Xem nhiều

Nghệ sĩ Hoài Linh giữ 14 tỷ chưa làm từ thiện: Tội ác hay bệnh vô cảm?

26/05/2021 06:52

Kinhte&Xahoi Nhiều ý kiến cho rằng: Nghệ sĩ Hoài Linh giữ 14 tỷ đồng chưa làm từ thiện có thể là tội ác hoặc biểu hiện của bệnh vô cảm…

Những ngày gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến số tiền 14 tỷ được nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh kêu gọi mọi người quyên góp để đi làm từ thiện.

Sự việc cũng gây lên nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều cũng như suy luận khác nhau dẫn đến bàn tán, thậm chí là tranh cãi nhau.

Nghệ sĩ Hoài Linh trần tình về sự việc. (Ảnh chụp lại trong video)

Ngọn nguồn của sự việc

Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, tên thật là Võ Hoài Linh, từng kêu gọi vận động các nhà hảo tâm trên cả nước hướng về miền Trung trong đợt lũ lịch sử diễn ra vào đầu tháng 10 kéo dài đến tháng 12/2020 bằng cách ủng hộ tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân của mình.

Số tiền mà các nhà hảo tâm quyên góp, gửi tiền vào tài khoản của nghệ sĩ này lên đến hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng trôi qua kể từ thời điểm nêu trên, toàn bộ số tiền trên vẫn đang nằm trong tài khoản riêng của Hoài Linh mà chưa được sử dụng theo mục đích kêu gọi ban đầu.

Theo lời giải thích của Hoài Linh, trước Tết năm 2021, anh định trao số tiền quyên góp được cho bà con nhưng do dịch Covid-19 bùng lên nên đành hoãn lại. Sau đó, anh dự kiến đi trao vào dịp từ ngày 10 đến 17/5/2021 nhưng dịch lại tiếp tục bùng phát nên chuyến đi của anh tiếp tục hoãn.

Nghệ sĩ Hoài Linh cho biết: khi trao, anh muốn có các chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện đến để đảm bảo sự minh bạch.

Tất cả anh đều muốn phải thông qua chính quyền địa phương, có sự xác nhận của địa phương khi tiếp nhận số tiền giúp đồng bào.

Sau mỗi đợt trao, Hoài Linh hẹn sẽ công bố các clip và chứng từ minh bạch và cũng bày tỏ sự đáng tiếc vì đã chậm trễ vì những lý do ngoài ý muốn.

Mặc dù Hoài Linh đã lên tiếng về việc chậm trễ trao số tiền từ thiện mà mình quyên góp được đến đồng bào bị ảnh hưởng bở lũ lụt miền trung.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc Hoài Linh chậm triển khai 14 tỷ từ thiện mà để trong tài khoản đã dấy lên sự ngờ vực, nghi ngờ, thâm chí đánh giá tiêu cực về anh.

Vi rút lây nhiễm bệnh vô cảm

Trao đổi với phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Tâm lý học, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ: Tôi không biết rõ và cũng không hoàn toàn am hiểu hết sự việc kêu gọi và làm từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, tuy nhiên, thời gian đầu tiên, hành động kêu gọi mọi người ủng hộ người dân gặp khó khăn tôi thấy là một hành động tốt, hành động cao cả.

Tuy nhiên, khi kêu gọi được, Hoài Linh lại không làm đúng như những gì mình đã nói khi kêu gọi ủng hộ, đó có thể là gian dối.

Tiến sĩ Tâm lý học, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Thanh Nga trả lời phỏng vấn.

Tôi không am hiểu pháp luật nên xin phép không bàn tới, nhưng dưới góc độ xã hội, góc độ đạo đức và với tư cách là một người dân Việt Nam, tôi thấy nghệ sĩ Hoài Linh vô trách nhiệm.

Bởi lẽ, tất cả những người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ này, dù là lớn hay nhỏ, dù cả trăm triệu hay một đồng, mỗi người họ chỉ có duy nhất một mong muốn, một mục đích, đó là góp một phần của mình để san sẻ đau thương, mất mát cho chính những người đồng bào của mình.

