Những nghĩa cử cao đẹp

02/04/2020 14:43

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tầm quan trọng của "sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân" cũng như sự phối hợp hành động quốc tế nhằm bảo đảm thắng lợi cuối cùng.

Trân trọng nguồn lực quốc tế

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của bạn bè trên khắp thế giới trong đối phó với đại dịch. Với mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Nhật Bản là một trong những quốc gia có sự phối hợp, hỗ trợ Việt Nam từ rất sớm. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã cung cấp cho Việt Nam gói viện trợ sinh phẩm trị giá 125.300 USD cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và trị giá 35.780 USD cho Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh... Mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ít nhất 200 triệu yên Nhật thông qua các tổ chức quốc tế để ứng phó với dịch Covid-19.

Trong thông cáo báo chí ngày 27-3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Mỹ sẽ chi 274 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu USD để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi, hỗ trợ chuyên gia trong việc ứng phó, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm… Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cũng đã tập huấn cho 15 bệnh viện ở Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo tại 63 tỉnh thành trên cả nước về giám sát, báo cáo, thu thập mẫu bệnh phẩm liên quan tới Covid-19.

Đánh giá cao các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa cũng khẳng định, ADB sẵn sàng hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách để giúp Việt Nam chặn đứng sự lây lan của dịch Covid-19.

Kiều bào chung tay cùng cả nước

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc và Hội Chuyên gia - Trí thức Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều hình thức huy động sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại xứ Kim chi; trao tặng hàng ngàn chiếc khẩu trang và nhiều vật dụng thiết yếu cho các khu cách ly ở Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

Khi ổ dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bùng phát, với thông điệp “Cho đi là còn mãi”, Hội đồng hương Vĩnh Phúc, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Czech, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã kêu gọi bà con kiều bào hỗ trợ người dân tại đây. Đông đảo kiều bào ta đã tham gia hưởng ứng chương trình, quyên góp khẩu trang y tế, găng tay, quần áo chuyên dụng cho các bác sĩ, máy đo thân nhiệt cùng nhiều dụng cụ y tế khác…

Cảm động khi đất nước dù khó khăn vẫn dang tay đón hàng nghìn người con từ khắp nơi trở về quê hương, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã trao tặng tỉnh Hà Tĩnh số tiền 1 tỷ đồng, đồng thời giao toàn bộ cơ sở vật chất trường dạy nghề do ông làm chủ ở Vũng Tàu cho chính quyền địa phương để làm khu cách ly. Ngoài ra, ông cũng tặng 200 triệu đồng để ủng hộ công tác chống dịch ở Khu cách ly Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Với tinh thần sẵn sàng khi Tổ quốc gọi, ông Phạm Minh Nam - Chủ tịch Tập đoàn New World Fashion Group (trụ sở tại London), Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh đã trao tặng 1 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Còn bà Trương Thị Thu Hương (Việt kiều tại Trung Quốc) ủng hộ 1 tỷ đồng; gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hồng (Việt kiều tại Đức) gửi tặng 12 hệ thống thiết lập phòng cách ly áp suất âm của Deconta hay bà Lê Thương (kiều bào tại Nhật Bản) trao tặng 2.000 khẩu trang y tế…

Tiếng gọi quê hương cũng là động lực chính thôi thúc Giáo sư Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Metran, đơn vị chuyên sản xuất máy trợ thở quyết định chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất thiết bị hiện đang rất khan hiếm này cho Việt Nam. Ông đã từ chối rất nhiều đơn đặt hàng từ các quốc gia khác để tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất khoảng 2.000 máy trợ thở với giá gần như tặng cho Việt Nam. “Tôi không thể bàng quan ngồi nhìn đại dịch tới được. Tôi muốn dành riêng những điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam”, Giáo sư Trần Ngọc Phúc chia sẻ.

Trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh, dù gặp không ít thách thức, nhưng Việt Nam tri ân và tự hào trước sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế và bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Những nghĩa cử cao đẹp này là niềm khích lệ lớn lao, đồng thời cũng thể hiện một niềm tin tuyệt đối vào các nỗ lực ứng phó với đại dịch của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, sự đồng lòng, góp sức của người Việt khắp năm châu đã khẳng định tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người con mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về quê hương với tình nghĩa sâu nặng. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”. Tinh thần cao quý ấy sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để toàn dân tộc Việt Nam cùng nhau vượt qua mọi khó khăn và giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với đại dịch Covid-19.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/963100/nhung-nghia-cu-cao-dep