Quặn lòng hàng triệu trẻ em bơ vơ vì COVID-19

26/09/2021 12:54

Kinhte&Xahoi Trong khi hầu hết sự chú ý của thế giới đều tập trung vào người lớn, số người nhiễm và số ca tử vong bởi COVID-19, ít ai để ý đến những nạn nhân gián tiếp của căn bệnh này - trẻ em.

Một trại trú ẩn cho trẻ em trong bối cảnh đại dịch ở Kabul, Afghanistan. Nguồn: France24

Một nghiên cứu mới đây cho biết, trung bình mỗi hai ca tử vong bởi COVID-19 sẽ có một trẻ em bị mất đi cha, mẹ hoặc những người chăm sóc khác như ông, bà.

Những cuộc chia ly còn quá sớm với con trẻ

Vào ngày 26/8, Davy Macias, 37 tuổi, đã qua đời vì COVID-19, sau khi hạ sinh một bé gái được một tuần. Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9/9, Daniel Macias, chồng của Davy, cũng qua đời vì căn bệnh này. Họ để lại 5 đứa trẻ bơ vơ ở các độ tuổi 7, 5, 3, 2 và 3 tuần tuổi.

Theo NBC News (Mỹ) đưa tin, gia đình Macias sống ở Yucaipa (bang California), người vợ là y tá tại Trung tâm Y tế Kaiser Permanente Fontana, còn người chồng làm giáo viên tại Trường Trung học cơ cở Jehue tại Colton. Cả gia đình này đều có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào đầu tháng 8/2021 nhưng Davy và Daniel có triệu chứng nặng hơn và phải nhập viện ngay. Tình trạng hai vợ chồng nhanh chóng chuyển biến tồi tệ.

Davy phải sinh mổ vào ngày 18/8 để bảo vệ đứa bé. Hai vợ chồng dự định sẽ đặt tên cho đứa con mới chào đời của họ sau khi hồi phục và xuất viện; tuy nhiên, đứa trẻ sơ sinh ấy đã không bao giờ được đặt tên bởi bố mẹ cô bé. Davy Macias đã qua đời trước khi được gặp con gái của mình, còn Daniel Macias cũng chỉ dành được vài giờ trước khi phải vào phòng điều trị tích cực và ra đi trên giường bệnh.

Vào những ngày cuối đời của Davy và Daniel, đài CNN (Mỹ) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với họ. Theo đó, hai vợ chồng đã chia sẻ rằng, những đứa trẻ là tất cả những điều quý giá nhất của họ. Họ đã cực kỳ cẩn thận với COVID-19 trong suốt 18 tháng qua nhưng cuối cùng cơn ác mộng vẫn ập đến. Cả hai đều chưa được tiêm vắc xin nhưng họ dự định sẽ tiêm vắc xin ngay sau khi sinh hạ bé gái thứ 5. Tuy nhiên, dự định này đã không còn thể thực hiện được.

Chỉ mới cách đây không lâu, vẫn còn có một gia đình hạnh phúc và đầy đủ, năm đứa trẻ nhà Macias sẽ không thể ở bên cạnh bố mẹ mình trong những ngày sinh nhật hay ngày nghỉ lễ nào nữa. Hiện nay, các em đang được chăm sóc bởi ông bà và họ hàng. Một số tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng với các em.

Trong khi hầu hết sự chú ý của thế giới đều tập trung vào người lớn, số người nhiễm và số ca tử vong bởi COVID-19, ít ai để ý đến những nạn nhân gián tiếp của căn bệnh này. Cuối tháng 7/2021, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet đã đưa ra ước tính rằng, trên toàn cầu có hơn 1,5 triệu trẻ em mất đi ít nhất một cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, người chăm sóc, trong giai đoạn từ ngày 1/3/2020 đến ngày 30/4/2021 khi số ca tử vong bởi COVID-19 trên thế giới đạt mốc hơn 3 triệu người.

Các quốc gia có số lượng trẻ em mồ côi bởi COVID-19 lớn nhất bao gồm: Nam Phi, Peru, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Mexico. Trên thực tế, số trẻ em mất cha mẹ và người chăm sóc có lẽ còn lớn hơn rất nhiều so với ước tính của nghiên cứu nêu trên, bởi nghiên cứu mới chỉ dựa trên số liệu tử vong tại 21 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, số ca tử vong bởi đại dịch vẫn gia tăng, cập nhật tại ngày 20/9, con số đã đạt tới 4,55 triệu người trên toàn cầu, chủ yếu là người lớn.

Bà Susan Hillis thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng là trưởng nhóm nghiên cứu nói trên, cho biết: “Cứ hai trường hợp tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới thì sẽ có một đứa trẻ bị bỏ lại phía sau để đối mặt với cái chết của cha mẹ hoặc người chăm sóc các em. Số lượng trẻ mồ côi COVID-19 sẽ tăng lên khi đại dịch tiếp diễn”.