Những người quyên góp, họ không cần đánh bóng tên tuổi, không cần hư danh, không cần ai biết, ai nhớ, ai mang ơn họ sau khi bản thân họ góp tiền, góp tài sản để san sẻ mất mát của họ với người khác. Đó là những mạnh thường quân của đất nước ta, của dân tộc ta.

Thế nhưng, Hoài Linh lại ở đó, nhận hết niềm tin mà họ gửi đến, rồi sau 6 tháng lại từng ngày vứt bỏ hết niềm tin của những mạnh thường quân đó, cất đi tấm lòng nhân ái, sự đồng cảm của những người đã “chọn mặt gửi vàng”, những người đã chuyển tiền ủng hộ cho Hoài Linh để đi làm từ thiện.

Mặt khác, từng đồng tiền mà mọi người gửi cho Hoài Linh để đi làm từ thiện không phải nhặt được, hay trúng vé số mà có.  

Từng đồng tiền ủng hộ, quyên góp đó có pha lẫn mồ hôi, pha lẫn sự vất vả, thời gian, thậm chí có người mất cả nửa đời người để thành công, để rồi có tiền bạc, có tài sản…san sẻ cho người khó, khổ hơn mình.

Một vấn đề nữa là, sau khi nhận thấy một người “đầy uy tín”, một nghệ sĩ vốn được mệnh danh là “vua hài”, một người được hậu bối gọi là anh cả và có hàng trăm, thậm chí hàng triệu fan hâm mộ “phụ lòng tốt” của nhiều người thì sẽ như thế nào?

Những người đã ủng hộ, những người đã gửi tiền quyên góp, bản thân họ sẽ không tiếc số tiền đã gửi, thậm chí sẵn sàng ủng hộ thêm, họ cũng sẽ không tiếc.

Nhưng cái mất lớn nhất ở những mạnh thường quân là mất niềm tin, mất tình nhân ái, mất đi tấm lòng san sẻ đau thương mất mát với người khác. Những người này có thể sẽ không còn niềm tin để quyên góp, để ủng hộ khi được kêu gọi sau sự việc này.

Bên cạnh đó, những người ngoài cuộc và không liên quan đến sự việc nhưng có thể cũng sẽ không biết có nên ủng hộ, quyên góp để làm từ thiện nữa không khi bản thân đã chứng kiến sự việc này.

Đây có thể là biểu hiện, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến một chứng bệnh trong xã hội hiện nay, đó là bệnh vô cảm.

Bệnh vô cảm được hiểu là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không nảy sinh những cảm xúc đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, những nỗi buồn, nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của con người. Có thể gọi vô cảm là một hội chứng thần kinh có tính lây lan mạnh.

Người sống vô cảm là người có lối sống lạnh lùng, ích kỉ, thiếu cởi mở và không quan tâm đến mọi vấn đề của xã hội, đất nước.

Người sống vô cảm thường vô tâm trước nỗi đau thương mất mát của người khác, thậm chí họ còn không quan tâm đến bản thân và gia đình.

Theo tôi, nếu sự việc không thể giải quyết một cách hợp tình, hợp lý thì nguy hiểm không nằm ở chỗ 14 tỷ sẽ bị mất mà nguy hiểm ở chỗ, chính sự việc này, bản thân nghệ sĩ Hoài Linh đã mang gieo giắc vào tấm lòng của nhiều người trong xã hội một loại vi rút chưa căn bệnh vô cảm.

Ảnh minh họa.

Người miền trung nghĩ gì?

Liên quan đến sự việc, phóng viên của Tòa soạn Pháp luật Plus cũng được gặp và nghe tâm sự của bạn Phạm Phương Anh (20 tuổi) hiện đang sống và làm việc tại TP Hà Nội, có quê tại tỉnh Hà Tĩnh, một trong những gia đình từng bị ngập lụt, mất mát lớn.

