Phòng, chống dịch Covid-19 trong bệnh viện: Chủ quan sẽ phải trả giá đắt

21/08/2020 17:09

Kinhte&Xahoi Đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 đã có nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh; nhiều bệnh nhân (BN), người nhà cùng lây bệnh trong môi trường bệnh viện (BV). Bài học đau xót từ BV Đà Nẵng vẫn còn đó. Tại Hà Nội, nhiều BV để lọt BN Covid-19 khiến dịch có nguy cơ khó kiểm soát đang là hồi chuông báo động đỏ.

Đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Ảnh: Xuân Lộc

Bệnh viện bỏ lọt bệnh nhân Covid-19 

 BV E đã bị phong tỏa liên quan đến BN Covid-19 thứ 994. Dù chiều tối qua (20/8), Bộ Y tế đã công bố, sau khi xét nghiệm nhiều lần bằng nhiều phương pháp khác nhau có thể khẳng định "BN944 âm tính với SARS-CoV-2", song nhìn lại quy trình tiếp đón, điều trị tại BV E, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những vấn đề băn khoăn. Cụ thể, ngày 11/8, BN xuất hiện sốt (nhiệt độ từ 38 - 39 độ C), được khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của BV. Cho đến ngày 18/8, BN mới được làm xét nghiệm Covid-19, ngày 19/8 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian này, BN được chuyển nhiều Khoa: Khám bệnh theo yêu cầu, gan mật, hô hấp. Ngày 19/8 mới được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh.

Trước đó, ca bệnh 962 ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng được nhận định là lây từ ca bệnh 812 tại BV Thanh Nhàn. Cụ thể, tại đây, BN được bố trí ở cùng phòng với BN 812 và có mượn điện thoại của BN 812 gọi về cho gia đình. Cùng ngày, BN xét nghiệm cho kết quả âm tính và được cho về nhà. Đến ngày 14/8, BN xuất hiện các triệu chứng điển hình nên quay lại BV Thanh Nhàn khám và được xét nghiệm cho kết quả dương tính. Nhận định về trường hợp này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, rất có khả năng BN 962 lây từ BN 812 tại BV Thanh Nhàn. Điều đáng nói, là ngay sau khi có kết quả BN 812 dương tính, BV Thanh Nhàn đã không kiểm soát, thông báo cho địa phương về các trường hợp F1 tiếp xúc với BN 812 tại BV. Việc để lọt ca nhiễm Covid-19 ra cộng đồng có lỗi một phần từ BV Thanh Nhàn.

Tương tự, trường hợp BN 714 trước khi được phát hiện mắc Covid-19 cũng đã đi khám tại nhiều BV: Y học cổ truyền Bộ Công an, Đa khoa Hà Đông, Phổi T.Ư, sau đó mới được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ổ dịch từ BV Bạch Mai và BV Đà Nẵng đã lây lan đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hiện dịch bùng phát đợt 2 đang vô cùng khó lường bởi virus SARS-CoV-2 đã biến đổi. Việc phát hiện virus cũng khó khăn, phức tạp hơn khi nhiều BN xét nghiệm đến lần thứ 3 - 4 mới phát hiện dương tính. Đặc biệt, nhiều BN nhiều lần âm tính lại tái dương, nhiều BN có thời gian ủ bệnh 20 - 22 ngày…

