Nỗ lực cải cách vì nền hành chính phục vụ

03/04/2023 18:26

Kinhte&Xahoi Chỉ trong quý I/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành 9 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ (công bố danh mục 203 thủ tục hành chính, bãi bỏ 124 thủ tục hành chính). Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của thành phố trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với tinh thần đó, công tác cải cách hành chính tại các địa phương cũng đã chuyển biến tích cực.

Chuyển biến tích cực

 Theo Báo cáo số 91/BC-UBND của UBND thành phố Hà Nội về kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính quý I-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng số hồ sơ tiếp nhận toàn thành phố 765.619 hồ sơ; Trong đó, đã giải quyết 739.630 hồ sơ; giải quyết trước hạn, đúng hạn 738.004 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,7%; Giải quyết quá hạn 1.626 hồ sơ, tỷ lệ 0,3%. Số hồ sơ đang giải quyết là 25.989 hồ sơ.

Người dân đến làm thủ tục tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Tại thành phố Hà Nội, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn tại bộ phận “một cửa” bảo đảm đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế, không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận “một cửa”.

Trong quý I/2023, UBND thành phố đã ban hành 6 quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực: Du lịch, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương…

Từ nay đến cuối năm 2023, thành phố tổ chức, triển khai các nhiệm vụ: Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn thành phố năm 2023; Tập trung hướng dẫn số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính tới UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; Tích hợp kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu với kho dữ liệu tập trung thành phố để việc số hóa được tiến hành trên thực tế…

Từ thành phố đến địa phương

 Sau hai năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan ngang sở, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, công tác cải cách hành chính của đơn vị đã có sự cải thiện rõ nét, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố.

Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 ghi nhận sự vươn lên của nhiều đơn vị. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lần đầu tiên đứng đầu khối sở và các cơ quan ngang sở với 91,68% điểm. Ðứng thứ hai là Sở Nội vụ với 91,59% điểm; Thứ ba là Sở Tài chính với 90,57% điểm. Quận Hoàn Kiếm vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng của khối các quận, huyện, thị xã với kết quả đạt 96,08% điểm. Ðứng thứ hai là quận Nam Từ Liêm với 95,39% điểm và đứng thứ ba là quận Long Biên với 94,46% điểm.

Tấm biển 10 quy tắc giao tiếp với công dân được treo tại bộ phận một cửa UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng cả hai khối sở, ngành và các quận, huyện ở cả điểm thẩm định cũng như điểm điều tra xã hội học thể hiện sự nỗ lực, tiến bộ của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện chất lượng công tác cải cách hành chính, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Cụ thể, ở khối sở, kết quả trung bình năm 2022 là 85,73%, tăng 3,78% so với năm 2021. Tại khối huyện, kết quả trung bình năm 2022 là 92,75%, tăng 2,2% so với năm trước.

Ðáng chú ý, theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, nhiều trục nội dung có chỉ số cải cách hành chính trung bình năm 2022 tăng so với năm trước, trong đó khối sở có 4/8 nội dung, khối huyện có 5/8 nội dung. Có ba trục nội dung ghi nhận tăng đều ở cả hai khối bao gồm công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số có sự cải thiện đáng kể do thành phố đã triển khai thành công thí điểm thực hiện Ðề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số; Hoàn thành kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử.

Việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành thành phố Hà Nội là một bước đột phá trong chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng, góp phần tạo sự chỉ đạo tập trung, xuyên suốt từ thành phố xuống tới cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả

 Dù ghi nhận những chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính, song qua quá trình chấm điểm, đánh giá các đơn vị, Hội đồng thẩm định thành phố đánh giá còn một số sở, cơ quan tương đương và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chưa thực hiện tốt việc tự đánh giá, chấm điểm, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu kiểm chứng, số liệu đánh giá chưa đúng thực trạng tại đơn vị. Ðiều đó cho thấy một số sở, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai các hoạt động theo dõi, đánh giá chỉ số cải cách hành chính để có những quyết sách kịp thời trong quá trình triển khai.

Cá biệt vẫn còn có những trục nội dung về cải cách hành chính cho kết quả giảm so với năm 2021. Theo đó, khối sở có 4/8 nội dung và khối huyện có 3/8 nội dung có kết quả giảm. Hai nội dung đều có kết quả giảm ở cả khối sở và khối huyện là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tác động cải cách hành chính đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Cụ thể, trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt nội dung về công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến hồ sơ chậm, muộn và thư xin lỗi chưa được thực hiện nghiêm túc. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử có tiến bộ nhưng kết quả thấp so với trung bình chung; Nhiều sáng kiến, mô hình mới dừng ở ý tưởng hoặc thí điểm phạm vi hẹp, chưa nhân rộng…

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, từ kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính, các đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận lại và tiếp tục cố gắng để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới. Ðồng chí đề nghị các cán bộ, công chức của thành phố cần nêu cao văn hóa ứng xử trong xử lý, tiếp nhận công việc, thông báo rõ lộ trình, thời gian xử lý, kể cả khi chưa hoàn thành cũng cần phải thông tin cho người dân, doanh nghiệp được biết. Mỗi cán bộ, công chức nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, thái độ phục vụ để hoàn thiện tốt hơn công việc của mình, góp phần tăng chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Bằng các kỹ năng, nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc, giúp nhiều người dân thoát khỏi “bẫy” lừa đảo.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/no-luc-cai-cach-vi-nen-hanh-chinh-phuc-vu-220976.html