Phòng, chống cháy rừng mùa lễ hội: Chủ động các phương án quản lý, bảo vệ

20/02/2024 12:02

Kinhte&Xahoi Cùng với các địa phương khác, các huyện, thị xã có rừng ở Hà Nội đang tổ chức Lễ hội Xuân Giáp Thìn, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trẩy hội.

Đây cũng là cao điểm của mùa khô, nên chỉ cần một bất cẩn nhỏ của du khách trong sử dụng lửa hay thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng. Để bảo vệ diện tích rừng hiện có, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với các địa phương có rừng triển khai nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng chức năng diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Ba Vì. Ảnh: Đức Duy

Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng

Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 7 huyện, thị xã là: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Vào dịp đầu Xuân Giáp Thìn, các địa phương này đều có những lễ hội gần rừng và trong lõi các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, nên nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Điển hình, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng (tức từ ngày 21 đến 23-2) trong khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, thu hút hàng vạn lượt người đến hành lễ.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế, ngoài dự lễ hội, du khách còn sử dụng dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, du lịch khám phá trong rừng, chỉ cần sơ ý vứt tàn thuốc lá hoặc sử dụng lửa trong rừng là có thể gây cháy rừng.

Tương tự, Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch (tức từ ngày 15-2 đến đầu tháng 5-2024) trong vùng lõi rừng đặc dụng Hương Sơn. Trung bình mỗi ngày, lễ hội đón từ 3 đến 5 vạn lượt du khách.

Huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh chùa Hương phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường tuyên truyền cho nhân dân chấp hành các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong khu vực di tích. Cụ thể, từ khu vực bến Đục, dọc theo suối Yến và xung quanh khu di tích đã được treo biển báo bảo vệ rừng, băng rôn tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời nhắc nhở trên hệ thống truyền thanh để du khách không đốt hương, vàng mã, hóa sớ khu vực gần rừng...

Hiện vẫn trong cao điểm của mùa khô, lượng mưa thấp, nên các khu rừng ở Hà Nội đang ở mức cảnh báo cháy rừng cao. “Để giảm nguy cơ cháy rừng, mỗi người dân, du khách khi tham dự lễ hội hay vào rừng du lịch trải nghiệm cần nâng cao ý thức, chung tay cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm khuyến cáo.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa lễ hội 2024, các cấp, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, thị xã có rừng triển khai các phương án quản lý, bảo vệ rừng. Ở những địa bàn trọng điểm tổ chức lễ hội, như: Đền Sóc (huyện Sóc Sơn); chùa Hương (huyện Mỹ Đức); đền Thượng, Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì); Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đền Và (thị xã Sơn Tây)…, các hạt kiểm lâm cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp phá rừng, gây nguy hiểm cho rừng; phân công kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã có rừng triển khai phương án “4 tại chỗ”, ứng trực 24/24 giờ để chủ động triển khai các phương án phòng, chống cháy rừng.

Còn ở những khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp với kiểm lâm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nam trao đổi kinh nghiệm, xây dựng phương án tuần tra, canh gác chung. Khi xảy ra cháy rừng, các địa phương hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, mùa Lễ hội chùa Hương năm nào huyện cũng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng chi tiết; phân công nhiệm vụ tới từng thành viên trong Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh chùa Hương. Huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 9 (đơn vị phụ trách địa bàn huyện Mỹ Đức) thành lập tổ xung kích, thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát khu vực xung quanh lễ hội.

Còn theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 4 Nguyễn Văn Hải (đơn vị phụ trách địa bàn huyện Sóc Sơn), trong những ngày diễn ra Lễ hội Gióng, đền Sóc, đơn vị huy động 100% quân số cùng trang thiết bị tham gia làm nhiệm vụ để khi phát hiện cháy rừng lập tức dập tắt đám cháy. Ngoài ra, Hạt còn tham mưu cho UBND huyện Sóc Sơn ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn có rừng chủ động triển khai phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, các lực lượng ứng trực thông báo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống cháy rừng của huyện để huy động lực lượng quân đội, công an tham gia dập lửa, hạn chế thiệt hại lâm sinh…

“Xảy ra cháy rừng thường gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, phương án hiệu quả nhất là mỗi người dân, du khách khi tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Hoàng Sơn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/phong-chong-chay-rung-mua-le-hoi-chu-dong-cac-phuong-an-quan-ly-bao-ve-658766.html