Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Càng "mở cửa" càng phải tập trung phòng, chống dịch

11/02/2022 18:42

Kinhte&Xahoi Tính từ ngày 26/1 - 10/2, trung bình thành phố Hà Nội ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước. Tuy nhiên, đây có thể là mức giảm "giả tạo".

Chiều 11/2, Ban chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng... cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của thành phố.

Quang cảnh hội nghị

Số ca mắc giảm nhẹ

 Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Tính từ ngày 26/1 - 10/2, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày). Tuy nhiên, đây có thể là mức giảm "giả tạo". Trong tuần tiếp theo, sau kỳ nghỉ Tết có thể ghi nhận số mắc tăng cao song công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: Vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh, do đó, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời, đảm bảo an ninh y tế.

Về đánh giá mức độ dịch trên địa bàn thành phố đến nay, Hà Nội có 541/579 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 29/579 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 9 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3; Không có xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4.

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, thành phố đã tiêm được tổng số 14.927.981 mũi. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (tiêm mũi 3 cho người dân từ 28/2/2022), đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai tiêm xuyên Tết và đã thực hiện được 237.985 mũi. Phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 28/2/2022.

Tại hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với phương châm bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở đã chỉ đạo các trường vừa tổ chức học trực tiếp lẫn trực tuyến đối với những lớp có học sinh F0.

Về lộ trình cho học sinh của các quận của Hà Nội (từ lớp 1 đến lớp 6) trở lại trường học, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở tham mưu UBND thành phố cho học sinh đi học trở lại từ ngày 21/2 tới, còn học sinh mầm non tiếp tục tạm nghỉ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, thực hiện các quy định thích ứng an toàn với dịch COVID-19, Sở đã có hướng dẫn các rạp chiếu phim, cơ sở văn hóa đảm bảo các hoạt động phục hồi kinh tế và an toàn phòng chống dịch. Sở đề nghị các quận, huyện, thị có phương án cụ thể đảm bảo thích ứng với dịch bệnh, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động này. Các địa điểm văn hóa phải đảm bảo nghiêm túc 5K, quét mã QR...

Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị cho học sinh khối giáo dục nghề nghiệp trở lại trường từ ngày 14/2.

Thành lập các nhóm "gia đình tự quản" trong trường học

 Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động giám sát người có nguy cơ cao, đặc biệt ở các trại dưỡng lão, bởi đây là đối tượng có nhiều bệnh nền với khả năng chuyển tầng cao; Đồng thời tăng cường quản lý và đẩy nhanh tiêm chủng kịp thời; Tăng cường chăm sóc và điều trị tại nhà, phát hiện và chuyển tầng kịp thời.

Các quận, huyện cần chủ động trong việc mua các túi thuốc tại cơ sở; Huy động thêm các lực lượng nắm bắt ý kiến, kiến nghị từ người dân...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện 3 nội dung: Tập trung tuyên tuyền để thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ngoại thành; Tiếp tục nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt; Chủ động thông tin về các nội dung bức xúc về phòng chống dịch và tổ chức lễ hội trên địa bàn để tạo luồng thông tin tích cực.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng làm rõ thêm một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong đó, đối với việc cho học sinh đi học trở lại, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua kiểm tra, lãnh đạo các trường học rất quan tâm tới công tác phòng, chống dịch trong nhà trường, tuy nhiên, cần thành lập tổ công tác, gắn trách nhiệm các địa phương để thường xuyên ứng trực, hỗ trợ kịp thời cho trường học.

Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp phê duyệt kế hoạch và kịch bản ứng phó, trong đó có phương án phối hợp giữa nhà trường và gia đình, đảm bảo thông tin dịch tễ; Khuyến khích thành lập các nhóm gia đình tự quản để có thông tin thông suốt tới giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học và giáo viên, trong đó triển khai tập huấn tâm lý học đường khi phát sinh ca mắc trong trường, tránh để xảy ra tâm lý kỳ thị khi có học sinh bị nhiễm COVID-19. Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Y tế chủ trì và các đơn vị liên quan cập nhật phác đồ điều trị cho các học sinh.

Về nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế, theo Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, dự kiến theo đánh giá trong tuần này, các xã, phường, thị trấn của thành phố sẽ không còn cấp độ 3, vì vậy, các địa phương cần căn cứ Kế hoạch 243 của UBND TP để cho phép các dịch vụ hoạt động trở lại.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT; Linh hoạt, rà soát các đối tượng để chi trả hỗ trợ...

Rà soát nguyên nhân gia tăng các mắc tại các địa phương

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, giai đoạn sắp tới khi thành phố mở thêm các hoạt động dịch vụ sẽ khó khăn hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành, khi tâm lý chủ quan lơ là trong người dân có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, các cấp, ngành cần nhận thức "càng mở cửa càng cần phải tập trung, không được lơ là. Mở cửa mà để dịch bệnh quay lại sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ, muốn làm tốt việc này cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về hậu quả của việc gia tăng quá mức các ca mắc, nguyên nhân bùng phát dịch bệnh; Đồng thời tuyên truyền sát tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tiếp tục chuẩn bị để học sinh trở lại trường, tính toán mở cửa lại trường mầm non theo lộ trình mở cửa trước các trường ở khu vực ngoại thành và thực hiện học bán trú.

Nhấn mạnh, tới đây, ngày 14/2, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề mở cửa trở lại, một "áp lực" lớn sẽ đặt lên các địa phương, do đó, các địa phương cần có trách nhiệm phối hợp sát sao hơn,

Về công tác tiêm chủng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị tiếp tục rà soát tiêm cho các đối tượng đặc thù và tiêm trả mũi 3. Trong thời gian tới, có các hoạt động tôn vinh, động viên lực lượng y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2); Sở Văn hóa và Thể thao có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc mở cửa các thiết chế văn hóa.

Đặc biệt, các địa phương có các ca mắc gia tăng đột biến cần đánh giá rà soát nguyên nhân, có biện pháp chỉ đạo không được để tăng thêm, "càng kiềm chế được bao nhiêu càng tốt", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

 Huy Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ngày 10-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, đang thực hiện việc phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm tại 9 dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cang-mo-cua-cang-phai-tap-trung-phong-chong-dich-189716.html?