Không chỉ bố mẹ mà sự ra đi quá sớm của các thành viên khác trong gia đình như ông, bà, cô, dì, chú, bác,… cũng tác động không nhỏ đến trẻ em. Đơn cử, ông bà thường đóng vai trò chủ chốt trong các gia đình mở rộng trên khắp thế giới. Họ không chỉ hỗ trợ trẻ em về mặt tâm lý, xã hội mà còn trực tiếp hỗ trợ tài chính và nuôi dưỡng cháu.

Theo thống kê, ở Mỹ, 40% ông bà sống với cháu của họ và đóng vai trò là người chăm sóc chính. Ở Anh, 40% ông bà tham gia chăm sóc và trông cháu cùng với bố mẹ chúng. Còn ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, phần lớn ông bà trở thành người giám hộ hoặc người chăm sóc chính thức cho những đứa trẻ có cha mẹ phải đi xa xứ vì công việc, đã chết vì bệnh tật, hoặc bị chia cắt bởi các cuộc xung đột, chiến tranh.

Đừng để trẻ em bị bỏ lại phía sau

Khó có thể đo đếm được những hậu quả gián tiếp mà đại dịch để lại cho thế hệ trẻ. Theo Tổ chức Save the Children, dịch bệnh COVID-19 đã khiến điều kiện sống của trẻ em trên khắp thế giới trở nên tồi tệ hơn. Rất nhiều tiến bộ đạt được trong nền giáo dục và hệ thống hỗ trợ, bảo vệ cho trẻ em những thập kỷ qua đang bị đẩy lùi ngược lại.

Hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới đã và đang bị gián đoạn việc học. Việc không thể đến trường, mất ngày học khiến các trẻ em gái, trẻ em trai và trẻ vị thành niên quyết định bỏ học vĩnh viễn, tham gia lao động khi chưa đủ tuổi, kết hôn và mang thai sớm.

Khi không có cha mẹ hướng dẫn hay người chăm sóc, trẻ em càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Theo nhà tâm lý học, TS. Kathryn Cullen, hai năm đầu tiên sau khi mất cha mẹ là giai đoạn trẻ em có nguy cơ phát triển trầm cảm cao nhất. Chúng không chỉ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn mất đi những hỗ trợ tài chính, đồng thời có xu hướng phát triển chứng lo âu, u uất, nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích.

Đặc biệt khi những mất mát bởi COVID-19 xảy ra trong bối cảnh giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, thay đổi thể chế và kinh tế khó khăn, trẻ em không thể nhận được những sự hỗ trợ mà chúng cần. Ở các quốc gia nghèo hơn, thậm chí chính phủ còn có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng các viện mồ côi cho trẻ em cư trú.

Bidisha Pillai - Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em khẳng định: “Chúng ta không thể mặc kệ những nạn nhân gián tiếp bởi đại dịch. Nếu không có biện pháp nào bảo vệ thế hệ này, các em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Khi mất một hoặc cả hai cha mẹ, các gia đình thường trở nên nghèo khó hơn. Điều đó có thể khiến chúng phải bỏ học và đi làm sớm để phụ giúp thu nhập lo miếng cơm, manh áo nuôi gia đình. Những đứa trẻ không thể quay trở lại trường học và trở thành những đối tượng yếu thế hơn trong xã hội, chúng bị mắc kẹt trong một chu kỳ nghèo đói với chất lượng cuộc sống giảm sút”.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đang kêu gọi các tổ chức và chính phủ trên thế giới quan tâm khẩn cấp đến hoàn cảnh của trẻ em mồ côi, mất cha mẹ và người chăm sóc, đặc biệt từ tác động của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo các em có thể được nuôi dưỡng và chăm sóc trong môi trường gia đình an toàn và bền vững. Tổ chức UNICEF cũng tin rằng có những bước mà các chính phủ và cộng đồng quốc tế cần thực hiện ngay bây giờ để đảm bảo các gia đình được tiếp tục tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe.

Các dịch vụ bảo vệ trẻ em phải được tăng cường, bao gồm cả dịch vụ xã hội cho trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương. Trường học và các dịch vụ khác của trẻ em phải được mở lại và có thể tiếp cận được. Theo đó, phải có cơ chế và hành động cụ thể giúp trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc tiếp cận được các hỗ trợ về mặt tài chính và vật chất, ví dụ các khoản trợ cấp, bảo hiểm nhân thọ mà chúng có quyền được hưởng.

Diệu Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đau lòng khi trẻ là nơi “trút bức xúc” của người lớn

Thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, người quen, thậm chí là người nhà của nạn nhân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quan-long-hang-trieu-tre-em-bo-vo-vi-covid-19-d167198.html