Phương Anh chia sẻ: “Hồi ấy, khi nhà bị lũ lụt, em đang làm ở Hà Nội và rất lo lắng cho gia đình. Ngay hôm ấy, em có gọi điện về, may là em gọi được cho mẹ và biết gia đình em đã an toàn sau khi được hỗ trợ di tản đến nơi không bị ngập lụt.

Một thời gian sau khi nước lũ rút, em có xin nghỉ làm về quê để thăm nhà và phụ mẹ dọn dẹp. Nhà em đồ đạc bị trôi hết, đồ gì không trôi cũng hỏng hoặc bị bùn đất bám đầy, nền nhà có 1 lớp đất bùn phủ lên, phải dọn mấy ngày mới xong.

Lũ xong, gần như mất hết. Khi ấy, em hay gia đình mà được hỗ trợ hay giúp đỡ thì sẽ rất cảm kích vì thực sự khi ấy nhà em rất cần.

Đến giờ, gia đình em cũng đã ổn, công việc của em tại Hà Nội cũng đảm bảo thu nhập. Vì vậy, giờ mà có ai bảo hỗ trợ hay giúp đỡ gia đình mình thì em sẽ từ chối vì hiện tại gia đình em đã ổn nên không cần hỗ trợ nữa…”

Nhìn sự việc dưới một góc độ khác, anh Nguyễn S, cũng có quê tại tỉnh Hà Tĩnh – hiện cũng đang sống và làm việc tại TP Hà Nội lại thấy rằng: “Giờ lũ lụt hết rồi, nhưng mùa hè oi bức thì đã đến, nếu Hoài Linh đã không hỗ trợ bà con khi lũ lụt được thì hãy dùng số tiền đó để mua quạt, mua điều hòa rồi tặng cho các trường học ở đó để các em nhỏ đỡ bị nóng bức.”

Tục ngữ có câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, khi khó khăn, sự giúp đỡ, chia sẻ đáng quý vô cùng. Khi qua cơn hoạn nạn, có chia sẻ, có muốn giúp đỡ…chưa chắc đã được.

Có phải là tội ác?

Bày tỏ quan điểm của mình về sự việc, chị Nguyễn Thị Mai H, một giáo viên, thẳng thắn nói: “Người ta quyên góp tiền, góp tài sản để mong người kêu gọi giúp đỡ, san sẻ khó khăn với những người đang cần. Có thể họ có tiền nhưng không có thời gian, không có sức khỏe hay vì bất kì lý do nào đó mà không tự mình đi trực tiếp, đến tận nơi để giúp đỡ, để hỗ trợ người dân bị lũ lụt đang từng ngày, từng giờ phải chịu gió mưa, giá rét.

Cầm tiền nhưng không cố gắng làm hết sức, làm không kịp là tội lỗi, còn cầm tiền nhưng không làm hay định lấy làm của riêng thì đó là tội ác. Bởi đây là làm giàu, là tận hưởng sau khi giẫm đạp lên khổ cực, hoạn nạn của đồng bào mình” – Chị H chia sẻ thêm.

Pháp luật quy định như thế nào?

Liên quan đến sự việc, phóng viên tòa soạn Pháp luật Plus cũng đã được phỏng vấn, trao đổi với Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn luật sư TP Hà Nội. Luật sư Nhung cho biết: Hiện tại, pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể hay luật riêng quy định về hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, có thể dựa vào một số yếu tố để xác định quy phạm pháp luật như: mục đích, phương thức và đối tượng của hoạt động từ thiện.

Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo đó, dựa trên hình thức từ thiện hoặc hoàn cảnh làm từ thiện có thể kể đến các quy định tại: Nghị định 64/2008/NĐ-CP Chính phủ năm 2008; Luật phòng chống thiên tai năm 2013; Nghị định 160/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật phòng chống thiên tai 2013; Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện…

Quy chiếu vào sự việc có thể thấy: Nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ là một hoạt động kêu gọi ủng hộ từ phía một cá nhân không thường xuyên.

