Phục hồi du lịch ở Việt Nam: Đừng quên người khuyết tật

31/03/2021 10:25

Kinhte&Xahoi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định khả năng tiếp cận dễ dàng của điểm đến với mọi du khách đóng vai trò quan trọng.

Cần quan tâm du khách người khuyết tật

Mới đây, Cuộc thi khởi nghiệp “SDGs Global Startup Competition” của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã công bố 25 dự án thắng cuộc theo 17 hạng mục là các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Trong số này, đáng chú ý có Dự án Travaxy (Isreal) đã chiến thắng ở hạng mục “Giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Đây là dự án hiếm hoi cung cấp thông tin và giải pháp về du lịch dành cho người khuyết tật (NKT) và người già, tích hợp các thông tin cần thiết cho một chuyến đi du lịch từ các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn, điểm đến cho các đối tượng du khách này.

Khả năng tiếp cận dễ dàng của điểm đến góp phần gây dựng hình ảnh thân thiện với du khách.

Theo báo cáo của UNWTO, thị trường khách du lịch khuyết tật tại các nước châu Âu lên tới 80 triệu người, trong đó 70% đủ khả năng tài chính và sức khỏe để đi du lịch. Chỉ tính riêng tại Tây Ban Nha, chi tiêu trung bình của du khách khuyết tật là hơn 800 EUR, so với mức 600 EUR của khách thông thường.

Còn tại Mỹ, thống kê cho thấy trong giai đoạn 2018-2019 đã có hơn 27 triệu lượt du khách khuyết tật, thực hiện 81 triệu chuyến đi và chi tiêu 58,7 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, Tổ chức Open Doors Organization nhận định nguồn thu trên thực tế còn có thể cao hơn bởi vì NKT thường đi du lịch cùng với một số người khác chứ không thường đi một mình.

Ở Việt Nam cũng đã có những điểm đến “thân thiện” với NKT. Đơn cử, tại Hà Nội có Văn Miếu, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ là những nơi NKT có thể tiếp cận và có những trải nghiệm thú vị. Bảo tàng Phụ nữ có nhà vệ sinh phù hợp với NKT, xe lăn dành cho khách, lối đi riêng cho người dùng xe lăn và thang máy. Mặt khác, tại Bảo tàng Quảng Ninh có thiết kế đường dành cho xe lăn với độ dốc vừa đủ, giúp NKT dễ dàng di chuyển tham quan bảo tàng.

Hay trên bãi biển Mỹ Khê nằm trong khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) đã có hẳn lối đi riêng dành cho xe lăn. Tại đây, NKT được đón tiếp như những khách VIP, với chế độ phục vụ, giúp đỡ bất kể lúc nào khi cần.

Còn về mặt thông tin, cũng đã có một số trang web cung cấp thông tin cơ bản về các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các công trình này cho NKT có thể đưa ra quyết định có đi hay không.

Tuy nhiên, những mô hình như vậy vẫn chưa nhiều. Theo ông Zurab Pololikashvili - Tổng Thư ký UNWTO, tinh thần “du lịch cho tất cả mọi người” là mục tiêu toàn ngành du lịch thế giới đang hướng tới. Việc ưu tiên cho khả năng tiếp cận của NKT sẽ là lợi thế cạnh tranh của các điểm đến và doanh nghiệp, giúp họ có được hình ảnh đẹp đẽ, thân thiện hơn với du khách từ phương xa tới. 

Xoá bỏ các “rào cản”

NKT khi đi du lịch tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Khảo sát của Dự án “Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho NKT tại Việt Nam” cho thấy, ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch, NKT đã bị hạn chế về thông tin khi rất nhiều thông tin tiếp thị về các điểm đến không hề đề cập đến việc nơi này có “thân thiện” với NKT hay không.

Do không biết các điểm đến, khách sạn trong chương trình có khả năng tiếp cận ở mức độ nào, không chỉ cá nhân mà cả các hội, nhóm NKT cũng gặp khó ngay khi tìm kiếm địa điểm tụ họp, tổ chức sự kiện, lưu trú, tham quan. 

 Người khuyết tật đi du lịch ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ hạn chế về cơ sở hạ tầng du lịch, hạn chế cho NKT đi du lịch còn nằm ở nhận thức cộng đồng. Các công ty du lịch phục vụ khách hàng là NKT đều phải tăng thêm người hỗ trợ, thời gian, chi phí cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, yêu cầu về các hướng dẫn viên cho đối tượng du khách này cũng cao hơn hướng dẫn viên thường; ví như phải đáp ứng những yêu cầu riêng về chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho NKT, thái độ nhẹ nhàng, khéo léo trong ứng xử. 

Với những khách hàng là người khiếm thính, hướng dẫn viên phải biết thêm cả ngôn ngữ hình thể khi giao tiếp và dẫn giải. Do đó, nhiều công ty không hề “mặn mà” với việc phục vụ du khách là NKT. Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở lưu trú cũng lưỡng lự khi nhận khách là NKT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khi ngành du lịch dần dần phục hồi, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tại Việt Nam là những NKT. Không giống mọi người thường lầm tưởng, NKT luôn nỗ lực hướng đến hoà nhập với các hoạt động xã hội một cách độc lập. 

NKT cũng có nhu cầu như bao du khách khác về việc sử dụng dịch vụ, hạ tầng của ngành du lịch để có những trải nghiệm du lịch mới mẻ. Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực phấn đấu trở thành một trong những điểm đến du lịch thân thiện hàng đầu thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành du lịch Việt khó thể bỏ sót một số lượng lớn du khách tiềm năng là NKT và cả người cao tuổi cần hỗ trợ. 

 Đỗ Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội triệt phá kho hàng tiêu dùng “ khủng” nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu lớn

Theo thông tin Tổng Cục Quản lý thị trường, ngày 30/3 Tổ công tác 368 phối hợp với Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 14 , Cục QLTT Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm tại một con ngõ tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/phuc-hoi-du-lich-o-viet-nam-dung-quen-nguoi-khuyet-tat-d152191.html