Xem nhiều

Chùa Trầm, chùa Trăm Gian mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng

26/09/2024 09:36

Kinhte&Xahoi Chùa Trầm, chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ là cụm di tích cấp quốc gia đan xen nhiều giá trị. Trải qua hàng trăm năm, cụm di tích vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, đặc sắc mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.

Một góc núi Trầm ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Lịch sử hình thành cụm di tích

Chùa Trầm ở núi Tử Trầm và chùa Trăm Gian ở núi Mã Yên của Chương Mỹ là cụm di tích danh thắng được ghi chép trong nhiều sách địa chí xưa. Sách Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung soạn vào triều Nguyễn năm Tự Đức thứ 4 (năm 1852) cũng ghi về núi Tử Trầm (núi Long Châu), huyện Chương Đức như sau: “...Dãy núi nhấp nhô từ Phật tích chạy tới. Phía Tây có 12 ngọn núi đá, bên trong có động đá, thời tiền Lê từng dựng hành cung tại đây và đổi tên thành xã Long Châu. Đây chính là quê nhà của Trâu Canh đời Trần. Người xưa kể rằng: Ông vốn nhà nghèo, người mẹ mở quán nước chè bên cạnh núi. Trên đỉnh núi có tảng đá hình giống con cóc ngồi... Thời Lê Mạt, Thái Trưởng Công chúa dựng cho bà cô của mình là bà họ Đặng một ngôi chùa ở rìa núi gọi là Tĩnh Đường có bài minh khắc trên quả chuông ghi chép lại sự việc...”.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng mô tả về núi Tử Trầm: “... Là mấy ngọn núi đá cao vót nổi lên vùng đất bằng, hồ quanh núi rất tiện cho thuyền bè qua lại nên gọi là núi Long Châu; dưới có hang động, trên có chùa Vô Vi, trước đây vua Lê đã cho xây hành cung”.

Đền thờ Mẫu tại chùa Trầm. Ảnh: Phòng Văn hóa - Thông tin

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi về huyện Chương Đức: Có 9 tổng, 66 xã, thôn. Ở xã Cống Khê có núi Mã Yên, trong vùng còn có núi Cóc mẹ, Cóc con cũng là tài liệu tham khảo. Nếu có điều kiện khảo sát, nghiên cứu từ địa phương, sử liệu tản mạn, chúng ta cũng có thể hệ thống thêm những thông tin hữu ích về cụm di tích chùa ở núi Tử Trầm và chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ.

Sơ lược vài dòng từ địa chí, sử liệu đều cho thấy được vị thế và giá trị tự nhiên của núi Tử Trầm, núi Mã Yên trong địa mạch của Quốc gia Đại Việt nói chung và Kinh đô Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Từ danh sơn này, cổ nhân đã tạo dựng nên những ngôi chùa cổ như: Chùa Vô Vi, chùa Trầm, chùa Quan Âm, chùa Hang (động Long Tiên), chùa Trăm Gian còn tồn tại cho tới ngày nay.

Ngôi chùa có niên đại sớm nhất trong cụm di tích là chùa Vô Vi nằm trên đỉnh núi Trạo trong cụm núi Trầm, tương truyền, chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ X, thời kỳ mà Phật và Đạo cùng song hành. Ba chữ Vô Vi tự (chùa Vô Vi) đã nói lên được triết lý nhân sinh, hệ tư tưởng đương thời để ta liên tưởng đến các Thiền sư nổi tiếng, như: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ trong lịch sử Phật - Đạo Việt Nam.

Chùa Trầm (Long Tiên tự) dựng trên núi Trầm định vị tọa càn hướng tốn (hướng Đông Nam) như để xác định vị trí trung tâm của cụm di tích. Niên đại kiến tạo chùa vào Triều Lê Cảnh Trị (1662 - 1670). Qua mấy lần trùng tu, chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ, đồng thời, việc bảo lưu được nhiều tượng thờ, đồ tế khí, tư liệu hiện vật, ván khắc đã góp phần đưa vị thế của chùa Chính tự trong cụm di tích.

Chùa Trăm Gian được lập từ thời Lý Cao Tông niên hiệu Trinh Phù (1176-1210). Ảnh: Phạm Hoa

Chùa Hang (động Long Tiên) trong lòng núi Trầm có chứng tích niên đại xác định chùa từ triều Lê Chính Hòa. Thạch trụ hương bốn mặt có ván khắc chữ Hán là tư liệu cổ của chùa. Hệ thống bia ma nhai trong động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tăng giá trị di tích.

Chùa Ba Làng (Long Tiên, Long Châu và Phương Bản) còn gọi là Quan âm Viện có niên đại vào thời Lê (1675-1704) và được trùng tu, tôn tạo thời Tây Sơn, đã cung cấp thêm tư liệu trong bảo tồn, nghiên cứu về cụm di tích chùa Trầm. Chứng tích từ quả chuông Quan âm và nền móng của chùa Quan âm cũng bổ sung cho sự phong phú của cụm di tích chùa Trầm.

