Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có thể lập hãng bay chở hàng sau khi hàng không phục hồi

19/07/2021 11:40

Kinhte&Xahoi Công ty Cổ phần IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất tâm huyết với việc mở hãng bay vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo

Theo nguồn tin của phóng viên, chiều 18/7, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá tình hình của các hãng hàng không Việt Nam và tình hình thị trường vận tải hàng không (cả hàng hóa).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ngày 15/7, lãnh đạo Bộ này đã chủ trì buổi làm việc với các hãng hàng không Viẹt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines), Công ty Cổ phần IPP Air Cargo để tiếp tục đánh giá tình hình của các hãng hàng không Việt Nam và tình hình thị trường vận tải hàng không (cả hàng hóa) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tại cuộc họp, đại diện các hãng hàng không Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất cho rằng tình hình của các hãng bay hiện nay là hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây nên.

Các hãng hàng không Việt Nam đều phải cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu nhằm duy trì sự tồn tại (tránh phá sản). Trong đó có việc tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa (vận chuyển dưới bụng tàu bay, trên khoang hành khách và hoán đổi một số tàu bay sang chở hàng).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, vì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do Bộ Giao thông Vận tải cấp cho các hãng hàng không đều có chức năng vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không (đối tượng vận chuyển bao gồm: Hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi) và trong bối cảnh thị trường vận tải hành khách bị thu hẹp do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên các hãng đều sẵn sàng sử dụng đội tàu bay của mình để vận chuyển hàng hóa.

Trong trường hợp có những nhu cầu đặc biệt, các hãng hàng không hiện nay hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc thuê tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa.

Về việc thành lập hãng hàng không mới, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định của pháp luật, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia thị trường kinh doanh vận tải hàng không.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn của thị trường hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thành lập hãng hàng không mới (bao gồm cả việc thành lập mới hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa) là chưa phù hợp.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Trước đó, ngày 14/7, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đóng góp ý kiến về việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Trong văn bản, UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, thành phố đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã rất quan tâm đến sự định hướng phát triển thành phố, từ năm 2003 đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, có nêu phương hướng, nhiệm vụ phát triển dịch vụ logistics thành phố đến năm 2020 là đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.

Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015, trong đó xác định năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố để phát triển kinh tế gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố được HĐND thành phố thông qua đã nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đánh giá, việc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và Trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại thành phố là rất phù hợp với định hướng phát triển, là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.

Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại TP Đà Nẵng.

Theo đề xuất của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng bay IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Sang năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3 hoạt động.

Trong đó, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Doanh nghiệp của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III/2021, lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý IV/2021 và thực hiện chuyến bay thương mại vào quý II/2022.

Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc với Bộ Giao thông vận tải về việc chỉ xem xét lập hãng bay mới sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022). Tuy nhiên, Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc thành lập một hãng hàng không chuyên chở hàng hoá để giải quyết tình trạng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics.

Theo đánh giá các chuyên gia kinh tế, hiện hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam là do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Trong khi đó, các hãng bay trong nước hiện tại lại chưa khai thác hết, để lãng phí tiềm năng. Trong bối cảnh đó, để tận dụng tối đa tiềm năng đang có, doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất lập hãng hàng không IPP Air Cargo chở hàng hóa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không hàng hóa chuyên biệt được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Thực tế, hàng hóa vận chuyển đường hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trọng lượng hàng vận chuyển quốc tế (chưa đến 0,5%), nhưng lại chiếm khoảng 30% giá trị xuất nhập khẩu cả nước.

Hiện nay, khi vận tải hành khách gặp bất lợi nên các hãng hàng không Việt Nam đã tận dụng vận chuyển hàng hóa bằng bụng tàu bay, trên khoang hành khách và hoán đổi một số tàu bay sang chở hàng, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy cho tình trạng dư thừa máy bay hiện nay của các hãng bay.

"Việc tận dụng máy bay chở khách để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài bởi không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ vận chuyển ở mức rất hạn chế. Như vậy, rõ ràng việc xuất hiện một hãng bay chuyên chở hàng hoá là rất cần thiết lúc này", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP HCM) trả lời báo chí.

Theo vị chuyên gia, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập hãng bay vận chuyển hàng hóa càng sớm càng tốt. Bởi nguồn cung vận tải hàng hóa Việt Nam còn quá thấp mà các hãng bay quốc tế chiếm đa số thị phần.

"Việc hạn chế một hãng hàng không vận tải của Việt Nam là sai lầm, tạo điều kiện cho các hãng hàng không ngoại chiếm lĩnh thị phần hơn nữa", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận.

Cũng theo vị chuyên gia này, dù cơ quan quản lý có chấp nhận thành lập IPP Air Cargo thì hãng hàng không này cũng cần rất nhiều thủ tục để có thể cất cánh, nhanh nhất cũng phải đến năm 2022 mới bắt đầu hoạt động được.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thu giữ trên 3.000 que test Covid-19 không rõ nguồn gốc

Lực lượng cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Quản lý thị trường số 14 phát hiện, thu giữ trên 3.000 que test Covid-19 không rõ nguồn gốc tại hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ong-johnathan-hanh-nguyen-co-the-lap-hang-bay-cho-hang-sau-khi-hang-khong-phuc-hoi-170336.html