bảo trẻ em luôn ngủ đủ giấc để tránh trường hợp ngủ quên. Với trẻ đủ lớn, hãy dạy trẻ cách sử dụng điện thoại trong những trường hợp khẩn cấp.

Một số dòng ô tô có thể nhắc nhở trẻ em vẫn đang ngồi phía sau mỗi khi người lớn rời xe. Ảnh: 12News

Đối với trẻ em

Theo USA Today, điều quan trọng nhất phụ huynh cần cho trẻ biết là việc ở lại trên xe khi xe đã dừng hoạt động và bị đóng kín là rất nguy hiểm, có thể gây chết người nhanh chóng vì ngạt khí và nhiệt độ tăng. Chỉ khi trẻ nhận thức trên xe kín và không hoạt động là nguy hiểm, trẻ mới tự giác bảo vệ chính mình.

Thứ đến, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trẻ em có thể giữ bình tĩnh. Điều này thường khó có thể chỉ bảo trong một thời gian ngắn, mà cần một quá trình huấn luyện dài hơn, ví dụ như các trò chơi mô phỏng "trốn thoát" khỏi chiếc xe bị khóa. Không bị hoảng loạn cũng rất có ích trong việc kéo dài thời gian, bởi la hét, khóc lóc khi tâm lý hoảng loạn sẽ gây mất sức đáng kể.

Theo NHTSA (Cơ quan An toàn giao thông cao tốc Mỹ), nếu nhiệt độ ngoài trời ở mức 25-30 độ C, nhiệt độ trong xe có thể gây tử vong cho trẻ chỉ sau 10 phút dù kính cửa sổ hạ thấp 5cm. Thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3-5 lần so với người lớn, nên sốc nhiệt dễ xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C, có thể dẫn đến tử vong nếu đạt gần 42 độ C. Như vậy, bình tĩnh và ứng biến nhanh chóng, chắc chắn giúp trẻ có nhiều cơ hội thoát nạn.

Về kỹ năng, việc đầu tiên trẻ em nên làm đó là phát cảnh báo cho người lớn bằng cách bấm còi và đèn cảnh báo. Một lưu ý là hiện nay, hầu hết các xe đều được dán kính đen cửa sổ, nên vị trí hiệu quả nhất cho việc cầu cứu là ở kính lái.

Huấn luyện trẻ em sử dụng còi ô tô tại trung tâm chăm sóc trẻ em Musashino (Saitama, Nhật Bản). Ảnh: Mainichi

Trường hợp đã thử mọi cách nhưng không thể mở được các cửa, hãy nghĩ tới việc tìm búa thoát hiểm gắn ở trên hông xe và đập kính. Khi đập kính, hãy lấy ba lô hoặc áo để che phần mặt lại, tránh bị kính bắn vào mắt.

Khi đã phá vỡ được kính, hãy cố gắng gọi người bên ngoài ứng cứu, nhưng không trèo qua cửa sổ vì các mảnh vỡ cửa kính có thể gây thương tích.

Với xe cá nhân, để các thao tác trên đạt hiệu quả cao nhất, người lớn nên tìm hiểu kỹ chiếc xe, đặc biệt cần tham khảo tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Ngoài ra, cần hướng dẫn trẻ em tìm nước và thức ăn trên xe để giữ cho bản thân không bị mất sức nếu bị "giam cầm" quá lâu.

Làm gì nếu phát hiện trẻ em bị bỏ quên trong xe?

Nếu nhìn thấy trẻ em ngồi một mình trong xe, bạn nên dành sự quan tâm cần thiết, cảnh báo cho người xung quanh hoặc cơ quan chức năng để tìm lái xe. Nếu xe không khóa, hãy hé cửa để không khí lưu thông, nhất là nếu trời đang nắng nóng.

Trong trường hợp đứa trẻ có dấu hiệu mệt mỏi nghiêm trọng hoặc không còn cử động, cần nhanh chóng gọi hỗ trợ y tế. Với các xe đang khóa, có thể cân nhắc các biện pháp mạnh tay để đảm bảo tính mạng đứa trẻ không bị đe dọa.

Hoàng Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nhung-ky-nang-can-biet-tranh-rui-ro-bo-quen-tre-em-tren-o-to-667964.html