Về chùa Trăm Gian trên núi Mã Yên thuộc dãy núi Tiên Lữ của huyện Chương Mỹ, chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm tự, bởi quy mô rộng lớn nên dân gian thường gọi là chùa Trăm Gian. Tương truyền rằng, chùa có lịch sử kiến tạo từ thời Lý Cao Tông niên hiệu Trinh Phù (1176-1210). Thời thuộc Minh bị giặc đốt phá, chùa được phục dựng rồi trùng tu vào thời Lê mà chứng tích còn một số bộ phận kiến trúc, cùng ván khắc còn lưu trên mấy tấm bia niên hiệu Hoằng Định thứ 4 (1603) với tiêu đề “Quảng Nghiêm tự bi ký” và bia ghi năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768), bia ghi năm Chiêu Thống nguyên niên (1787)...

Theo “Quảng Nghiêm tự bi ký”, chùa được trùng tu quy mô lớn vào các năm 1577 và 1599. Sang thời Tây Sơn, đầu triều Cảnh Thịnh, Đô đốc Đông đã chủ trì cho tu sửa nhỏ, đúc chuông đồng, hiện còn bảo lưu hiện vật văn khắc ghi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794). Cuối thời Nguyễn, chùa được trùng tu với quy mô lớn còn lưu tích trên tấm bia khắc niên hiệu Bảo Đại năm Bính Tý (1936), ghi danh Tổng đốc Hoàng Trọng Phu.

Cụm di tích đậm đặc giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng

Cụm di tích chùa Trầm, chùa Vô Vi, chùa Hang (động Long Tiên), chùa Ba Làng, chùa Quan Âm trên dãy núi Tử Trầm gồm năm ngọn: Vô Vi, Trầm, Bút, Trạo, Bụt, tuy không lớn nhưng có một nét đặc biệt giá trị cao nhìn từ văn hóa truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo, nổi bật là sự nguyên sơ, tĩnh lặng trong không gian tự nhiên của kiến trúc cổ, như chùa Vô Vi, động Long Tiên với lầu Nghênh Phong và vách đá treo chuông trên đỉnh núi cùng thiên tạo tự nhiên trong hang động. Kiến trúc tạo tác với đá, gỗ mộc mạc còn tồn tại đến nay mang phong cách cổ xưa và những bức tượng gỗ nhỏ đơn sơ ở di tích đã nói lên được giá trị nguyên sơ ở đây.

Rồng đá thời Trần được chạm khắc tinh xảo đặt ở hai bên dẫn lên chùa Trăm Gian. Ảnh: Phạm Hoa

Ba chữ “Vô Vi tự” trên cổng chùa và văn khắc Hán Nôm trên ma nhai có tiêu đề “Trùng phỏng Vô Vi tự” (thăm lại chùa Vô Vi) của vị tướng xuất gia họ Trần (cũng là người chủ trì việc xây dựng chùa) cùng với hình bát quái âm dương gắn trên lầu Nghênh Phong đã thể hiện tư tưởng triết lý Phật - Đạo hỗn dung của ngôi chùa này, nơi tu luyện của tiền nhân. Đây là giá trị đặc biệt mà nhiều ngôi chùa khác không có được và trên tinh thần ấy, vào thời Lê Chiêu Tông, hành cung mới được dựng ở đất Long Châu Tử Trầm Sơn, kiến tạo chùa Trầm phát triển động Long Tiên, chùa Hang, Quan Âm tự, Quan Âm viện... hình thành một quần thể di tích sống động trên dãy núi Trầm.

Cụm di tích chùa Trầm nằm ở các vị trí khác nhau với khoảng cách vừa phải trong không gian rộng hoang sơ, cổ thụ trên dãy núi đá thấp đã tạo nên sự tương quan văn hóa có ý nghĩa tích cực, thuận lợi trong bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản. Hệ thống tượng Phật cùng các di vật còn bảo lưu được trong lòng cụm di tích chùa Trầm khá phong phú mang niên đại khác nhau, cấu trúc khác nhau, song đều có giá trị riêng.

Tư liệu hiện vật ván khắc Hán Nôm ở các di tích trên dãy núi Trầm khá đa dạng, đó là bia đá, bia ma nhai, cột hương, chuông đồng, khánh đồng, hoành phi và câu đối... niên đại khá rõ ràng từ triều Lê đến cuối triều Nguyễn. Nội dung ván khắc khá phong phú, có giá trị lịch sử và văn hóa không nhỏ, trong đó nổi bật là các bia ma nhai ở động Long Tiên, chùa Vô Vi còn lưu chứng tích tên tuổi, danh vị của những tác giả đã soạn đề các bài thơ này, góp phần trong nghiên cứu thơ Nôm thời Nguyễn.