Kiên quyết xử lý nghiêm

Tại Hà Nội từ ngày 25/7 đến nay có 35 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca ngoài cộng đồng và 23 ca từ nước ngoài về được cách ly ngay khi nhập cảnh. Trong 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 9 ca phát hiện tại BV. Trước nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 trong BV và lây ra cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các BV trong và ngoài công lập bắt buộc thực hiện nghiêm việc lập chốt kiểm soát, sàng lọc tại cổng BV, tuyệt đối không cho người nhà BN ra vào tự do trong BV. BV ngoài công lập không thực hiện đúng quy định yêu cầu đóng cửa. Đối với các BV công lập vi phạm, sẽ kỷ luật của giám đốc đơn vị.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu tất cả các đối tượng có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cấp tính nhưng không xác định được nguyên nhân đều phải lấy mẫu xét nghiệm ngay để tránh bỏ sót. Với những trường hợp xét nghiệm loại trừ SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính nhưng khi về địa phương vẫn phải tư vấn nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến Covid-19 thì liên hệ ngay với BV để phối hợp xử lý, kiểm soát. “Nếu chủ quan trong việc sàng lọc cũng như không tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch sẽ phải trả giá đắt, dịch bệnh bùng phát, cơ sở y tế có nguy cơ bị đóng cửa…” – ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Đề cập đến công tác kiểm soát Covid-19 trong BV, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, đã kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công tác tiếp đón, sàng lọc người bệnh tại một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, có những BV chưa triển khai tích cực hoặc có triển khai nhưng chưa đúng theo các nguyên tắc sàng lọc, phân loại, cách ly người bệnh Covid-19 như các hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch.

Ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu những đơn vị chưa có xét nghiệm chẩn đoán virus cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng lâm sàng bất thường, Xquang phổi, CT Scan phổi để sớm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trường hợp cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ như khi cấp cứu người nhiễm. Các BV hạn chế tối đa nhận các trường hợp bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV đặt biển cảnh báo, trước cửa phòng khám, bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và các khu vực quan trọng, có dải ngăn cách ngăn riêng lối đi tới phòng khám để chỉ dẫn bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng tới đúng phòng khám. Bố trí lối đi riêng cho người bệnh, đồ nhiễm và lối đi riêng cho nhân viên y tế, đồ sạch.
Bảo vệ bằng được những điểm cốt tử

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 này diễn biến phức tạp, do đó phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch lần này khá nhiều. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, nếu như lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ.
Quyền Bộ trưởng cho rằng, các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó chủ động và nhịp nhàng để tránh trường hợp nếu phong tỏa một loạt các BV thì sẽ khó khăn trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cần cấp cứu. Do đó, các địa phương phải lên kịch bản sẵn về việc các BV sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”.

“Chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của BV. Các cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong tỏa, nhiều BN và nhiều cán bộ y tế dương tính để nâng cao cảnh giác, ứng phó thật nhanh khi có tình huống. Chúng ta chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi vì thế phải rà soát ngay”- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

 Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; chỉ cho một người nhà vào chăm sóc bệnh nhân; thực hiện khai báo y tế, tổ chức phân luồng khám sàng lọc, thiết lập khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân, bảo đảm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh

Bộ Y tế yêu cầu người có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 cần được bố trí cách ly tạm thời tại khu vực thông thoáng, ít người qua lại hoặc phòng áp lực âm (nếu có). Nhân viên y tế tham gia thăm khám cho bệnh nhân rời khỏi buồng khám sớm nhất có thể khi kết thúc công việc.

Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện ngay các biện pháp: Phân luồng người có – không có nguy cơ nhiễm; Sàng lọc phát hiện nguồn có nguy cơ lây nhiễm; Giãn cách người – người; Cách ly nguồn lây; Vệ sinh hô hấp, Vệ sinh tay; Phòng hộ cá nhân; Vệ sinh môi trường; Khử khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải...

 Nhật Nguyên - Theo KTĐT


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhập lậu hàng hóa qua mạng xã hội Facebook cơ sở kinh doanh bị xử lý

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tại thời điểm kiểm tra, làm việc với Đoàn kiểm tra bà H.T.L, chủ cơ sở thừa nhận 600 bàn chải đánh răng bà mua trôi nổi trên thị trường về đăng bán trên tài khoản facebook cá nhân để kiếm lời và không có Hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/phong-chong-dich-covid-19-trong-benh-vien-chu-quan-se-phai-tra-gia-dat-393887.html