Luật pháp Việt Nam cho phép cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Mọi cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Việc mọi người ủng hộ chuyển tiền, tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua một người khác và vấn đề cá nhân đứng ra làm từ thiện thì việc vận động các cá nhân khác làm từ thiện không thường xuyên, cụ thể ở đây là Hoài Linh hoàn toàn không trái luật. Nếu xét ở một góc độ nào đó còn có thể được khen thưởng theo pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Luật sư Nhung cũng cho rằng: Hiện tại, quy kết Hoài Linh chậm triển khai 14 tỷ từ thiện mà để trong tài khoản có dấu hiệu trục lợi là chưa có cơ sở.

Vì mọi người gửi tiền cho Hoài Linh nhằm mục đích ủng hộ, từ thiện được nhìn nhận tương tự việc uỷ quyền cho người khác định đoạt tài sản của mình. Quá trình thực hiện công việc được uỷ quyền, thời gian thực hiện, phương thức thực do các bên thoả thuận, nếu các bên không thoả thuận thì căn cứ theo quy định của pháp luật là 1 năm kể từ khi giao kết uỷ quyền được thực hiện.

Đối với uỷ quyền không có thù lao, các bên có quyền chấm dứt bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên còn lại khoảng thời gian hợp lý. Ngoài ra, bên nhận uỷ quyền còn có nghĩa vụ thông báo cho bên uỷ quyền về tiến độ, công việc được uỷ quyền.

Mặt khác, theo quy định của một số ngân hàng, khoản tiền để trong tài khoản thanh toán thường không phát sinh lãi, hoặc phát sinh số lãi rất nhỏ. Để kết luận có hay không hành vi trục lợi, cần phải xem xét cách thức gửi tiền của nghệ sĩ này và cách thực hiện công việc được mọi người tin tưởng giao phó có đúng với mục đích sử dụng thể hiện tại nội dung thoả thuận hoặc nội dung chuyển tiền hay không.

Khi ấy mới có cơ sở để kết luận, từ đó, những người quyên góp, ủng hội mới nên lựa chọn phương án giải quyết phù hợp nhất theo quy định của pháp luật.

Phân tích sâu hơn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nhung cho biết: theo quy định của pháp luật thì đây là quan hệ dân sự về việc thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền tặng cho tài sản. Người tặng cho là người có tiền, tài sản.

Người được tặng cho là đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai. Nghệ sĩ Hoài Linh chỉ là người được ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận, cam kết trước nó.

Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ Hoài Linh không chuyển tiền từ thiện cho đồng bào miền Trung như đã thỏa thuận hoặc có gian dối để chiếm đoạt số tiền đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015. – Vị Luật sư cho biết thêm.

Có thể thấy, xoay quanh sự việc nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi ủng hộ được hơn 14 tỷ và chưa thực hiện công việc từ thiện đã có không ít ý kiến, quan điểm trái chiều. Để giải quyết triệt để vấn đề này, Hoài Linh cần tự mình đưa sự việc ra ánh sáng cho mọi người biết, như vậy mới có thể chứng minh bản thân trong sạch. Từ đó, sự việc mới không còn nảy sinh tranh cãi cũng như không còn quan điểm mang tính chất tiêu cực về việc làm từ thiện nêu trên.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

 Gia Hải - Pháp luật Plus

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thẩm định hồ sơ thầu: Cần nhạy cảm và tỉnh táo

Hồ sơ năng lực của nhà thầu thường có nhiều loại giấy tờ, thậm chí có thể nặng tới nhiều kilogam. Sự phức tạp về số lượng khiến một số loại giấy tờ quan trọng có thể bị làm giả để "vô tình" lọt vào tập hồ sơ này. Thẩm định hồ sơ thầu ngoài chuyên môn còn cần có độ nhạy cảm cần thiết.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghe-si-hoai-linh-giu-14-ty-chua-lam-tu-thien-toi-ac-hay-benh-vo-cam-d156569.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com