Bia ma nhai khắc trên vách đá chùa Vô Vi niên đại thời Lê năm Hồng Thuận 7 (năm 1515) có giá trị lịch sử, góp phần xác định vị thế của di tích danh thắng núi Trầm. Từ đó, mở rộng hơn trong khảo sát, nghiên cứu ván khắc Hán Nôm liên quan, như tấm bia “Cao Sơn thần từ” tạo năm Hồng Thuận thứ 5 (năm 1513) do Lê Tung soạn ảnh ở xóm San sát chân núi núi Trầm...

Phù điêu gỗ 18 vị La Hán tại chùa Trăm Gian được chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Phạm Hoa

Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự) trên núi Mã Yên, xã Tiên Phương là ngôi chùa có quy mô với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Ngôi chùa cổ trên đồi thông cổ thụ là hình ảnh đẹp khó quên cho những ai đến thăm nơi này. Giá trị lịch sử và văn hóa chùa Trăm Gian đã được khẳng định từ lâu không chỉ trên hình thức quan phương mà cả trong dân gian.

Giá trị nổi bật của chùa Trăm Gian là di tích kiến trúc, nghệ thuật trải dài từ chân lên đến đỉnh đồi mà trung tâm kiến trúc chủ yếu ở mặt bằng đỉnh núi, vị trí mỗi điểm kiến trúc khá phù hợp và có giá trị riêng biệt. Cấu trúc quy mô chùa Trăm Gian chính là kiến trúc mang giá trị riêng, đặc biệt gác chuông chùa Trăm Gian là công trình xây dựng có giá trị nhất di tích.

Hệ thống tượng thờ và di vật ở chùa Trăm Gian khá phong phú, đa dạng, cùng với số lượng tượng Phật và hiện vật ở cụm di tích chùa Trầm. Tất cả đều là những cổ vật chân thực, sống động, góp phần trong nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc tạo hình của Phật giáo Việt Nam giữa và cuối thời kỳ Trung đại.

Chùa Trăm Gian còn bảo lưu được một số hiện vật ván khắc Hán Nôm có giá trị như bia đá, chuông đồng, khánh đồng, 14 tấm bia trong đó có tấm bia quý là “Quảng nghiêm tự bi ký” tạc năm Hoằng Định thứ 4 (năm 1603), nội dung góp phần tìm hiểu về lịch sử của chùa. Các bia khắc như “Tiên Lữ Đức Thánh Bi Ký” niên đại 1805 có ý nghĩa lịch sử trong việc tìm hiểu về Thánh Bối (Đắc đạo chân nhân Nguyễn Bình An thời Trần - người hưng công xây chùa, được tôn thờ). Bia “Đặng Tướng công bi ký” tạo năm 1927 nói về Đô đốc họ Đặng thời Tây Sơn có công được thờ phụng.

Đáng chú ý, quả chuông đồng khắc niên hiệu Cảnh Thịnh năm Giáp Dần 1794, do Thụy Nham hầu Phan Huy Ích soạn, chiếc khánh đồng có niên đại Cảnh Hưng thứ 10 (năm 1750) của cung tần phủ Chúa cung tiến... các di vật đã đóng góp tích cực cho giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo của ngôi chùa.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cụm di tích

Cụm di tích chùa Trầm và chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ là những di tích danh thắng đẹp có giá trị về lịch sử, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng Phật - Đạo đã tồn tại qua bao thế kỷ. Bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa ở đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Văn hóa, khoa học, lịch sử và của chính quyền các cấp ở Hà Nội và của mỗi người dân. Qua lịch sử và thực trạng di tích hiện nay, chúng ta cần phát huy vai trò quản lý, chỉ đạo, giám sát của ngành Văn hóa và chính quyền các cấp đối với điểm di tích danh thắng này. Cố gắng bảo tồn hiện trạng tự nhiên, không cho phép việc phá núi đồi, đất đai, lấp ao hồ để xây dựng trong phạm vi quy định và dự kiến quy hoạch. Việc tu sửa, nâng cấp về kiến trúc xây dựng cũng như tượng thờ, hiện vật cần được các cấp, ngành thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ tuân thủ theo quy định chung.

Chính quyền địa phương, người dân thực hành tín ngưỡng theo quy phạm nghi thức của tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa truyền thống đã lưu truyền. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa chùa Trầm và chùa Trăm Gian, đáp ứng nhu cầu văn hóa, du lịch của nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

hanoimoi.vn

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mở toang lối đi cho xe khách trá hình lách luật?

Tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ, chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản.

https://hanoimoi.vn/pgs-ts-nguyen-cong-viet-nguyen-vien-truong-vien-nghien-cuu-han-nom-chua-tram-chua-tram-gian-mang-dam-gia-tri-lich-su-van-hoa-tin-nguong-679265.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com